Có dịp du lịch miền Tây về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau,… bạn sẽ được người dân địa phương chiêu đãi món gỏi sầu đâu, một món ăn bình dị nhưng đậm đà bản sắc ẩm thực của người miền Tây. Lá sầu đâu với vị đắng hậu ngọt, được người dân địa phương kết hợp cùng khô cá sặc, chế biến thành món gỏi thơm ngon nức tiếng.
Có lẽ những ai không ăn được vị đắng sẽ thấy lá sầu đâu vô cùng khó ăn. Nhưng với những tín đồ ẩm thực thích ăn đắng thì quả thật đây là món gỏi ngon. Lá sầu đâu xanh tươi, mướt mát được rửa sạch, bóp nát rồi trộn đều cùng khô cá sặc, khô cá lóc. Để tăng hương vị món gỏi, người ta còn trộn thêm nước mắm me, vừa giúp giảm độ đắng, vừa giúp gỏi thêm đậm đà.
Trong ký ức của người miền quê, gỏi sầu đâu tuy đơn giản nhưng là món ăn vị đắng của miền Tây vô cùng nổi tiếng. Gắp một đũa gỏi chấm vào nước mắm me rồi chậm chầm nhai để nghe vị đắng hòa lẫn cùng chút hậu ngọt thanh, chút mằn mặn của cá khô, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn hơn vị ngon từ loại lá đắng này.
Thông thường, gỏi sầu đâu sẽ được ăn kèm với bánh tráng nướng, cơm trắng hoặc là món khai vị trong các bữa tiệc nhỏ của gia đình. Để món ăn thêm phần chỉn chu, không thể thiếu vài cọng ngò rí, đậu phộng rang và vài lát ớt đỏ đầy màu sắc. Tuy gỏi sầu đâu là món không phải ai cũng ăn được nhưng không thể phủ nhận, món gỏi đắng này đã phần nào làm nên nét đặc sắc cho ẩm thực miền Tây.
Nếu gỏi sầu đâu quá đắng thì về miền Tây, bạn có thể thưởng thức một món ăn khác có mức độ đắng nhẹ hơn. Đó là cháo cá lóc rau đắng đất – món ngon có mặt ở hầu hết các tỉnh thành miệt sông nước. Rau đắng đất vốn là một trong các loại rau đắng giàu dinh dưỡng, giúp thanh lọc cơ thể và nhuận gan, lợi tiểu.
Không ai biết chính xác món cháo cá lóc rau đắng ra đời từ khi nào, chỉ biết rằng món ăn này có mặt từ rất lâu và hầu như ai nấu cũng được. Chỉ cần có đủ các nguyên liệu là gạo, cá lóc và rau đắng là bạn có ngay một nồi cháo nóng hổi, thơm phức.
Nhiều người miền Tây chia sẻ, rau đắng được chọn ăn kèm với cháo cá lóc là để trung hòa hương vị món ăn, xua tan bớt vị tanh của cá. Bên cạnh đó, rau đắng thường có hậu ngọt, quyện hòa cùng vị ngọt của cá lóc, vị thanh của cháo, làm nên tên tuổi món ăn vị đắng của miền Tây nổi tiếng khắp các vùng.
Để có một nồi cháo cá lóc rau đắng đất ngon, gạo nấu cháo phải là gạo cũ vì sẽ giúp hạt gạo nở đều, không có nhựa khi chín. Cá lóc nấu chào phải là con to để không còn nhiều xương và thịt ngọt, chắc hơn. Còn rau đắng phải là loại trồng tự nhiên, có vị đắng nhưng để lại hậu ngọt. Chỉ cần đảm bảo 3 nguyên liệu cơ bản này là bạn cũng có thể tự vào bếp nấu cháo. Nhưng nếu muốn ăn cháo cá lóc chính hiệu, nhất định phải du lịch miền Tây, đặc biệt là các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang,…
GỢI Ý TOUR DU LỊCH MIỀN TÂY KHUYẾN MÃI
>> HCM - Cái Bè - Sa Đéc - Cần Thơ 3N2Đ, Du thuyền 4* Le Cochinchine từ 3.700.000Đ >> HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ - Châu Đốc 3N2 từ 2.790.000Đ |
Canh nấm tràm hải sản cũng là một món ăn vị đắng của miền Tây nhưng không phổ biến ở hầu hết các tỉnh. Bởi đặc sản này chỉ có trên huyện đảo Phú Quốc – nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để trồng nấm tràm. Vốn dĩ, nấm tràm có thể nấu cùng các loại thịt, cá,… nhưng ngon nhất là nấu cùng hải sản. Có lẽ nhờ nguồn tôm cá tự nhiên tươi ngon mà người dân Phú Quốc đã chế biến nên một món canh đặc biệt như vậy.
Nếu so về độ đắng, nấm tràm có lẽ phải xếp sau sầu đâu. Do đó, món canh hải sản này khá dễ ăn và được người dân địa phương, du khách cực kỳ yêu thích. Cách nấu canh thường không quá khó nhưng bạn phải chọn được các nguyên liệu ngon nhất. Ngoài ra, nấm tràm là nấm mọc hoang chứ không thể trồng kiểu công nghiệp. Đó là lý do mà muốn ăn món này, bạn phải du lịch Phú Quốc vào mùa mưa.
Nấm tràm sau khi được sơ chế sạch sẽ được nấu qua nước sôi một đợt để nấm nở ra, có màu trắng và xốp. Sau đó, người ta sẽ bắc một nồi nước và cho hải sản, tôm khô, thịt băm vò viên vào. Cuối cùng khi các nguyên liệu đã chín, nấm tràm được cho vào nồi canh, nêm nếm gia vị vừa ăn là có thể thưởng thức. Để tăng hương vị cho canh nấm tràm hải sản, các gia vị như hành, ngò và tiêu được thêm vào tô canh.
Món ăn vị đắng của miền Tây này sẽ được ăn cùng cơm nóng hoặc dùng như một món súp giúp tăng cường sức khỏe. Vị đắng của nấm tràm khi được nấu lên không còn quá đắng, thay vào đó là chút nhẫn nhẫn rồi hóa thành hậu ngọt, dễ ăn. Tuy nhiên, sau khi thưởng thức món canh nấm tràm hải sản, bạn không nên uống nước liền để tránh cảm giác đắng miệng. Đây là đặc trưng riêng của nấm tràm, tạo nên sự khác biệt với muôn vàn loại nấm khác.
Ẩm thực Miền Tây ngoài các món bánh xèo, cá lóc nướng trui,… còn có các món ăn vị đắng như gỏi sầu đâu, cháo cá lóc rau đắng đất hay canh nấm tràm hải sản. Có dịp về vùng đất này, bạn hãy thử đổi khẩu vị với các món ngon vị đẳng để cảm nhận một nét đẹp khác trong ẩm thực của người dân sông nước.
Xem thêm: Sao có thể ngó lơ trước 3 'bến tàu sống ảo' chất lừ ở miền Nam |
Ngọc Anh (tổng hợp)