Ban công luôn được thiết kế để quyến rũ và truyền cảm hứng cho công chúng. Giữa dịch Covid-19, ban công đã lên một tầm cao mới.
Federico Sirianni, ca sĩ, nhạc sĩ từ Torino, Ý, đã từng chơi nhạc tại khu phố nhỏ của mình. Nhưng gần đây, cùng với nhạc sĩ Federica Magliano, ông đã thực hiện một live concert ngay trên ban công nhà mình với khán giả là những hàng xóm cũng bị cách ly như họ. Bỗng nhiên, ban công trở thành một nơi rất đặc biệt. Sirianni tỏ ra rất hứng khởi, “cảm giác cực kỳ tuyệt vời”, nhiều người nói họ “cảm thấy bớt cô đơn”.
Giống như hàng triệu người Ý khác, Sirianni phải ở nhà kể từ khi đất nước ban hành cách ly xã hội vào ngày 9/3 để ngăn chặn Covid-19. Cũng giống như hàng triệu người ở khắp nơi trên thế giới mà chính phủ ban hành lệnh tương tự, Sirianni đang khám phá ban công nhà mình và coi nơi đây là liên kết với thế giới bên ngoài, là nguồn hy vọng trong thời điểm giãn cách xã hội.
Những người Ý bị cách ly đã ra ban công để cùng hát quốc ca, phóng pháo hoa, hát nhạc kịch và cổ vũ nhân viên y tế. Tất cả để giúp nước Ý vẫn lạc quan yêu đời giữa dịch bệnh. Điều đó đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Giờ đây, khi hơn một nửa dân số hành tinh đang ở dưới các hình thức giãn cách xã hội khác nhau, ban công ở khắp nơi, từ Madrid đến Mumbai, Chicago đến Chiết Giang, từ Hamburg đến Alexandria, đột nhiên trở thành sân khấu, nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của nhìn ra bên ngoài và kết nối với thế giới rộng lớn bên ngoài.
Thực tế, từ xa xưa, ban công đã là nơi để quyến rũ, hô hào và truyền cảm hứng cho đám đông. Một trong những cảnh lãng mạn nổi tiếng nhất văn đàn diễn ra trên ban công, nơi chàng Romeo và nàng Juliet gửi đến nhau những lời ngọt ngào. Ban công ở Cape Town chính là nơi Nelson Mandela mới được giải thoát khỏi nhà tù ra mắt công chúng và hứa hẹn chương mới cho lịch sử Nam Phi. Và từ ban công ở Vatican, Giáo hoàng vẫn ban phước cho hàng triệu tín đồ mỗi chủ nhật.
Từ hàng ngàn năm qua, ban công đã là công trình kiến trúc đặc biệt chứng kiến mọi thăng trầm của lịch sử loài người. Trong một cuốn sách, nhà khảo cổ học đô thị Mary Shepperson nói rằng ban công có thể đã có từ 3.000 năm trước Công nguyên ở Iran, nơi người Mesopotami cổ đại xây dựng hàng lang để che chắn đường phố khỏi ánh mặt trời thiêu đốt. Tuy nhiên, khoảng 1.400 năm trước công nguyên, các nhà sử học tin rằng người Mycenean đã xd ban công ở Hy Lạp với mục đích ngược lại: tăng ánh sáng tự nhiên và thông gió.
Nhà khảo cổ học người Anh Barry Kemp thì nói rằng ban công trong cung điện người Ai Cập cổ đại được thiết kế như “bối cảnh sân khấu” để các nhà lãnh đạo xuất hiện trước công chúng. Điều đó cũng đã lặp lại nhiều lần trong lịch sử. Một trong những ban công cổ xưa nhất ở La Mã cổ đại chính là nơi để hoàng đế và quan lại chứng kiến các trận song hùng giữa hai đấu sĩ tại Colosseum. Vào đầu Thế chiến thứ hai, Adolf Hitler tuyên bố sáp nhập Áo từ ban công Cung điện Hoàng gia ở Vienna. Bảy năm sau, Winston Churchill nổi tiếng đứng cạnh hoàng gia Anh trên ban công tại Cung điện Buckingham để ăn mừng kết thúc chiến tranh.
