Banner Movi

Viêng Chăn, những ấn tượng khó quên!

Thứ năm, 31/01/2013, 15:20 GMT+7

Rời Hà Nội ồn ào, nhộn nhịp, chuyến đi của tôi bắt đầu, tiến thẳng Viêng Chăn – Thủ đô của đất nước Lào xinh đẹp. Sau một chặng đường phải nói là khá dài và vất vả, cuối cùng, Viêng Chăn đã hiện lên trước mắt chúng tôi.

quảng cáo

>Nuremberg, nước Đức trong tôi...
>Hành trình đi tìm hồn đá Khajuraho

 

Viêng Chăn, những ấn tượng khó quên!

 

Trước khi tới Viêng Chăn, với những thông tin trên Internet và qua các anh chị “phượt” trước, chúng tôi biết rằng sẽ có một vài thất vọng khi tới nơi đây. Bởi hình ảnh thực tế của Viêng Chăn thật quá khác xa so với tưởng tượng. Một Thủ đô đang phát triển nhanh chóng với tốc độ đô thị hóa cao? Một Thủ đô với dân số đông không kém gì Hà Nội với nhà cửa san sát, phố phường đông đúc và chật chội? Tất cả các mường tượng của chúng tôi về Viêng Chăn là vậy đó. Nhưng… thực tế không bao giờ như tưởng tượng.

Thật đáng ngạc nhiên rằng Viêng Chăn vẫn còn rất… yên bình và hoang sơ. Các công trình cao tầng gần như không có hoặc rất hiếm thấy các tòa nhà “chọc trời”. Mặc dù tốc độ phát triển nhanh nhưng dường như, người Lào vẫn cố giữ một hình ảnh Thủ đô Viêng Chăn cổ kính và yên bình. Và có lẽ, người Lào đã đúng vì thực sự hình ảnh Viêng Chăn như ngày nay vẫn thật ấn tượng và đẹp đẽ trong mắt du khách.

 

Viêng Chăn, những kỉ niệm khó quên!

 

Viêng Chăn không ấn tượng bởi các công trình cao tầng mà bởi những gì nội sinh tự nhiên thành phố có. Đó là các công trình kiến trúc tôn giáo còn bảo lưu được khá tốt tới ngày nay dẫu cho chiến tranh và thời gian trôi qua. Đó còn là không khí hòa bình và yên ả của thành phố. Và không thể không kể đến tình cảm hiếu khách và thân thiện của người dân Viêng Chăn.

Điểm đến đầu tiên của nhóm chúng tôi là Khải Hoàn Môn Patousai. Công trình này được xây dựng từ năm 1956 , hoàn thành năm 1958. Vậy mà, tới ngày nay, nó vẫn là công trình cao nhất và là điểm mốc dễ thấy nhất ở Viêng Chăn. Vậy mới nói, quả thật, người dân Lào đã quá thành công trong việc “che dấu” tốc độ phát triển và đô thị hóa của Thủ đô.

 

Viêng Chăn, những kỉ niệm khó quên!

 

Công trình này sẽ không ấn tượng lắm với những ai đã tới thăm Paris (Pháp) bởi nó được xây dựng theo mô hình Khải Hoàn Môn ở Paris. Ngoại trừ, những họa tiết trang trí và phù điêu mang đậm phong cách Lào. Và điều tuyệt vời nhất khi tới đây là bạn sẽ được ngắm nhìn toàn bộ Thủ đô Viêng Chăn từ tầng tháp cao nhất của Khải Hoàn Môn. Những công trình quan trọng nhất của Chính phủ Lào hay dòng sông Mê Kông… đều có thể ngắm nhìn từ đây.

 

Một điều đáng ngạc nhiên nữa khi đứng trên tầng tháp này, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy màu của Viêng Chăn – màu xanh. Có lẽ do dân số không quá đông đúc dẫn tới cảnh “đất chật người đông” như Hà Nội nên diện tích dành cho công viên, quảng trường ở Viêng Chăn lớn hơn hẳn. Đó là lí do vì sao màu của Viêng Chăn lại là màu xanh.

 

Viêng Chăn, những kỉ niệm khó quên!


Rời Patousai, xe bon bon trên những con đường rộng rãi, hiện đại để dẫn chúng tôi tới địa điểm thiêng liêng và quan trọng nhất nước Lào – That Luông. Một màu vàng óng ả, một khuôn viên rộng lớn và một công trình tỉ mỉ, đẹp mắt. Đó là những gì hiện lên trước mắt chúng tôi khi tới That Luông – trái tim của nước Lào. Công trình này quan trọng với người Lào tới mức nó được xuất hiện trong quốc huy của đất nước Triệu Voi.

 

Theo truyền thuyết thì That Luông có lưu giữ xá lị của Phật và rất nhiều châu báu. Công trình này có một ngọn tháp trung tâm được bao quanh bởi 30 ngọn tháp nhỏ khác. Và toàn bộ công trình được dát vàng. Đó là lý do vì sao That Luông mang một vàng chói chang và ấn tượng như vậy. Vào những ngày hè thì màu vàng càng thêm tỏa sáng. Xung quanh công trình này cũng là một quảng trường rộng lớn, nơi người dân Lào có thể đi dạo, tập thể dục và hoạt động tập thể.

 

Viêng Chăn, những kỉ niệm khó quên!
Ngôi chùa cổ kính Sisaket


Nếu That Luông rực rỡ và ấn tượng bao nhiêu thì địa điểm cuối cùng trong chuyến hành trình khám phá Viêng Chăn lại mang một hình ảnh đối lập bấy nhiêu. Một ngôi chùa được coi là cổ nhất đất nước Triệu Voi với kiến trúc Lào đặc trưng.

 

Bí ẩn, cổ kính, hiền hòa và mộc mạc – Đó là chùa Phra Kaew. Ngôi chùa là nhân chứng cho quá trình lịch sử đầy thăng trầm của Viêng Chăn. Theo người hướng dẫn viên, ngôi chùa này là nơi lưu giữ bức tượng Phật ngọc quý giá vì vậy mới có tên là Phra Kaew (cái tên Phra Kaew có nghĩa là hình ảnh của Phật Ngọc). Tuy nhiên, trong chiến tranh, quân đội Thái Lan đã mang bức tượng này về đất nước Chùa Vàng và đặt tại chùa Phật ngọc Bangkok.

 

Viêng Chăn, những kỉ niệm khó quên!

 

Một điều dễ nhận thấy, Lào là đất nước theo đạo Phật nên các công trình tôn giáo ở đây thường rất trang nghiêm và được xây dựng trên những mảnh đất riêng, tách biệt với thế giới bên ngoài. Chùa Phra Kaew được bao quanh bởi một khuôn viên đẹp, rộng rãi, tràn ngập cây cỏ. Chính điều này làm ngôi chùa thêm phần ấn tượng. Bước vào khuôn viên chùa, bạn như lạc vào một thế giới khác – thế giới tâm linh, nơi mà mọi buồn phiền, sầu não sẽ được loại bỏ mà thay vào đó là cảm giác yên bình và tự tại.

Chuyến hành trình hai ngày ở Viêng Chăn thật ngắn ngủi. Nhưng chúng tôi đều mong muốn một ngày không xa sẽ lại được quay lại mảnh đất này – mảnh đất của những điều kỳ thú.

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)