Banner Movi

Tránh bị lừa ở Ấn Độ, Thái Lan

Thứ ba, 30/10/2012, 13:58 GMT+7

Những kinh nghiệm thực sau chuyến đi đến Ấn Độ và Thái Lan giúp du khách tránh được phiền phức trên đường đi.

quảng cáo

Ấn Độ: Đá quý và 5000 euro

Sau 1 chặng bay dài từ Mumbai đến Jaipur – thành phố cổ kính bậc nhất của Ấn Độ, tôi nhận phòng khách sạn và đi thăm các di tích trong thành phố cùng với ba người bạn đến từ Ba Lan , Ý và Nga: Rafal, Virginia và Anna.

Chúng tôi quyết định hỏi người tài xế quán ăn trưa nào ngon và rẻ để dừng chân nghỉ lại. Người tài xế Rickshaw đề nghị chở chúng tôi đến nơi làm việc của sếp ông ấy – chủ một nhà hàng khá nổi tiếng trong thành phố.

 

an

Du khách nên cẩn thận trước những lời đề nghị từ phía các tài xế Rickshaw khi đến Ấn Độ.


Bữa trưa khá ngon và mọi chuyện vẫn bình thường đến khi sếp của nhà hàng bước vào. Đó là một người đàn ông trung niên tên Rohit. Sau một lúc trò chuyện, Rohit bắt đầu hỏi chúng tôi có cần tiền không.

Theo như lời ông ta nói thì bên cạnh kinh doanh nhà hàng, ông ta còn mở một công ty để xuất khẩu đá quý đã qua gia công sang các nước châu Âu. Nhưng mỗi năm Rohit chỉ có thể xuất khẩu một lượng đá quý giới hạn theo quy định của các nước châu Âu. Vì vậy ông ta thường tìm kiếm những khách nước ngoài, đặc biệt là những học sinh vì chính phủ ít khi làm khó học sinh tại hải quan sân bay, vận chuyển giúp đá quý về quốc gia của họ.

Những người vận chuyển chỉ cần giả vờ bỏ tiền mua một lượng đá quý tại cửa hàng ông ta, sau đó khi về đến đất nước họ chỉ cần giao cho người của công ty đặt mua.

 

an



Như vậy Rohit và công ty đặt mua sẽ tránh được thuế nhập khẩu cũng như quy định về số lượng. Công việc rất nhẹ nhàng đơn giản và Rohit sẵn sang trả cho chúng tôi ít nhất 5000 euro cho một người/lần vận chuyển.

Khi chúng tôi bày tỏ sự lo ngại vì công việc này có thể bất hợp pháp, Rohit đảm bảo với tôi rằng tất cả những người giúp ông ta làm việc này đều không gặp vấn đề gì với chính phủ Ấn Độ. Nhưng khi tôi hỏi lý do tại sao ông ta không nhờ những người đã từng làm công việc này tiếp tục. Ông ta nhìn tôi rồi nói rất mâu thuẫn: “Nếu một học sinh di chuyển đến Ấn Độ trong thời gian quá ngắn và làm việc này trên hai lần, chính phủ Ấn Độ sẽ để ý”. Như vậy, về căn bản, việc này là hoàn toàn bất hợp pháp.

Khách du lịch là học sinh thường dễ bị trở thành đối tượng của các tổ chức tội phạm ở Ấn Độ.

Qua ngày hôm sau, tôi được một người dân địa phương tốt bụng cho biết đã có những trường hợp tương tự như chúng tôi nhưng họ đã mắc bẫy và thường chỉ có hai kết cục là mất tiền hoặc gặp rắc rối với chính phủ. Nếu chúng tôi đồng ý, người đàn ông tên Rohit sẽ yêu cầu chúng tôi đặt cọc một khoản tiền thế chân kèm theo ảnh passport để thế chân. Sau đó, chúng tôi sẽ đem một đống đá giả vô dụng về nước và chờ đợi mòn mỏi công ty nhập khẩu cùng khoản tiền 5000 euro. Hoặc sáng sủa hơn, đó sẽ là đá thật nhưng chúng tôi có thể bị giữ tại cửa khẩu vì để có thể trả công 5000 euro một lần vận chuyển thì giá trị của đống đá mà chúng tôi mang đi sẽ cực kỳ lớn và nguồn gốc thì không thể xác minh được.

Thái Lan: Heroin, mại dâm và mất tiền trong khách sạn.

Con người Thái Lan khá thân thiện.

 

an

Ảnh chụp các cô gái Thái Lan trong trang phục truyền thống tại Bangkok.


