Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Tham khảo 6 cách chào hỏi ‘không hôn không bắt tay’ thời Covid-19

Thứ sáu, 03/04/2020, 13:00 GMT+7

Từ wai (kiểu chào của người Thái Lan) đến cup-and-clap (kiểu chào của người Zambia), những cách chào hỏi này truyền đạt sự tôn trọng và chào đón trong khi không đụng chạm nhau.

test

Để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, thế giới đã ngừng chào nhau bằng bắt tay, ôm hôn hay hongi (kiểu chào mũi chạm mũi). Thay thế là những cách chào hỏi ít nguy cơ lây lan virus hơn như “bắt chân” và giơ tay lên chào.

Khủng hoảng Covid-19 đang ảnh hưởng đến cách mọi người kết nối, nhưng ở một số nước, văn hóa chào hỏi không đụng chạm đã tồn tại từ lâu và không liên quan gì đến đại dịch.
 

Kiểu chào Ấn Độ và Nepal

Có lẽ nhiều người đã nghe thấy câu chào “Namaste” khi tập Yoga. Thực tế, đây là cách chào phổ biến của những người khu vực từ Ấn Độ đến Nepal. Tuy nhiên, lâu nay, người phương Tây lại hiểu không đúng về cách chào hỏi này. Ngày nay, câu chào này hay được in lên các túi tote, áo phông hay xuất hiện trong các lớp học yoga, khác hẳn với nguồn gốc cổ xưa của nó.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Namaste và các cách chào hỏi không đụng chạm có thể là giải pháp cho thời Covid-19. Ảnh: learnreligions

Divya L. Selvakumar, những Mỹ gốc Ấn Độ, nhà sáng lập American Hindu World Service, cho biết: “Cách chào hỏi này đã có từ hàng ngàn năm trước. Văn bản sớm nhất ghi nhận là Rig Veda, một trong bốn bản kinh thánh kinh điển của Ấn Độ giáo và là bản lâu đời nhất.”

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Zarif chào đón Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tại New Delhi. Ảnh: PTI

Namaste dịch ra nghĩa là: Tôi cúi đầu chào bạn. Namaste thường đi cùng mudra - mọi người sẽ cúi nhẹ, tay chắp lại, ngón tay hướng lên. Nó không phải lời chào thông thường mà là lời chào xuất phát từ trái tim kết nối trái tim, cùng với sự biết ơn về những chia sẻ của bạn dành cho tôi. Cách chào hỏi này thể hiện sự nhún nhường, khiêm tốn và tôn trọng đối phương. Người ta cũng tin rằng, mudra sẽ bảo vệ những người thực hiện nó một cách nghiêm túc.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Người ta tin rằng thực hiện Namaste và Mudra một cách kính cẩn, bạn sẽ được bảo vệ. Ảnh: Wiki

Anjhula Mya Singh Bais, chuyên gia về Phật giáo Nichiren, cho biết: Bằng cách chắp tay lại, bạn giữ năng lượng bảo hộ bản thân, trái ngược với việc hấp thụ năng lượng của người khác.
 

Kiểu chào Thái Lan

Wai là kiểu chào tiêu chuẩn ở Thái Lan. Tương tự Namaste, Wai cũng là cúi đầu nhẹ nhàng với hai lòng bàn tay úp vào nhau. Điều đó là do ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và Phật giáo với văn hóa Thái Lan, quá khứ và hiện tại.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Wai là cách chào thể hiện sự thiện chí. Ảnh: kohsamuisunset

Amhi Marddent, giảng viên Chương trình Nghiên cứu Văn hóa của Học viện Nghệ thuật thuộc Đại học Walailak của Thái Lan, cho biết: “Wai xuất phát từ cách khấn trong đạo Hindu và đạo Phật. Nhưng lịch sử của Wai cũng cho thấy người dân Thái Lan rất cởi mở và thân thiện. Chúng tôi không mang bất kỳ vũ khí sát thường nào và chúng tôi đến với tất cả thiện chí.”

