Cùng với dân ca quan họ, múa rối nước hay chèo tuồng... ca trù Việt Nam cũng là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của nước ta. Hãy cùng Du lịch Việt Nam tìm hiểu về ca trù để hiểu rõ hơn về đặc điểm cũng như giá trị của loại hình này.
Ca trù là một loại hình nghệ thuật đã có từ lâu đời, mang nhiều ý nghĩa đặc biệt với kho tàng âm nhạc Việt Nam. Loại hình này gắn liền với phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, văn chương, tư tưởng, triết lí sống của người dân Việt.
Có thể nói, ca trù là sự phối hợp nhuần nhuyễn, khéo léo giữa thi ca và âm nhạc, thậm chí đôi khi có cả múa, trò diễn. Ca trù biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể truyện, thể phú, thể ngâm, trong đó, thể văn chương phổ biến nhất vẫn là hát nói.
Ca trù có nhiều tên gọi khác nhau, tùy địa phương mà có thể gọi là hát cô đầu, hát nhà tơ, hay hát ả đào... Từ trước đến nay, loại hình nghệ thuật này rất được yêu thích tại khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta.
Về nguồn gốc cũng như quá trình phát triển của ca trù, chưa rõ chính xác ca trù hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng loại hình này cực thịnh hành vào thế kỷ 15. Thời bấy giờ, ca trù thường được phục vụ trong cung đình và được giới tri thức, quý tộc, hoàng thân yêu thích.
Theo sử sách ghi chép lại, ca trù có từ thời nhà Lê sau khi cây đàn đáy do Đinh Lễ sáng chế ra. Sự phát triển mãnh liệt của ca trù Việt Nam vào thế kỷ 15 và 16 được ghi nhận khi tại đình, chùa của làng đều có chạm khắc đàn đáy.
Theo thống kê đến nay còn có 68 thác bản văn bia liên quan đến ca trù rải rác ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Tương truyền xưa kia, hàng năm, vua Lý đi thuyền du xuân vẫn cảnh đều không quên ghé đình Thổ Hà (nay thuộc xã Vân Hà, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đều thưởng thức nghe hát quan họ và ca trù.
Quá trình phát triển của ca trù cũng trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử. Hình thành sơ khai từ thế kỷ 11, phải đến nửa cuối thế kỷ 20, ca trù nước ta mới được thế giới biết đến qua tiếng hát của nghệ sĩ Quách Thị Hồ.
Sau đó, dần dần ca trù được các học giả nước ngoài tìm hiểu, nghiên cứu và giới thiệu ở nhiều nơi trên thế giới. Trải qua nhiều biến cố, ca trù đến nay đã đạt đến trình độ cao, khẳng định được vị trí bất biến trên nền âm nhạc nước nhà. Vào tháng 10/2009, ca trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần phải bảo vệ khẩn cấp.
>>Xem thêm: Nghệ thuật dân ca quan họ - nét văn hóa vẹn nguyên với thời gian của xứ Kinh Bắc
Ca trù Việt Nam là loại hình nghệ thuật bác học với 5 không gian biểu diễn chính. Đó là hát thờ, hát cửa quyền, hát tại gia, hát thi và hát ca quán hay còn gọi là hát chơi. Đặc điểm của ca trù là tùy vào từng không gian lại có lối hát và cách thức trình diễn riêng.
Để tham gia biểu diễn ca trù, ít nhất phải có 3 người: ca nương, nam nhạc công đệm đàn đáy cho người hát và một người điểm trống chầu (quan viên). Nhân vật quan trọng nhất quyết định tới sự tồn tại của ca trù là ca nương, không có ca nương thì bất thành ca trù. Trong đó, đứng đầu các phường ca trù là trùm phường, quản giáo.
Để trở thành một ca nương (còn gọi là đào nương) không phải chuyện đơn giản, hội tụ rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, phải biết hát theo lối nói, gõ phách lấy nhịp, phải có tri thức âm nhạc, văn thơ và lòng đam mê, kiên trì theo đuổi nghề.
Nghệ thuật ca trù có lối chơi rất tao nhã khi ca nương, người đệm đàn hay người thưởng thức đều tham gia hát. Ai có bài thơ mới hay thì có thể đưa cho ca nương hát, cùng góp phần cho buổi trình diễn thêm hoàn hảo.
Đặc điểm của ca trù được đánh giá có trình độ cao, với các chuẩn mực riêng, rất khắt khe. Trước đây, ca nương phải hát giọng kim, không được hát giọng thổ bởi nghe sẽ trùng với âm thanh đàn đáy, giọng cao của ca nương phải khác với âm thanh trầm của đàn đáy, giọng hát lúc giòn, lúc rơi một cách đầy tinh tế... Khi biểu diễn, đào nương sẽ ngồi ở giữa chiếu với cỗ phách tre trước mặt, kép và quan viên ngồi hai bên.
Không chỉ về không gian thể hiện, đặc điểm của ca trù còn độc đáo ở điệu hát, lời ca. Trong đó, lời ca trù không nhiều nhưng uyên bác, sâu lắng, giàu cảm xúc, giàu chất thơ. Người hát có thể sử dụng các thể thơ từ lục bát, trữ tình đến song thất lục bát, sử thi, triết lý... Lời ca chứa đựng nhiều tâm trạng, biến thái tinh tế của tâm hồn con người Việt Nam qua các thế kỷ.
Thể hát nói (thơ 8 chữ) chỉ dành riêng cho ca trù. Câu kết thúc, yếu tố khuôn khổ, cách tổ chức vần luật… trong hát nói được quy định rất chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo được tính sáng tạo, bay bổng.
Ca trù Việt Nam có các thể cách ý chỉ các làn điệu, hình thức diễn xướng, nghi lễ. Số thể cách có thể thêm bớt thành các biến cách, làm phong phú thêm cho nghệ thuật ca trù. Tư liệu ghi nhận được 99 thể cách của ca trù với 3 nhóm cơ bản: nhóm hát thuần túy (66 làn điệu), với 5 nhóm nhỏ là hát, đọc, nói, thổng, ngâm; nhóm kết hợp hát - múa - diễn có 19 thể cách; nhóm nghi lễ - trình diễn trong thi cử có 14 thể cách.
Cùng với thơ, múa cũng góp phần tạo nên nét đặc sắc của hát ca trù. Bạn sẽ thấy một số điệu múa thường xuyên được sử dụng trong ca trù như múa Bài Bông, múa Đại Thạch, múa Bỏ Bộ, múa Tứ Linh.... Mỗi điệu múa lại sử dụng trong các không gian biểu diễn khác nhau.
Có thể nói, khi thưởng thức một buổi trình diễn ca trù, người ta sẽ thấy sự tinh tế, tao nhã và cả sự trang trọng, quý phái chẳng kém những vở opera phương Tây hay nghi lễ của các Geisha Nhật Bản.
Nhiều bài ca trù vẫn còn lưu truyền tới tận ngày nay và được nhiều bạn trẻ yêu thích. Một số bài ca trù nổi tiếng phải kể đến “Tự tình”, “Hơn nhau một chữ thì”, “Nhân sinh thấm thoắt”, “Ngày tháng thanh nhàn”, “Trần ai ai dễ biết ai“, Kiếp nhân sinh”, “Chơi xuân kẻo hết xuân đi”, Dương Khuê với “Hồng hồng, tuyết tuyết”, “Gặp xuân”,”Xuân tình”, Nguyễn Khuyến với “Hỏi phỗng đá”, “Duyên nợ”, “Chơi chùa Thầy”, Trần Tế Xương với “Hát cô đầu”...
Những nghệ sĩ ở dòng nhạc ca trù nổi danh phải kể đến NSND Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Khướu, Bạch Vân, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị Điệp, Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Thị Chúc... Các nghệ sĩ này đều dành trọn đời tâm huyết với ca trù, đóng góp nhiều trong việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Không thể phủ nhận giá trị của ca trù đối với nền văn hóa nước nhà. Với lịch sử lâu đời, phát triển từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, loại hình nghệ thuật này thể hiện ý thức về bản sắc văn hóa cũng như sự kế tục trong biểu diễn nghệ thuật.
Trên thế giới, ít có loại hình nghệ thuật nào chỉ có ba người thể hiện cùng nhạc cụ phối hợp với làn điệu, thể thơ, tiết tấu, nhạc... làm say đắm lòng người như ca trù.
Không chỉ mang tính giải trí, giá trị của ca trù còn thể hiện ở tính lịch sử, thể hiện đời sống tinh thần ông cha ta, phản ánh những giai đoạn văn hóa, xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, ca trù Việt Nam còn góp phần tham gia vào các hoạt động ngoại giao quốc tế của nhà nước.
Trải qua nhiều thăng trầm, từng đứng trước nguy cơ mai một, ca trù vẫn tồn tại và phát triển tới ngày nay. Hiện, ca trù phân bổ chủ yếu tại 14 tỉnh thành là Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Tp. Hồ Chí Minh.
Mỗi tỉnh thành đều có các câu lạc bộ ca trù hoạt động khá thường xuyên. Hà Nội được xem là cái nôi của ca trù và thường xuyên tổ chức, họp mặt các nghệ nhân cũng như tham gia biểu diễn hàng tuần.
Theo kinh nghiệm đi Hà Nội, một số câu lạc bộ về ca trù nổi tiếng của Thủ đô phải kể đến Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội (hoạt động tại đình Kim Ngân, quận Hoàn Kiếm), Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê (huyện Đông Anh), Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà (27 Thụy Khuê, quận Tây Hồ), Câu lạc bộ Ca trù Đồng Chữ (huyện Chương Mỹ)... Nhiều quận, huyện của thành phần còn hỗ trợ kinh phí duy trì câu lạc bộ để truyền bà loại hình này tới lớp trẻ.
Ca trù Việt Nam với tất cả sự độc đáo và giá trị lưu truyền còn mãi tới ngày nay. Cùng với nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc khác góp phần tạo nên nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điều hấp dẫn cùng các kinh nghiệm hữu ích cho chuyến đi tiếp theo của mình nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam