Món ăn từ rêu đá là đặc sản "trời ban" mà khi nghe đến tên thôi cũng đã gây nên biết bao sự tò mò cho các thực khách. Từ nhiều đời nay, rêu đá luôn được xem như một loại thực phẩm phục vụ đời sống hằng ngày. Đặc biệt đối với đồng bào người Thái, rêu đá còn được dùng để chế biến ra nhiều món ăn truyền thống, ngon và đặc sắc trong dịp lễ, Tết.
Rêu mọc trên các mỏm đá bám vào các gờ đá nơi lòng suối, chúng có quanh năm nhưng mùa xuân có lẽ là mùa rêu ngon nhất. Rêu được người dân ở đây phân chia thành 3 nhóm: “cui”, loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm; “cay”, loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh và “tau”, loại rêu mọc thành từng mảng ở khu vực ven sông, các khe suối, trôi nổi theo các dòng suối, hoặc bám vào đá.
Tùy theo sở thích của từng người mà rêu đá được chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau đem đến hương vị khá lạ miệng nhưng cũng rất tốt cho sức khỏe giúp lưu thông khí huyết, giải độc, thanh nhiệt, hạ huyết áp,... đặc biệt trong số đó phải kể đến món rêu nướng, nộm rêu, canh rêu và món mọc rêu.
Có lẽ món ăn chế biến từ rêu đá được ưa chuộng nhất phải kể đến đó chính là món rêu đá nướng. Món ăn này luôn có mặt trên mâm cơm của bất cứ gia đình nào hay trên các mâm cỗ cưới của nhiều cặp đôi trai gái ở vùng đất này.
Để làm được món rêu nướng thì bạn cần phải sơ chế sạch rêu – đây là bước đòi hỏi rất sự tỉ mỉ và cẩn thận, Đầu tiên, rêu sau khi được thu hoạch về phải được bỏ vào rổ để dưới vòi nước sạch dùng tay giặt nhiều lần nhằm loại bỏ bụi cát hoặc tạp chất bám trong rêu. Kế tiếp cho rêu lên một tảng đá to phẳng hoặc thớt rồi dùng chày gỗ đập cho rêu tơi ra. Cuối cùng là rửa lại cho sạch để ráo rồi mới chế biến thành món ăn.
Để làm món ăn này thì đầu tiên phải trải qua công đoạn sơ chế hết sức tỉ mỉ. Ảnh: baonghean
Sau đó xé tơi rêu ra rồi thái nhỏ và mang đi tẩm ướp các loại gia vị gồm có sả, lá mùi tàu, lá răm, lá hẹ và có thể thêm 1-2 hạt dổi vào cho thơm cùng với muối, mì chính, tùy khẩu vị của gia đình rồi trộn tất cả lại cho đều, tiếp đến cho vào lá gói và đem nướng trên bếp than.
Khi nướng thì phải đặt áp vào than, nhưng không phải xoay nhiều lần mà chỉ nướng chín một bên, rồi mới nướng tiếp bên còn lại đến khi gói rêu dậy lên mùi thơm phức dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là rêu đã chín. Cũng có thể bọc lá kẹp que nướng cùng cá suối, thịt lợn, thịt gà để tăng thêm sự hấp dẫn cho bữa ăn.
Một món ăn đơn giản nhất là canh rêu tươi (kinh tau). Trước khi chế biến thành món canh này thì cũng phải trải qua bước sơ chế cẩn thận giống như khi làm món rêu nướng sau đó mới cắt rêu thành các đoạn nhỏ, thả vào nước luộc gà hoặc xương hầm, nêm gia vị vừa khéo, đến khi chín sẽ dậy lên hương thơm hấp dẫn và hương vị cũng rất đặc biệt.
Nếm thử một miếng rêu nóng hổi đượm mùi thơm thoang thoảng, lại say sưa với vị cay nóng của gia vị cùng vị ngọt thành sần sật của rêu chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị.
Nộm rêu cũng là một trong những món ăn từ rêu khá phổ biến ở đây. Món này thường chế biến với rêu non. Rêu rửa sạch được đồ chín, sau đó trộn với súp, mì chính, gừng, mùi, hạt tiêu rừng, có thể thêm ớt nướng giã nhỏ, đặc biệt không thể thiếu mắc kén, tất cả đem đến một sự kết hợp hài hòa đến lạ. Nhiều người khi thưởng thức đều nhận xét rằng món ăn này dường như thể hiện được đầy đủ hương vị đời người là cay, đắng, ngọt, bùi.
Có thể nói rêu đá không chỉ là một món đặc sản dân dã mà nó còn là một nét đẹp ẩm thực Tây Bắc đầy ý nghĩa mà ai khi đến đây cũng nên thử trải nghiệm, chắc chắn đó sẽ là những kỷ niệm rất đáng nhớ. Du lịch Tây Bắc, sau khi khám phá những điểm đến thú vị, ngắm hoa xuân Tây Bắc nở rộ, thì bạn đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá món ăn đặc sản được chế biến từ râu đá.
Minh Nguyên