Tôi được một người Việt Nam đã có kinh nghiệm sống ở Thái Lan mỗi tháng 10 ngày trong hơn 2 năm đi chung chuyến bay khuyên tôi không nên tiếp xúc quá nhiều với dân đi du lịch bụi ở Thái Lan.

“Tụi nó có thể rủ rê em đi party nhiều ngày, thân thiện với em, tạo lòng tin nơi em sau đó nhờ em chuyển một gói hàng giùm cho người quen nào đó của tụi nó tại Việt Nam. Và thường khi qua cửa khẩu hải quan, em sẽ được hân hạnh tra tay vào còng với tội danh vận chuyển ma túy trái phép. Trên 1kg là đủ để nhận án tử hình.”.

Mặc dù chưa gặp phải trường hợp nào như vậy, nhưng tôi nghĩ đây vẫn là một thông tin đáng tham khảo cho dân du lịch bụi trong thời đại “vàng thau lẫn lộn” này.

Bên cạnh đó, tôi còn được nghe thông tin về những khách du lịch nữ đi một mình bị bắt vào làm gái bán dâm ở những nhà thổ của Thái Lan tại Chiang Mai, nơi mà quyền lực của bảo kê và băng nhóm mạnh hơn chính phủ từ rất nhiều người.

Nhưng điều đáng nói là sau khi bị chính quyền địa phương bắt và hỏi lý do, vì sợ bị trả thù và bị đánh đập nên họ không nói ra lý do thật sự mà thường khai là tự nguyện.

Tôi cũng có một người chị đã đi du lịch đến Thái Lan và bị mất tiền ngay tại khách sạn nơi mình ở. Chỉ trong vòng 30 phút ăn sáng và để tiền lại trong phòng, số tiền của chị đã thiếu mất 2000 Bath (1,4 triệu đồng). Thủ đoạn tinh vi là kẻ cắp không bao giờ lấy hết số tiền của khách trọ mà chỉ một nửa hoặc một phần ba để tạo cảm giác là hành khách đã đánh rơi đâu đó trên đường đi.

 

an



Những nguyên tắc vàng khi đi du lịch:

1. Luôn đặt câu hỏi trước khi nhận được sự giúp đỡ từ bất kỳ ai xa lạ không quen biết trên đường đi. Điều đó không có nghĩa là bạn phải luôn trong trạng thái đề phòng và tránh xa tất cả mọi người trên đường đi du lịch. Hãy cảnh giác trước những lời chào mời thái quá.

2. Không bao giờ để cho người khác biết rõ ràng địa chỉ khách sạn và địa chỉ tại Việt Nam cũng như hành trình di chuyển của mình.

3. Không bao giờ để tiền và những thứ giá trị tại khách sạn. Hãy chọn mua loại dây nịt có ngăn kéo bên trong để đựng tiền hoặc may túi trong để đề phòng bị mất túi.

4. Nếu ngại mang theo nhiều tiền hãy chia bớt một phần tiền ra để lại khách sạn và đặt trong vali có khóa lại.

Không nên quá đề phòng sẽ mất đi niềm vui của chuyến đi nhưng cũng không nên quá thân mật với người bản xứ.

5. Luôn sao ra nhiều bản passport đề phòng trường hợp xấu nhất là mất passport: gửi cho khách sạn một bản, để tại khách sạn một bản và mang trong mình một bản. Hãy dặn dò chủ khách sạn, nếu trong một khoảng thời gian, bạn không quay trở về và cũng không gửi tin nhắn cho chủ khách sạn, hãy mang passport của bạn đến đồn cảnh sát để tìm người.

6. Khi đến một nơi nào đó mà bạn cảm thấy không quá an toàn, hãy rủ những khách du lịch bụi khác đi cùng và luôn nhắn tin về địa chỉ nơi đó cho chủ khách sạn cùng người quen ở Việt Nam.

7. Kích hoạt điện thoại quốc tế cho sim của bạn khi đi du lịch. Cước phí sẽ mắc hơn khi dùng điện thoại tại đất nước đang đi du lịch nhưng ở một số nơi như Ấn Độ, bạn phải thay sim khi di chuyển sang một vùng mới nên về lâu dài, phương án này sẽ thuận tiện và tiết kiệm hơn.

8. Khi ra nước ngoài, tại những đất nước như Ấn Độ, bạn sẽ phải nộp bản sao của passport cùng thông tin của mình để sử dụng dịch vụ internet hoặc mua sim. Không bao giờ được để lại USB kết nối hoặc sim ở khách sạn đề phòng trường hợp thông tin của bạn bị sử dụng cho mục đích xấu.

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)