Quy hoạch mới chia khu vực thành 9 phân khu chức năng, trong đó nổi bật là khu nông nghiệp sinh thái gắn với hơn 1.000 ha lò gạch, gốm. Các khu vực còn lại được thiết kế để phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, và khu dân cư đô thị, nông thôn. Mô hình kinh doanh tại đây được xây dựng dựa trên cụm ngành kết hợp, lấy du lịch làm trung tâm, trong khi nông nghiệp và công nghiệp đóng vai trò hỗ trợ.
>> Xem thêm: Nắm chắc trong tay bí kíp du lịch Vĩnh Long đầy đủ từ A-Z
Làng nghề gạch, gốm tại Mang Thít có lịch sử hơn 100 năm, từng là trung tâm sản xuất lớn nhất miền Tây với hơn 3.000 lò nung vào thời kỳ đỉnh cao. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất tăng cao và công nghệ lạc hậu, số lượng lò đã giảm mạnh, chỉ còn hơn 850 lò hoạt động hiện nay.
Việc quy hoạch khu vực này không chỉ nhằm bảo tồn làng nghề truyền thống mà còn khôi phục và nâng tầm thành điểm nhấn du lịch. Dự kiến, dân số khu vực quy hoạch sẽ tăng từ 20.000 lên gần 62.000 người vào năm 2045, trong đó gần một nửa là du khách và lao động. Tỉnh cũng kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa ước tính khoảng 3.500 tỷ đồng để hiện thực hóa dự án.
Làng gốm Vĩnh Long được kỳ vọng trở thành điểm sáng trong hành trình bảo tồn di sản và phát triển bền vững, góp phần quảng bá thương hiệu du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.