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Tay ở vị trí nào khi “Wai” mang những ý nghĩa khác nhau. Ảnh: slumberpartyhostels

Không chỉ xuất hiện trong nghi thức tôn giáo và chào hỏi, Wai còn có nhiều biến thể như ứng dụng trong vũ đạo, xin lỗi và thậm chí là hành động để xoa dịu cơn thịnh nộ của những kẻ bắt nạt.

Hiện nay người Thái hay “Wai” đi cùng câu “sawatdee kha” hay “sawatdee krab” (tùy theo giới tính). Wai cũng mang hàm ý xin chào một cách lịch sự.

Vì Wai không đụng vào nhau nên nó được xem là cách chào hỏi an toàn trong mùa dịch Covid-19. Ngay cả giám đốc của bộ phận dịch bệnh và đại dịch của Tổ chức Y tế Thế giới, Sylvie Briand, cũng khuyến khích mọi người chào kiểu Thái để thay thế cho bắt tay.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến khích mọi người chào kiểu “Wai”. Ảnh: kohsamuisunset

Để thể hiện mức độ tôn trọng cao hơn, khi “Wai”, bạn hãy cúi đầu sâu hơn và chắp tay cao hơn: ngang ngực là chào tiêu chuẩn, ngang mặt khi chào cấp trên hoặc người lớn tuổi, và ngang trán thể hiện sự tôn trọng cao nhất, thường dành khi chào hỏi nhà sư và nhà vua.
 

Kiểu chào Nhật Bản

Xuất phát từ giới quý tộc hơn ngàn năm trước, cúi đầu được công nhận là ngôn ngữ chào hỏi của người Nhật Bản.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Xưa, người Nhật chủ yếu cúi chào khi đã ngồi ngay ngắn. Ảnh: Wiki

Yuko Kaifu, chủ tịch Japan House Los Angeles thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, từng là phiên dịch viên cho Hoàng hậu Nhật Bản Michiko, cựu Tổng thống Ronald Reagan và Công nương Diana, cho biết: Cúi đầu chào xuất phát từ Trung Quốc, có từ khoảng thế kỷ thứ 7. Ban đầu, cúi đầu chào chỉ có trong giới quý tộc, nhưng đã được lan rộng nhờ các samurai từ khoảng thế kỷ thứ 12. Nhưng phải đến thế kỷ 17 thì kiểu chào này mới phổ biến trong đông đảo tầng lớp dân thường.

Mika White, CEO của công ty marketing Chapter White Inc. có trụ sở ở Nhật Bản, cho biết kiểu chào này xuất phát từ sự khác biệt đẳng cấp, nên mọi người thường cúi chào để thể hiện sự nhún nhường.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Dần dần, cúi chào đã có phiên bản hiện đại như chúng ta biết ngày nay. Ảnh 8: travel.earth

Cách chào ngày nay không hoàn toàn giống với nguồn gốc xa xưa. White nói rằng người Nhật đã phát triển thành kiểu cúi “hiện đại” để ai ai cũng có thể sử dụng thứ ngôn ngữ cơ thể này khi chào hỏi nhau.

Giờ người ta chào khi đứng thẳng chân, còn trước kia, người Nhật chào khi đã ngồi (quỳ) xuống chiếu. “Điều đó cho thấy lối sống đã thay đổi”, Kaifu nói. “Trước đây người ta ngồi ngay ngắn trên chiếu rồi cúi đầu gập người đến chân. Ngày nay, chúng tôi hiếm khi chào theo phong cách đó trừ khi tham dự các nghi thức trà đạo hoặc các tập tục truyền thống khác.”

