Người dân Thừa Thiên Huế kể rằng “ ngày xưa, trên đỉnh núi mù mây, thường có các vị tiên ngồi đánh cờ. Ngựa của tiên mải đi ăn cỏ, khi trở lại thì tiên đã bay về trời. Ngựa nhớ chủ lang thang đi tìm, hóa thành mây trắng.”- Cái tên Bạch Mã sơn có từ đó.
Ngày 28-7-1932 ông Giard - kỹ sư cầu đường (Pháp) là người đầu tiên phát hiện ra núi Bạch Mã. Sau đó 2 năm, mới có một con đường đất đỏ dẫn lên tới đỉnh. Năm 1936, người Pháp xây dựng 17 nhà nghỉ bằng gỗ, năm 1938 có đường trải nhựa, xe ô tô lên tới đỉnh. Tổng cộng đến năm 1945, có tất cả 139 biệt thự nằm ở lưng chừng núi Bạch Mã, độ cao từ 1.000 - 1.400m so với mặt biển.
Quang cảnh Bạch Mã
Dần dần Bạch Mã được nhiều du khách biết đến, ngọn núi kỳ ảo giờ như gần lại dù nó nằm cách thành phố Huế hơn 40km về phía Nam. Hiện nay Bạch Mã thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ ngơi và khám phá sự bí ẩn nằm sâu trong lòng núi.
Đứng trên đỉnh núi Bạch Mã, ta có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh lộng lẫy của đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai và ánh điện lung linh của thành phố Huế vào ban đêm. Bạch Mã là trung tâm của dải rừng xanh kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt - Lào. Nhiệt độ ở đây luôn thấp hơn từ 7 - 10 độ so với những vùng lân cận. Chính điều đó đã tạo nên thế giới sinh học phong phú và đa dạng với 2.147 loài thực vật và 1.493 loài động vật, trong đó có 27 loài thực vật và 66 loài động vật có tên trong sách Đỏ Việt Nam.
Sau khi nghỉ ngơi trong các biệt thự kiểu Pháp, du khách đi dạo trên các tuyến đường mòn độc đáo nằm quanh các khu biệt thự. Đó là các tuyến đường mòn Trĩ Sao (dẫn đến thác Trĩ Sao, nơi có nhiều chim trĩ sao sinh sống), đường mòn Đỗ Quyên (dẫn đến đỉnh thác Đỗ Quyên cao 300m - nơi có rất nhiều hoa đỗ quyên nở vào mùa xuân), đường mòn thác Ngũ Hồ (nơi có 5 hồ nước trong xanh), đường mòn Vọng Hải Đài (cuối con đường là tới độ cao 1.450m). Từ đây có thể nhìn thấy các dãy núi chạy dài ra tận biển Đông.
Du khách cũng không thể bỏ qua đường mòn qua rừng chò đen chỉ dài khoảng 300m. Trong khu rừng này, sẽ gặp nhiều cây cổ thụ, có nhiều cây đường kính hơn 1m và cao tới hơn 30m. Vào xem vườn sưu tập lan, khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng và tìm hiểu đời sống của hàng trăm loài lan với nhiều màu sắc và kiểu dáng độc đáo.
Trải qua gần ba phần tư thế kỷ, có thể nói sức hấp dẫn của Bạch Mã vẫn còn nguyên vẹn. Trong số 139 biệt thự được xây vào những năm 1930, nay còn sót lại khoảng 10 cái, và một số làm mới, được một đơn vị lữ hành tỉnh Thừa Thiên – Huế đầu tư khai thác dịch vụ lưu trú.
Ngoài những di sản do thiên nhiên kỳ thú trao tặng, Bạch Mã sơn hiện còn có một di tích “nhân tạo”đáng chiêm ngưỡng, đó là địa đạo do Tiểu đoàn I, Trung đoàn IV Quân khu Trị Thiên xây dựng đầu năm 1973. Địa đạo được đào hoàn toàn bằng phương tiện thủ công, xuyên qua hàng ngàn khối đất đá cứng như thép, từ sườn đồi, thông vào lòng núi lên đỉnh Bạch Mã.
Khi nói về Bạch Mã, các chuyên gia nước ngoài đều có chung một nhận xét đây là một điểm tham quan tuyệt đẹp với núi rừng hùng vĩ. Một trong những vùng có khí hậu dễ chịu nhất của bán đảo Đông Dương, nhiệt độ cao nhất vào mùa hè cũng không vượt quá 26 độ C.