Khi các quốc gia hạn chế đi lại để giúp làm chậm sự lây lan của Covid-19, một số cặp vợ chồng bị chia tách đang gặp nhau tại đường biên giới giữa hai quốc gia. Tình yêu nơi biên giới bỗng chốc đua nở.
Do đại dịch Covid-19, nhiều cặp vợ chồng buộc phải đối diện với nguy cơ “xa mặt cách lòng”. Những nỗ lực của chính phủ làm chậm sự lây lan của Covid-19 khiến nhiều người yêu phải xa nhau và không biết khi nào mới có thể đoàn tụ. Việc đóng cửa biên giới ở những nơi trước đây không bị hạn chế, chẳng hạn như khu vực Schengen dẫn đến một số cặp vợ chồng đột nhiên yêu xa “một vòng Trái đất”, dù sống gần nhau.
Một cặp vợ chồng đã dấy lên xu hướng mới - tình yêu nơi biên giới thời Covid-19 - là Andrea Rohde và người chồng bầu bạn với bà hơn mười năm Markus Brassel. Rohde ở thành phố Konstanz ở miền nam nước Đức, trong khi Brassel chỉ sống cách đó vài km trong ngôi làng Tägerwilen của Thụy Sĩ.
Thông thường, họ chỉ mất 10 phút đi xe để gặp nhau. Nhưng điều đó trở nên bất khả thi vào ngày 16/3, khi Đức và Thụy Sĩ đóng cửa biên giới. Từ tháng 6 thì hai bên, cũng như nhiều nước châu Âu khác, đã gỡ các rào cản. Tình yêu nơi biên giới cũng kết thúc. Nhưng câu chuyện của họ thì được lưu giữ mãi.
Trong thời gian bị cách ly xã hội, Rohde và Brassel đã tìm ra cách để vẫn nhìn thấy nhau. Vài lần một tuần, họ lại đến biên giới Đức-Thụy Sĩ phân chia các thành phố Konstanz và Kreuzlingen, để gặp nhau qua hàng rào biên giới mới được cài đặt. “Một cảm giác thật lạ, dù chúng tôi chỉ cách nhau 2m”, Rohde nói.
Cuộc gặp nơi biên giới cũng cho phép Rohde “chơi” với Niro, con chó của hai vợ chồng. Chú chó giống Parson Russell Terrier 7 tuổi thường chạy qua chạy lại nhà hai vợ chồng, nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến “cậu” bị kẹt lại ở Thụy Sĩ.
Rohde và Brassel không phải cặp đôi duy nhất yêu nơi biên giới thời Covid-19. Thực tế, hàng trăm cặp vợ chồng bị chia rẽ đã đến đường biên giới giữa hai quốc gia để đến gần nhau nhất có thể.
Trước khi bị hạn chế đi lại vì Covid-19, mọi người có thể di chuyển tự do giữa Kreuzlingen và Konstanz kể từ năm 2009. Thị trưởng Kreuzlingen, ông Thomas Niederberger, giải thích rằng các thành phố về cơ bản đã hợp nhất với nhau, nên nhiều cư dân có thể tự do di chuyển hàng ngày. “Có thể ví von như một thành phố lớn với đường biên giới quốc tế chạy qua vậy.”
Bản chất đan xen giữa các thành phố giải thích lý do vì sao nhiều người bị chia tách và khi bị đóng cửa, họ phải yêu nơi biên giới. Ban đầu chỉ là hàng rào cao ngang eo, dẫn đến hai bên có thể ôm hôn thắm thiết khi đứng ở các quốc gia khác nhau. Sau đó, khi Covid-19 ập đến, người ta dựng lên hàng rào thứ hai chạy song song với hàng rào thứ nhất, để giữ khoảng cách an toàn giữa các cuộc gặp nơi biên giới.
Cơ hội yêu nơi biên giới với khung cảnh hẹn hò “lãng mạn” đã không chỉ thu hút người dân địa phương đến biên giới Kreuzlingen-Konstanz. Nhiều người từ những nơi xa hơn, chẳng hạn như Natascha Dematteis, đã lái xe hơn một giờ để ngồi cách Micha Roth sống ở Konstanz 2m. Hai người hẹn hò qua mạng và hẹn gặp nhau trực tiếp, đúng lúc các giới hạn đi lại được ban hành. Dematteis nói rằng gặp gỡ nơi biên giới là cách duy nhất để xem liệu phản ứng hóa học đời thực của họ có mạnh mẽ như qua điện thoại không.
Sau khi dành buổi hẹn hò đầu tiên qua hàng rào trong 6 giờ, bộ đôi đã chính thức trở thành người yêu, dù họ phải ở cách nhau 2m. Dematteis nói rằng tình huống này thật “kỳ dị”, nhưng điều đó lại khiến tình cảm họ sâu sắc hơn. “Không chỉ là sự hấp dẫn vật chất nữa”, cô nói. Khi đó không thể biết được khi nào hàng rào bị gỡ bỏ, nhưng cảm giác “khó khăn” đã khiến cuộc tình này trở nên đặc biệt hơn.
Một cặp khác cũng hẹn hò nơi biên giới là Karsten Tüchsen Hansen, 89 tuổi, đến từ Đức, và Inga Rasmussen, 85 tuổi, đến từ Đan Mạch. Kể từ khi yêu nhau hai năm trước, cặp đôi người góa vợ người góa chồng này đã ở bên nhau gần như mỗi ngày. Rasmussen thường qua đêm ở nhà Hansen cách đó 15km ở Süderlügum. Họ buộc phải đưa ra quyết định khó khăn là cách ly để có thể ở gần gia đình mình trong khoảng thời gian này.
Kể từ khi biên giới giữa Đức và Đan Mạch đóng cửa vào ngày 14/3, họ vẫn đến gặp nhau hàng ngày. Rasmussen lái xe đến biên giới từ thị trấn Gallehus, còn Hansenthì đạp xe từ Süderlügum. Hai người gặp nhau tại hàng rào ngăn cách gần thị trấn Aventoft với ghế, cà phê và đôi khi có cả những chiếc bánh quy. “Từ 15:00 đến 17:00, bất kể thời tiết như thế nào”, Hansen cho biết.
Chỉ vào Chủ nhật, họ mới gặp nhau sớm hơn một chút, để chia sẻ bữa trưa mà Rasmussen nấu. Hansen mô tả khoảng thời gian họ dành cho nhau ở biên giới là thời điểm quan trọng trong ngày của ông. Tất nhiên ông vẫn thích tình yêu tay trong tay hơn, nhưng lúc này, sức khỏe và an toàn là trên hết.
Những người yêu nơi biên giới này có kế hoạch đi du lịch một khi mọi thứ trở lại bình thường. Một chuyến du thuyền dọc theo bờ sông Danube đang là ứng viên hàng đầu. Cho đến khi đó, họ sẽ hỗ trợ nhau vượt qua thời điểm khó khăn và tiếp tục tận hưởng mối quan hệ đặc biệt.
“Tôi chưa từng nghĩ mình có thể yêu nồng cháy như vậy ở tuổi 89”, Hansen nói.
Xem thêm: Hết dịch, chúng ta vẫn hẹn nhau ở ban công nhé! |
Phong Sa