Nhưng góc độ cúi đầu thì vẫn được giữ nguyên. Khi cúi đầu, bạn sẽ truyền đạt thông điệp tôn kính đối phương và không có ý định tấn công. Cúi khẽ 15 độ (góc tạo bởi phương thẳng đứng và lưng) để chào hỏi những người cùng độ tuổi, tầng lớp và địa vị xã hội, thể hiện sự thân mật, nhẹ nhàng. Cúi 30 độ là chào hỏi cấp trên, những người lớn tuổi hơn hoặc khách hàng, đối tác làm ăn…. Cúi 45 độ là kiểu trang trọng nhất, thể hiện lòng biết ơn, niềm kính trọng tới các đấng tối cao và thiêng liêng như Thần, Phật, Chúa Trời, quốc kỳ…., hoặc đối với các bậc sinh thành như ông bà, cha mẹ… Kiểu chào này cũng thay cho lời xin lỗi, lời chia buồn thể hiện thành ý.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Góc độ khi cúi chào có những ý nghĩa khác nhau. Ảnh: Getty/Pinterest

Thực tế, bắt tay đã phổ biến ở Nhật Bản trước đại dịch Covid-19, chủ yếu là trong giới trẻ. Khi đại dịch đến, có thể kiểu chào cúi đầu truyền thống sẽ phổ biến trở lại. “Những người chào bằng bắt tay giờ cần suy nghĩ lại. Tôi thường nói với những người định đi du lịch Nhật Bản là không nhất thiết phải học chào kiểu cúi đầu, vì giờ người Nhật cũng hay bắt tay. Nhưng giờ, nếu tôi được dạy lớp về phép xã giao Nhật Bản, tôi sẽ nói cúi đầu an toàn và phù hợp hơn.”

 

  GỢI Ý TOUR DU LỊCH NHẬT BẢN KHUYẾN MÃI
 

 

Kiểu chào Zambia

Bắt tay khá phổ biến ở Zambia. Nhưng bạn có thể chào kiểu không đụng chạm. Đó là “cup and clap” (chắp và vỗ). Theo thành viên nhóm Zambia Ground Handlers, William Banda người Kunda và Gerald Nyirenda người Tumbuka, để chào hỏi, bạn chắp hai bàn tay lại và vừa vỗ tay vừa nói “mulibwanji” (nghĩa là xin chào, dùng bất cứ thời điểm nào trong ngày) hoặc “mwakabwanji” (chào buổi sáng).

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Đến châu Phi, bạn có thể chào kiểu “cup and clap” mà ai cũng hiểu. Ảnh: Travel Ground

Nếu gặp gỡ gia đình nhà chồng/nhà vợ, bạn sẽ cần phải tiến thêm một bước nữa. Khi chắp tay, hãy ngồi xổm xuống và vỗ. Hạ thấp cơ thể trong khi chào hỏi thể hiện mức độ trang trọng hơn.

Khi gặp người lớn tuổi, bạn có thể nói xin chào bằng cách đặt một tay lên ngực và bụng, chùng chân một chút.

Zambia là quê hương của hơn 70 dân tộc, nhưng Banda và Nyirenda nói rằng những cử chỉ này được truyền từ đời này sang đời khác và người Zambia nào cũng hiểu ý nghĩa của nó, dù là nông dân hay doanh nhân.
 

Kiểu chào Lakota

Đối với một số nền văn hóa như Lakota, một bộ lạc thổ dân ở Mỹ, đôi khi cố tính tránh tiếp xúc lại truyền đạt sự tôn trọng.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Người Lakota. Ảnh: blackhillsbadlands

Jennifer Weston, một người thuộc bộ lạc Lakota, lớn lên trong khu bảo tồn Standing Rock ở South Dakota, nói rằng bắt tay nhẹ nhàng là cách chào hỏi phổ biến trong bộ lạc. Cô thường được dạy rằng cần hạn chế giao tiếp bằng mắt và đụng chạm khi chào hỏi với những người khác giới.

