Vâng. Cao lắm mới đến Cao Bằng. Cây sầu lá đỏ có cách tựa của cây sầu. Sông có cách xanh ngắt của Quây Sơn vì một dãy núi cao ngất vây quanh. Và ngọn thác xuyên quốc gia đứng thứ nhì thế giới có tên Bản Giốc, vẫn đổ nước trắng xoá.
> Những lễ hội đặc sắc của các dân tộc Hà Giang
> Hoa gạo trên cao nguyên đá
> Khám phá thác Táng Tinh và Bãi đá cổ Nấm Dẩn – Hà Giang
Tôi đã dừng chân ở nhiều ngọn thác, nhưng thác nước kỳ vĩ này vẫn không xoá được trong tim tôi những ngôi nhà đất thó nơi vành đai biên giới tổ quốc tôi.
Như con đường tơ lụa vùng cao
Thác Bản Giốc, Cao Bằng
Khác với những ngôi nhà tường trình đất thó nện rất dày bên xóm Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang, ngôi nhà đất thó, đất ruộng bên này tường đất vẫn mỏng hơn. Dù đã sang xuân, răng tôi vẫn lập cập va vào nhau. Chỉ khi chui vào cái bếp cũng đắp bằng đất thó; ăn cháo ấu tẩu nấu bằng thứ hạt dẻ khô với xương thịt heo cắp nách, mắt tôi mới sáng ra; rồi mới nhìn trần nhà của người dân tộc Tày.
Trần nhà của vùng miền núi vẫn giăng mắc đầy ngô, gạo nếp nương vẫn nhiều hơn gạo tẻ. Đất có mặt ngay trong ba ông vua bếp, rồi cái bếp ngoài trời cũng đắp bằng đất khum khum như cái chum, khoét miệng dưới để nấu rượu ngô.
Cao Bằng
Một câu hỏi được đặt ra: vì sao đường vành đai biên giới vẫn còn nhiều nhà đất thó? Thì ra, xây nhà ở vùng Cao Bằng giá vật liệu đắt gấp ba lần miền xuôi vì phí vận chuyển. Hơn 30 cây số đường đèo còn đang rải đá, trời mưa hay nắng xe chạy phải mất hơn hai giờ đồng hồ. Đường đi nhiều chỗ thót tim.
Chỉ khi đứng bóng núi, sương giăng, lạc chân vào vườn hoa dẻ ở Trùng Khánh, ong từng bầy bay rù rì lưng núi, cánh cung của cung đường giáp biên thật đẹp. Con sông Quây Sơn lúc có nắng, trong vắt nghiêng về phía mặt trời. Nước vẫn trắng thác Bản Giốc, đổ xuống sông Quây Sơn, nơi dòng sông bắt nguồn từ phía Vân Nam Trung Quốc đổ về non nước Cao Bằng.
Một góc Cao Bằng
Những cánh đồng lúa non, với những con ngựa trắng nhởn nhơ lưng núi. Những bầy ngựa trắng có con đang thồ hàng xuống chợ. Có bao nhiêu con đường mòn của tiểu thương từng vẹt cả móng ngựa trên vách núi, không tính hết. Có bao nhiêu tấn chè Shan Tuyết ở cao nguyên đá Hà Giang, ngựa thồ sang Trùng Khánh, có bao nhiêu cao ngựa trắng thồ hàng về Lũng Cẩm Trên ở Hà Giang? Con đường cánh cung biên giới đông bắc này thật huyền diệu, khác gì con đường tơ lụa năm xưa.
Đổ về Cao Bằng dự phiên chợ trước tết, bò giống và ngựa giống, trà Shan Tuyết và ong rừng, xôi ngũ sắc và xôi trám... làm nên gương mặt chợ vùng núi trong thung lũng núi vừa xôn xao vừa ấm áp.
Sắc màu của người miền sơn cước
Tôi luôn bị ám ảnh bởi những con ngựa trắng ngắt trà dây ăn bên dòng sông xanh ngắt, nơi có những ngôi nhà đất thó, sẫm nâu, thâm u, những điệu hát lượn cũng u buồn của nhiều mối tình không đến được với nhau, vì tục lệ, vì những lý do rất nhiêu khê của con người tự đặt ra rồi tự làm khổ nhau. Làn điệu dân ca này luôn làm ta chới với như khi say rượu ngô.
Bạn đã nghe một người Mông, đơn độc hát khi dắt ngựa trên dốc núi vắng? Đơn độc hát, mà chỉ có núi đá xám lại lắng nghe. Tôi đồ rằng vì những giọng hát này mà sông Quây Sơn mới xanh đến thế, mới day dứt tôi đến thế. Cũng có thể vì hát lượn, vọng ra từ ngôi nhà đất thó kia, đất thấu hiểu hắt lên núi đá, nên núi Cô Muông mới hùng vĩ, nên sông Bằng nước rất trong nhìn thấy cả sợi tóc bạc của người già.
Bạn đã một ngày theo ngựa đi hái trà dây trên ngọn thác Sầu? Tên thác là dân địa phương tự đặt, nơi thác đổ có những bóng cây sầu lá đỏ như khêu trên vách núi. Người phụ nữ miền núi có thói quen vừa đi vừa thêu, vừa đi vừa tước lanh. Những cô gái thêu khăn choàng và váy hoa để diện ngày tết.
Nếu gặp ngày mù sương, bạn ngồi nướng thịt gà bọc đất trong cái bếp bằng đất, trong ngôi nhà cũng bằng đất thó, ngước nhìn trần nhà dát toàn bắp ngô, đủ màu tự nhiên phết phảy trắng vàng đỏ sậm của ngô trên trần nhà, bạn sẽ cảm nhận được nỗi niềm của miền đất nơi ấy: cao lắm Cao Bằng.