Một trong những điều mọi người lo lắng khi mua sắm đó là bị "chặt chém". Hãy áp dụng những kinh nghiệm mặc cả khi đi du lịch sau đây để có thể mua được món hàng bạn muốn với mức giá tốt nhất nhé.
Mua sắm là một trong những trải nghiệm không thể thiếu trong những chuyến du lịch. Tuy nhiên, có một điều mà khi mua sắm ở những nơi xa lạ mọi người luôn lo lắng đó là bị “chặt chém”. Những kinh nghiệm mặc cả khi đi du lịch được chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp bạn có thể thoải mái mua sắm mà không lo bị hớ hay bị chặt chém.
>> Xem thêm: Cẩm nang du lịch Việt Nam toàn tập
Thời điểm luôn chiếm vai trò rất quan trọng trong việc mặc cả thành công. Nếu có thể, bạn hãy lựa chọn đi mua hàng vào lúc cửa hàng sắp đóng cửa. Khi đó, nhân viên đang nóng lòng muốn được về nhà nghỉ ngơi vì vậy họ sẽ rất vui nếu vẫn bán được hàng khi chuẩn bị đóng cửa. Và cơ hội để bạn được hưởng mức giá ưu đãi cũng sẽ cao hơn. Tránh mặc cả vào buổi sáng sớm khi vừa mở cửa vì có thể sẽ khiến người bán không vui.
Một kinh nghiệm mặc cả khi đi du lịch khá hữu ích bạn nên áp dụng đó là hãy tham khảo giá từ nhiều cửa hàng khác nhau cùng bán mặt hàng đó. Qua đó bạn sẽ đưa ra được sự so sánh khách quan nhất và có thể trả được mức giá hợp lý nhất trước khi quyết định mua.
Khi mua hàng ở những khu chợ bình dân, bạn đừng ngần ngại trả giá chỉ bằng một nửa mức giá mà người bán hàng đưa ra. Đây được xem là một quy tắc mặc cả giá phổ biến mà nhiều người vẫn thường áp dụng. Thông thường người bán hàng sẽ không bao giờ đồng ý bán với mức giá như vậy. Bạn có thể dễ dàng nhận ra tiếng thở dài cũng như sự kinh ngạc lộ rõ từ người bán. Tuy nhiên, cách này lại cho bạn nhiều cơ hội để mua được hàng với mức giá thấp nhất.
Nếu bạn muốn mua một món hàng nào đó, cho dù có thích nó như thế nào đi chăng nữa thì cũng đừng để người bán hàng nhận ra bạn đang rất muốn sở hữu món đồ đó. Bởi việc để lộ quá sớm sẽ khiến người bán đẩy giá lên cao hơn mức bình thường. Kinh nghiệm mặc cả khi đi du lịch bạn có thể áp dụng trong trường hợp này đó là hãy tỏ ra không quan tâm cho lắm đến món hàng.
Sau vài lần trả giá, nếu người bán hàng vẫn không chịu chấp nhận mức giá bạn đưa ra, đừng ngần ngại mà quay lưng bỏ đi. Rất có thể, người bán sẽ gọi bạn quay lại và đồng ý bán cho bạn đấy.
Các cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng khách du lịch thường có xu hướng trả giá cao hơn so với những người dân địa phương cho cùng một mặt hàng. Người bán cũng sẽ ra giá cao hơn bình thường nếu phát hiện ra bạn là khách du lịch. Việc bạn cần làm lúc này là hãy bình tĩnh quan sát những người dân địa phương và chú ý xem họ mua được món hàng đó với mức giá bao nhiêu sau đó bạn hãy trả giá.
Nhiều người nghĩ rằng nếu chê bai sản phẩm hay nhỉ ra những nhược điểm của chúng thì người bán sẽ hạ giá. Tuy nhiên chiến thuật này hoàn toàn sai lầm. Thay vì chê, tại sao bạn không khen nhỉ? Bởi có câu nói “mật ngọt chết ruồi” mà. Cùng với lời khen là sự vui vẻ, thân thiện. Hãy thử theo phương pháp mặc cả này xem có hiệu quả không nhé.
Không chỉ mua hàng ở chợ, ngay cả khi bạn đi taxi, xe ôm hoặc tuk-tuk thì việc mặc cả cũng luôn rất cần thiết. Trước khi bước lên xe, bạn nên hỏi trước và chốt giá để tránh việc tài xế đòi thêm các khoản chi phí khác khi đến nơi.
Một kinh nghiệm mặc cả khi đi du lịch bạn nên nhớ đó là đừng bao giờ để cho người bán biết được trong ví bạn có nhiều tiền. Việc khoe tiền chưa bao giờ được xem là ý tưởng hay. Nó sẽ khiến người bán rất dễ “chặt chém” bạn đấy.
Trả giá luôn là việc cần thiết khi bạn đi mua sắm. Nó không chỉ giúp bạn tiết kiệm hầu bao mà còn là một cách tuyệt vời để bạn có thể hòa mình vào với cuộc sống, tìm hiểu nét văn hóa của người dân bản địa.
>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch ngày mưa: Làm gì để tận hưởng chuyến đi bất chấp thời tiết?
Lê Trang
Theo Báo Thể Thao Việt Nam