Việc thiếu sự tương tác hay đụng chạm trong các mối quan hệ không đồng nghĩa với việc không yêu thương nhau. Ngược lại, mọi người rất trân trọng tình cảm gia đình và luôn nỗ lực duy trì nó.
 

Kiểu chào của đạo Hồi

Với khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo trên khắp thế giới, bạn có thể hình dung kiểu chào “Assalamu alaikum” (bình an ở cùng bạn) phổ biến như thế nào. Thậm chí, có nhiều biến thể xung quanh.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Kiểu chào đụng chạm trong giới Hồi giáo chỉ áp dụng cho các thành viên trong gia đình hoặc những người cùng giới. Ảnh: Getty

Hòa bình là cốt lõi của đạo Hồi, và lời chào là một phần của nghi thức tâm linh. Theo Saifa T. Hussain, cố vấn cộng đồng Hồi giáo ở đại học Middlebury, Vermont, Mỹ, người Hồi giáo coi lời chào là nghi thức linh thiêng. Điều đó thể hiện mọi người chung một cộng đồng, một gia đình lớn. Lời chào và nghi thức đằng sau sẽ thúc đẩy sự đoàn kết và tình yêu trong cộng đồng.

Dù kiểu chào salaam (chào theo cách cúi thấp và để bàn tay phải áp vào trán) phổ biến trong cộng đồng người Hồi giáo, nhưng các thành viên trong gia đình hoặc những người cùng giới có thể chào nhau bằng bắt tay, ôm hôn lên má. Dù vậy, kiểu chào đụng chạm là không được khuyến khích.

Hussain cho biết: Kinh Hadith nói rằng việc đụng chạm với người khác giới là không được phép. Mặc dù có bản viết rằng nhà tiên tri đã bắt tay với một tín đồ, bao gổm cả phụ nữ. Con người và văn hóa rất phức tạp, và chủ đề động chạm phản ánh điều đó.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19Đặt bàn tay phải lên trái tim thể hiện sự chào đón với người Hồi giáo. Ảnh: Twitter

Nhưng bất kể văn hóa nào, thì mọi người đều phải cảm thấy thoải mái với sự động chạm.

Kiểu chào salaam không đụng chạm có lẽ là một cách thức tốt vì nó tôn trọng ranh giới cá nhân, giá trị tôn giáo hoặc văn hóa của người bạn đang chào hỏi. Nó cũng tốt cho mọi người trong đại dịch. Với bất kỳ người Hồi giáo nào, dù là người Mỹ gốc Hồi giáo, người Jordan, người Hồi giáo ở Đông Nam Á, bạn chỉ cần đặt tay phải lên trái tim khi thể hiện sự chào đón.

“Trái tim là một biểu tượng quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng với người Hồi giáo. Nó quan trọng hơn cả bộ não hoặc tâm trí. Trái tim được xem là nơi lưu giữ linh hồn. Đó là nơi diễn ra đời sống tinh thần của bạn. Chạm vào trái tim là chạm đến sự thiêng liêng. Khi làm như vậy, bạn đã nói rằng ‘bình an ở cùng bạn’” - Hussain cho hay.
 

Nói xin chào với tương lai

Lời chào sẽ như thế nào trong một thế giới hậu đại dịch Covid-19? Khi chúng ta suy ngẫm về lời chào trong cộng đồng và cả những nơi chúng ta sẽ đi du lịch trong tương lai, chúng ta có thể thấy rằng những vấn đề liên quan khác, chẳng hạn như giới tính hay tâm linh, cũng xuất hiện. Tất cả phụ thuộc vào con đường chúng ta chọn, thích nghi và cùng nhau tiến lên.

Nhung cach chao hoi khong hon khong bat tay thoi Covid-19
Nhiều người lựa chọn chào bằng chân thời Covid-19. Ảnh: CNBC

 

Xem thêm: Những kỳ quan ẩn dật bình thản giữa dòng đời

 

Phong Sa

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc