Đi dọc dải đất hình chữ S, du khách xa gần sẽ bắt gặp những làng nghề truyền thống lâu đời của người Việt. Đó cũng chính là cơ hội để bạn trải nghiệm làm nghệ nhân, tự tay làm nên các món ăn, các vật phẩm nổi tiếng.
Nhắc đến Bến Tre, ai cũng nghĩ ngay đến một tỉnh thành phủ sắc màu xanh tươi mướt mát của những hàng dừa. Chính vì sự thuận lợi của điều kiện địa hình, khí hậu đã giúp vùng đất này là cái nôi sản sinh ra làng nghề kẹo dừa nổi tiếng khắp cả nước. Đến Bến Tre du lịch, du khách được học cách làm kẹo dừa, tự tay làm nên những viên kẹo thơm ngon, ngọt ngào.
Ngày nay, Bến Tre có hàng trăm hộ gia đình, làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất kẹo dừa. Đến các cơ sở làm kẹo dừa lâu năm tại huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc, du khách được tham quan, tìm hiểu về quy trình làm kẹo chuyên nghiệp. Rất nhiều cơ sở mở cửa phục vụ du khách tham quan và hướng dẫn bạn cách làm những viên kẹo nhỏ xinh, vuông vắn.
Để sản xuất nên những viên kẹo dừa thơm ngon, béo ngậy chuẩn Bến Tre, người ta phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn như nạo cơm dừa, ép nước cốt dừa, nấu mạch nha, pha trộn nguyên liệu, quay nấu, đổ kẹo và gói kẹo. Trước đây, các công đoạn này đều làm thủ công. Tuy nhiên ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc làm kẹo đơn giản hơn rất nhiều.
Du khách muốn trải nghiệm làm nghệ nhân kẹo dừa ở Bến Tre có thể chỉ cần thực hiện công việc gói kẹo. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế và khéo léo. Bởi có cẩn thận và chỉn chu, kẹo thành phẩm mới đẹp.
Bên cạnh lựa chọn tham quan trực tiếp các cơ sở sản xuất kẹo dừa, khi du lịch Bến Tre, bạn cũng có thể mua các tour ngắn ngày để tham quan vườn dừa. Đây là trải nghiệm rất đáng để thử vì bạn sẽ được uống nước dừa tươi tại vườn, được cùng các hộ gia đình chuẩn bị nguyên liệu làm kẹo và được trực tiếp thưởng thức các sản phẩm kẹo dừa thành phẩm.
Khi du lịch Việt Nam và đến với xứ cố đô, du khách quốc tế thường chọn đi thăm các làng nghề truyền thống để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt. Và một trong những làng nghề trăm tuổi của vùng đất này chính là làng làm nón lá. Đó là nơi gìn giữ vẻ đẹp thuần túy trong văn hóa truyền thống của người Việt với những chiếc nón lá đẹp tuyệt mỹ.
Nón Huế vốn xuất phát từ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, có lịch sử hình thành và phát triển qua hàng trăm năm. Trong đó, làng làm nón Tây Hồ nằm bên bờ sông Như Ý là làng nghề lâu đời nhất. Ngày nay, nơi này trở thành điểm đến tham quan của du khách trong và ngoài nước khi du lịch xứ Huế mộng mơ.
Đến với làng làm nón lá Tây Hồ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng quy trình làm nón lá kỳ công của những nghệ nhân dạn dày kinh nghiệm. Thoạt nhìn, chiếc nón lá Huế trông có vẻ đơn giản với những mảnh lá được đan cài vào nhau. Thế nhưng có đến làng Tây Hồ, có trực tiếp trải nghiệm làm nghệ nhân đan nón, bạn mới biết việc tạo nên một chiếc nón Huế đẹp mất nhiều thời gian, công sức như thế nào.
