Banner Movi

Phát triển Lạc Thủy thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ bảy, 05/01/2013, 09:12 GMT+7

Với lợi thế có nhiều sông suối và núi non hùng vĩ cùng cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đã tạo cho huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) có điều kiện để xây dựng các sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, văn hóa, thắng cảnh, lễ hội… trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nơi đây.

quảng cáo

Lac thuy

 

Lạc Thủy là vùng đất được pha trộn bởi nhiều nét văn hóa khác nhau của 2 dân tộc Việt – Mường, cuộc sống và những sinh hoạt đời thường này đã hòa quyện vào nhau tạo nên Lạc Thủy với những nét văn hóa độc đáo và đặc sắc riêng, thể hiện qua các lễ hội như: Cầu Mát, Cầu phúc bản Mường; Hội xéc bùa…

Và, Lạc Thủy còn có nhiều di tích kỳ thú khác như chùa Tiên (xã Phú Lão), hang Đồng Nội (xã Đồng Tâm), hồ Đá Bạc (xã Phú Thành), hồ Đầm Khánh, hang Hào, hang Chim, hang Đồng Thớt… là những địa danh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Ngoài ra, nơi đây còn được sở hữu cảnh quan môi trường độc đáo của một huyện chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng với nhiều cảnh đẹp có giá trị... Do đó, khi nhắc đến Lạc Thủy là người ta nhắc đến một vùng du lịch trọng điểm của Hòa Bình với nhiều danh lam thắng cảnh mang đậm dấu ấn của nền “Văn hóa Hòa Bình”.

Những năm qua, Lạc Thủy đã có nhiều hoạt động tích cực để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ đó, doanh thu từ ngành “công nghiệp không khói” luôn có mức thu năm sau cao hơn năm trước. Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, từ năm 2005 Lạc Thủy đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội với những mục tiêu cụ thể và thiết thực.

Trong đó, xác định đa dạng ngành dịch vụ, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại hình du lịch. Tiến hành từng bước quy hoạch phát triển du lịch của huyện và quy hoạch chi tiết các điểm du lịch trọng điểm. Phấn đấu đến năm 2015, doanh thu từ du lịch - dịch vụ chiếm 39,5% tổng thu nhập và đón 80.000 lượt khách tham quan.

Ông Đinh Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cho biết: Hiện, Lạc Thủy đang từng bước khai thác 3 điểm du lịch chính là chùa Tiên (xã Phú Lão), nhà máy in tiền (xã Cố Nghĩa) và đền Niệm (xã Phú Thành). Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở khu du lịch chùa Tiên, đã hoàn thành đầu tư đường giao thông 2 làn xe, có điện chiếu sáng. Khu đồn điền Chi Nê cũng đang tập trung đầu tư giai đoạn 2 với số vốn hàng trăm tỷ đồng…

Được biết, từ mùa lễ hội du lịch năm 2012, Lạc Thủy đã có nhiều thay đổi trong việc tổ chức bộ máy quản lý các di tích, cụ thể như thành lập BQL di tích của huyện trực tiếp quản lý các di tích thay cho từng địa phương quản lý như các năm trước. Đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại chỗ đã được bồi dưỡng thêm các kiến thức cơ bản để đáp ứng yêu cầu của công việc. Nhờ đó, công tác tổ chức, hướng dẫn du khách tham quan được tiến hành bài bản và chặt chẽ hơn. Công tác đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường, ATTP có nhiều chuyển biến rõ rệt và đã hạn chế tối đa được tình trạng ăn xin, cờ bạc trá hình…, tạo thiện cảm hơn cho du khách đến tham quan.

Năm 2012, bằng nhiều nguốn vốn xã hội hóa, Lạc Thủy đã huy động được 11 tỷ đồng cho việc tu sửa các hạng mục của chùa Tiên, bổ sung thêm 31 pho tượng mới, trị giá hàng chục tỷ đồng từ nguồn công đức và cung tiến. Để chuẩn bị cho mùa lễ hội du lịch năm 2013, Lạc Thủy đã củng cố lại bộ máy tổ chức, chