“Danh lam Kyoto quả thật kỳ vĩ và cảnh sắc rừng thu lá đỏ nhạt nhòa trong mưa như bức tranh sơn dầu làm nao lòng người.”
> Lạc vào đảo thỏ ở Nhật Bản
> Những lý do hấp dẫn du khách đến Nhật Bản
Từ TPHCM, chuyến bay thẳng của Vietnam Airlines tới phi trường Fukuoka mất khoảng 5 giờ, thời gian bay không quá dài để khiến người ta mỏi mệt, dường như nó vừa đủ để người ta chuyển từ cái nóng trên 300C của TPHCM sang cái lạnh dưới 10oC của thành phố miền Tây Nam Nhật Bản buổi chớm đông.
Cảng hàng không quốc tế Fukuoka không hoành tráng như Narita (Tokyo) hay Kansai (Osaka), nhưng bù lại, nó cho tôi cảm giác quen thuộc như đang ở Tân Sơn Nhất. Nhưng khi tiếp xúc với an ninh cửa khẩu và hải quan, tôi bắt đầu nhận thấy sự khác biệt.
Cổng vào đền Nguyệt lão Kyoto.
Họ mỉm cười nói “chào buổi sáng” rõ to trước khi tiếp nhận hộ chiếu của tôi và làm thủ tục thông qua một cách nhanh chóng. Ra tới sảnh sân bay, tôi tìm quầy thông tin để hỏi cách đi từ sân bay vào trung tâm thành phố. Cô tiếp tân tươi cười tặng tôi tấm bản đồ thành phố có ghi chú phương tiện đi lại, rồi nhiệt tình tư vấn thêm những điểm tham quan, điểm nào có tờ rơi cô lại kèm luôn vào đó.
Không chỉ ở sân bay, các ga xe điện ngầm đều có để bản đồ miễn phí, thái độ nhân viên cũng thân thiện, nhiệt tình hỗ trợ. Từ ga quốc tế có xe trung chuyển tới ga quốc nội. Hành khách có thể đón xe điện ngầm vào trung tâm.
Phố Geisha ở Kyoto.
Mỗi đợt khách đến, các máy bán vé tự động lại bận rộn, nhưng mọi người không chen lấn mà đứng có trật tự và thao tác rất nhanh trên máy nên cũng không mất bao nhiêu thời gian chờ tới lượt mình. Nếu lỡ mua nhầm vé, có thể trả cho máy và nhận lại tiền ngay lập tức.
Trong cửa hàng mua bán theo giá niêm yết, xem hàng đã đời rồi bỏ đi cũng chẳng bị lườm nguýt càu nhàu. Mua bán rạch ròi, tiền thừa 1 yen cũng thối lại, chưa bao giờ tôi thấy người bán bảo rằng không có tiền lẻ hoặc thối bằng viên kẹo cả.
> Thăm cố đô tuyệt đẹp Nara, Nhật Bản
Đường phố sạch sẽ, có lẽ phần nào do thùng rác và nhà vệ sinh công cộng vừa sạch vừa miễn phí có mặt rải rác khắp nơi. Tôi chợt nghĩ đó là những lời chào đón du khách thiết thực, hiệu quả vì trong thời đại thế giới phẳng, bất cứ du khách nào cũng có thể đưa bình luận lên web, khen/chê của họ cũng lan tỏa chẳng kém truyền thông chính thức hay clip triệu đô.
Một buổi sáng ở Kyoto, trời lúc mưa lúc tạnh, cô Ueda (giáo viên tiếng Nhật cho các tu nghiệp sinh Việt Nam) đưa tôi đi ngoạn cảnh chùa Kiyomizu - ngôi chùa xây dựng bằng gỗ trên triền núi từ thế kỷ thứ 8, đã được công nhận là “quốc bảo” của Nhật Bản.
Danh lam này quả thật kỳ vĩ và cảnh sắc rừng thu lá đỏ nhạt nhòa trong mưa như bức tranh sơn dầu làm nao lòng người. Vòng ra phía sau chùa, chúng tôi viếng đền Enmusubi, ngôi đền Nguyệt lão này nổi tiếng linh ứng với những ai muốn cầu duyên.
Trong sân đền có 2 tảng đá “thiêng” cách nhau khoảng 10-15m, tương truyền nếu nhắm mắt có thể tự mình đi một mạch từ tảng đá này tới tảng đá kia sẽ sớm gặp được tình yêu đích thực, còn nếu phải nhờ người hướng dẫn phương hướng thì trong tình duyên sẽ cần tới người làm mai mối mới thành được.
Lúc đó, có 1 cô gái nhắm tịt mắt, môi mím mím, không giấu được vẻ căng thẳng tập trung đang thận trọng dò từng bước. Mọi người dường như quá hiểu cô ấy đang làm gì nên đã tự động dạt ra nhường đường. Sau rốt, cô ấy cũng chạm đích và cười mãn nguyện, tôi trông thấy cũng vui lây.
Kyoto có những ngõ nhỏ phảng phất màu thời gian, hun hút sâu rồi đột ngột mở ra trước mắt là một ngôi chùa hay ngôi đền nhuốm màu cổ kính, có khi lại bất ngờ đâm ra đại lộ tấp nập người. Gion là khu vực mang đậm những đặc trưng như thế, nó còn nổi tiếng với biệt danh “phố geisha”.
Tôi đến đây khi phố đã lên đèn. Hai bên phố san sát những ngôi nhà kiểu xưa, cửa khép màn che, im ỉm kỳ bí, dường như điểm sinh động duy nhất là ánh sáng ấm áp của ngọn đèn lồng treo trước cửa.
Tàu điện ngầm ở Fukuoka.
Chị Sachiyo (dân Kyoto, từng du học Việt Nam, rất giỏi tiếng Việt) thì thầm bên tai tôi rằng những vị khách lui tới các ngôi nhà đó đều rất bí mật và những gì diễn ra không bao giờ được tiết lộ ra ngoài, tôi nghĩ đó là luật im lặng của geisha.
Tôi giơ máy lên chụp ảnh khu phố, bất ngờ 1 nàng geisha phảng phất hiện ra trong tầm ngắm, tôi sững người không biết có nên bấm máy không, sợ ánh đèn flash lóe lên trong cảnh đêm tịch mịch như thế này sẽ sỗ sàng làm nàng giật mình.
Chỉ trong tích tắc chần chừ đó của tôi, nàng lướt qua như sương như khói. Chị Sachiyo nhìn thấy, kêu lên và giục tôi đuổi theo chụp hình nàng. Nhưng không kịp nữa, nàng nhanh chóng mất hút sau cánh cửa ngôi nhà bên kia đường khiến lòng tôi tiếc mãi, chẳng biết khi nào mới có dịp gặp lại nàng geisha ở Kyoto.
* * *
Nagasaki là một trong số ít những thành phố cảng được mở cửa giao thương với nước ngoài sớm nhất nên cũng được xem là cửa ngõ du nhập văn hóa phương Tây vào Nhật Bản. Năm 1945 khi thế chiến 2 vào hồi kết, Hoa Kỳ đã ném bom nguyên tử xuống Nagasaki (và Hiroshima).
Tượng Hòa bình tại Nagasaki.
Vài chục năm qua, người Nhật đã cố gắng tái thiết Nagasaki và ngày nay, khi đến Nagasaki khó hình dung thành phố xinh đẹp này từng là nạn nhân của thảm họa bom nguyên tử.
Chiếc cầu 2 vòm bằng đá Meganebashi hơn 300 năm tuổi vẫn duyên dáng soi bóng xuống dòng nước, trông như một cặp mắt kiếng ngộ nghĩnh nhìn dòng đời trôi qua. Nước trong và sạch, tôi có thể nhìn thấu tận đáy, ngắm cá lội tung tăng, trong lòng cảm thấy thanh bình, khoan khoái.
Nhưng, khi đón xe ngược lên Ground Zero - vị trí quả bom nguyên tử đã rơi xuống lúc 11 giờ 2 phút ngày 9-8-1945 - bầu trời xanh, làn gió mát, mà lòng tôi lại nặng trĩu.
Cầu cổ Meganebashi.
Nơi này, một đài tưởng niệm với chiếc cột màu đen đơn độc vươn cao như cây đinh đóng vào lương tri loài người để nhắc nhở sự thảm khốc của chiến tranh. Trên ngọn đồi gần đó, người ta xây dựng Công viên Hòa bình, nơi để cầu nguyện, để thắp lên hy vọng.
Tượng Hòa bình bằng đồng cao gần 10m sừng sững, uy nghiêm, vẻ mặt từ ái và đôi mắt khép lại như đang nguyện cầu cho linh hồn các nạn nhân bom nguyên tử được an nghỉ, tay phải chỉ thẳng lên trời với ý nghĩa nhắc nhở mối đe dọa của vũ khí hạt nhân, tay trái duỗi ngang tượng trưng cho hòa bình, chân phải xếp bằng, chân trái hơi co vừa như thiền định, vừa như sẵn sàng đứng lên giải cứu nhân loại.
Phố mua sắm Kawabata (Fukuoka).
Trước mặt tượng là khối cẩm thạch đen ghi tên các nạn nhân đã thiệt mạng vì bom nguyên tử. Trời về chiều vẫn còn đông người đến, một tốp vài chục học sinh đang kính cẩn tưởng niệm, cầu nguyện rồi cất tiếng đồng ca, cảnh tượng rất xúc động.
Ở Nagasaki, dưới chân nhà thờ cổ Oura - công trình kiến trúc phong cách Tây phương duy nhất được người Nhật xem là quốc bảo - khi biết tôi đến từ Việt Nam, cô bán hàng lưu niệm bỗng trở lui vào trong rồi mang ra tặng thêm cho tôi 3 tấm bưu thiếp.
Chợ hoa Fukuoka.
Thấy tôi ngạc nhiên, cô giải thích Việt Nam cũng từng chịu nhiều đau thương chiến tranh và giờ đang cố gắng phát triển đất nước, cô thấy có sự đồng cảm với người Việt Nam.
Vậy đó, tình hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam biểu hiện qua những sự kiện lớn như “Năm hữu nghị Việt - Nhật 2013”, nhưng cũng là một khoảnh khắc đời thường bất chợt, đơn giản như thế…