Có đến 15 bước chuẩn bị và thực hiện chiếc nón Huế truyền thống, bao gồm việc chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đan lá… để hoàn thiện chiếc nón. Cuối cùng là khâu đánh bóng sản phẩm và bảo quản. Du khách khi đến tham quan làng nón sẽ được các nghệ nhân lâu năm hướng dẫn tỉ mỉ về từng công đoạn. Nếu kiên nhẫn, bạn có thể tự thực hiện được một chiếc nón Huế sau một ngày ở làng nón Tây Hồ.
Ngoài ra, khi ghé thăm làng nghề truyền thống của Việt Nam ở xứ Huế, du khách còn có thể chọn mua những sản phẩm nón lá đẹp về làm quà tặng đến người thân, bạn bè. Những chiếc nón được làm kỳ công, tỉ mỉ với đa dạng mẫu mã và màu sắc, chắc hẳn sẽ làm cho món quà của bạn thêm phần giá trị.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH HUẾ KHUYẾN MÃI
>> HCM - Đà Nẵng - Bà Nà - Hội An - Huế - Quảng Bình 4N3Đ Bay Vietjet từ 4.290.000Đ >> HCM - Đà Nẵng -Sơn Trà - Hội An - Bà Nà - Huế - Động Phong Nha 5N4Đ từ 3.950.000Đ |
Ngoài làng gốm Bát Tràng nổi tiếng của đất thủ đô, làng gốm Bàu Trúc Bình Thuận cũng là điểm đến hấp dẫn dành cho những du khách yêu thích nghề làm thủ công mỹ nghệ. Ngôi làng này tọa lạc tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng 10 km.
Theo lịch sử ghi lại, làng nghề truyền thống của người Chăm này đã hình thành và phát triển suốt 7 thế kỷ. Đây là làng nghề cổ nhất Đông Nam Á, nổi tiếng với các sản phẩm thủ công đạt đến độ tinh xảo, tỉ mẩn tuyệt đối. Có đến Bàu Trúc và trực tiếp nhìn ngắm những công đoạn làm gốm của nghệ nhân nơi đây, bạn mới hiểu hết được giá trị văn hóa lâu đời của nghề làm gốm.
Điều đặc biệt nhất của làng gốm Bàu Trúc, đó là không dùng bàn xoay để tạo hình như những làng gốm khác từ Nam chí Bắc. Ở đây, các nghệ nhân dùng chính đôi tay khéo léo của mình để tạo nên những sản phẩm bình hoa, ấm nước, chum vại, nồi niêu… vô cùng đẹp mắt và ấn tượng.
Đến với làng nghề nổi tiếng của Việt Nam mang tên Bàu Trúc, du khách sẽ được tham quan bảo tàng trưng bày hàng ngàn sản phẩm gốm sứ được làm từ nhiều thế kỷ qua.
Đặc biệt, du khách còn được tự tay làm cho mình những sản phẩm gốm đơn giản, được tự tay vẽ các hoa văn hoa tiết lên sản phẩm gốm, được nung thử thành phẩm trên lửa,… Tất cả những hoạt động này đều mang đến cho bạn cảm giác trải nghiệm làm nghệ nhân tuyệt vời ở Bàu Trúc.
Dù tác phẩm của bạn có thể không đẹp bằng những sản phẩm được làm từ các nghệ nhân kinh nghiệm. Nhưng chắc hẳn rằng đó là một món quà tuyệt vời mà bạn có được sau chuyến du lịch Bình Thuận.
Ngoài thiên nhiên tươi đẹp và con người thân thiệt, nước ta còn là quốc gia nổi tiếng với những làng nghề truyền thống có tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Vì thế, có dịp vi vu đến Bến Tre, Bình Thuận hay Huế, bạn nhớ ghé thăm các làng nghề cổ để được trải nghiệm cảm giác làm nghệ nhân một cách thực thụ nhất.
Xem thêm: Những trải nghiệm làm nông dân mà khách nước ngoài 'mê như điếu đổ' khi đến Việt Nam |
Ngọc Anh (tổng hợp)