Trải qua thời gian, thiết kế ban công cũng ngày càng phức tạp. Từ thời Trung cổ, thiết kế ban công kiểu mashrabiya kèm theo lưới mắt cao trang trí công phu đã lan ra khắp thế giới Ả Rập, cho phép cư dân tận hưởng làn gió mới trong khu vẫn tuân thủ luật riêng tư của đạo Hồi. Vào thời Phục hưng, các ban công có lan can đã trở thành thứ không thể thiếu trong nhiều tòa nhà ở Ý sau khi kiến trúc sư Donato Bramante tiết lộ thiết kế tòa tháp Palazzo Caprini ở Rome.
Venice đặc biệt nổi tiếng về ban công. Vì các kiến trúc sư tìm mọi cách để kết nối con người với không khí trong lành trong một thành phố chật chội. Nhưng với những vị khách Bắc Âu thì điều đó trông thật kỳ lạ. Trong cuốn sách du lịch Coryat's Crudities (1961), du khách người Anh Thomas Coryat giải thích rằng chỉ ở Ý ông mới thấy sự tồn tại của những “sân thượng nhỏ bé” được làm ra để mọi người chiêm ngưỡng khung cảnh xung quanh khi tối đến”.
Khi các nước hùng mạnh đi xâm chiếm thế giới, họ cũng mang cả ban công theo. Ngày nay, những ban công kín như bưng ở Malta hay kiểu ban công khép kín tương tự ở Andalucia, Tây Ban Nha có thể là chịu ảnh hưởng khi còn là thuộc địa của nhóm người Moor đi chinh chiến khắp thế giới. Trong khi đó, các ban công sắt được tìm thấy từ Hà Nội đến New Orleans lại liên quan đến người Pháp.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH CHÂU ÂU KHUYẾN MÃI
>> Hà Nội - Pháp - Bỉ - Hà Lan - Đức 7N6Đ chỉ từ 39.990.000 đồng >> Hà Nội - Pháp - Luxemburg - Đức - Bỉ - Hà Lan 9N8Đ chỉ từ 51.990.000 đồng |
Thế kỷ 19, châu Âu trải qua thời kỳ đô thị hóa mạnh mẽ, ban công trở thành biểu tượng của lối sống đô thị hiện đại, truyền cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ.
Họa sĩ người Pháp, Édouard Manet, đã gây xôn xao với tác phẩm The Balcony (Ban công) năm 1869, mô tả ba thị dân trong khung cửa chớp và những thanh sắt màu xanh nhìn cuộc sống đường phố từ ban công, sâu sắc đến độ một nhà phê bình phải thốt lên: “Đóng cửa lại!”
Họa sĩ người Ý Umberto Boccioni đã mô tả cường độ cuộc sống đô thị thế kỷ 20 trong tác phẩm The Street Enters The House, nơi tiếng ồn và sự hỗn loạn trên đường dường như đi cả vào không gian riêng tư trong nhà thông qua ban công.
Sheila Crane, Trưởng Khoa Lịch sử Kiến trúc Đại học Virginia, cho rằng niềm đam mê của chúng ta với ba công là vì vị trí của chúng, tựa như một cái cổng khác vậy. Bà nói ban công là không gian kết nối cuộc sống xã hội và cuộc sống riêng tư. Nhà xã hội học người Pháp Henri Lefebvre từ năm 1992 cũng tôn vinh ban công là nơi mà người ta có thể bắt lấy tốt nhất “những nhịp điệu thoáng qua của cuộc sống đô thị”.
“Những nhịp điệu thoáng qua” ấy thể hiện rất rõ ở Địa Trung Hải, nơi ban công đã trở thàn hình ảnh trong nghệ thuật thuật thế kỷ 20. Trong bộ phim năm 1960 “From a Roman Balcony”, cuộc trò chuyện trên ban công đã dẫn đến một cuộc tình tuyệt vời. Trong một chuyến đi đến Tel Aviv, tác giả ca khúc đình đám Mirspot (Balconies) của Israel đã mô tả “ban công rồi lại ban công… như thể đây là thành phố của ban công”. Và trong Neapolitan Novels lấy bối cảnh thập niên 50 của Elena Ferrante, ban công thường đóng vai trò là nơi làm mờ đi ranh giới giữa cuộc sống xã hội và đời sống riêng tư.
Ngoài văn hóa, ban công còn là không gian chính trị. Trong cuộc chiến giành độc lập của người Algeria vào những năm 50-60, ban công trở thành nơi diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ đòi độc lập sau khi chính phủ cấm các cuộc tụ họp công cộng. Như Crane giải thích, phụ nữ sẽ ra ngoài ban công và cất lên lời ca biểu thị sự lo lắng, tiếc thương, còn những ai ưa kiểu Pháp sẽ “tổ chức hòa nhạc” với nhạc cụ là nồi và chảo.
Màn trình diễn ấy gợi nhớ đến “vai” xã hội và sân khấu mà ban công đã từng “đóng” trong lịch sử. Cho đến tận khi TV ra đời, ban công vẫn luôn là nơi mọi người đứng xem các tấn trò đời và những buổi diễn. Nhưng công nghệ đã dần đưa mọi người vào trong nhà, ban công dẫn mất chỗ đứng trong cuộc sống đô thị.
Nhưng ngày nay, vì Covid-19, chúng ta buộc phải cách ly xã hội. Sự cô lập ấy đã mang đến trải nghiệm mới. Và chúng ta lại ra ban công, để gần nhau hơn, gần cái xã hội buộc chúng ta phải tránh xa hơn.
Antonia De Zarlo, một sinh viên y khoa 28 tuổi ở Florence, tâm sự với BBC: “Tôi đã sống trong căn hộ này được ba năm và chưa bao giờ giao lưu với hàng xóm”. Thế nhưng, kể từ khi Ý bắt đầu phong tỏa, cứ chiều đến, De Zarlo nhâm nhi cà phê và trò chuyện với hàng xóm từ ban công nhà mình. Thậm chí, ngày cô tốt nghiệp, hàng xóm còn bất ngờ tặng cô vòng nguyệt quế và gói quà, thông qua một cây gậy. Bài viết trên Facebook nói về món quà bất ngờ ấy đã nhanh chóng lan rộng. “Lúc này, công nghệ không còn quyến rũ được mọi người rời khỏi ban công nữa. Chính ban công đã giúp chúng ta khám phá lại cuộc sống này,” Aronis kể lại.
Thật vậy, nhờ vào mạng xã hội, những người biểu diễn trên ban công có cả khán giả trực tiếp và khán giả qua màn hình. Khi Siranni biểu diễn lần đầu tiên kể từ khi cách ly xã hội vào ngày 16/3, ước tính khoảng 3.000 người trên thế giới đã theo dõi qua Facebook Live. “Hàng xóm ảo thì gửi tin nhắn cho chúng tôi trên mạng xã hội, còn hàng xóm trực tiếp thì vỗ tay từ ban công nhà mình”, ông hào hứng kể lại.
Rosalba Durante, ở Turin, đã về hưu, thì tìm cách làm hệ thống ròng rọc chuyển thực phẩm qua nhà hàng xóm. Ý tưởng ấy xuất hiện khi một người nhắn tin lên WhatsApp nói rằng muốn chia sẻ với mọi người món bánh cô cháu gái mới làm. Thế là, mọi người hào hứng với “dự án ròng rọc”. “Quan trọng là, đó là cách để mọi người có thể chung vui.”
Những cảnh tương tự đã bắt đầu diễn ra ở các thành phố khắp thế giới. Beth Poe và chồng, Joe, phải cách ly tại các khu vực khác nhau của cùng một nhà dưỡng lão ở New Orleans. Hai người bây giờ kết nối thông qua một ban công chẳng khác nào mô tả trong “Romeo and Juliet”: Beth đứng trong bãi đậu xe, trong khi Joe ngồi trên xe lăn trên ban công tầng ba. Tại Madrid, cư dân khu phố Hotigin tổ chức chơi bingo trên ban công. Người dân trên khắp các thành phố Ấn Độ tổ chức concert trên ban công bằng nồi niêu xoong chảo, giống như phụ nữ Algeria đã làm hơn 50 năm trước.
Aronis cho rằng những gì đang diễn ra hôm nay sẽ vẫn còn được lưu giữ ngay cả khi dịch bệnh qua đi. “Ban công cung cấp điều mà công nghệ kỹ thuật số không thể: cảm giác cộng đồng và cảm giác chân thực khi đứng bên nhau”. De Zarlo đồng cảm: “Cách ly xã hội sẽ nhanh chóng kết thúc, mọi chuyện rồi sẽ ổn, nhưng chúng ta sẽ không quên cảm giác này”.
Xem thêm: Đọc vị các quốc gia thế giới qua… cách ly xã hội |
Phong Sa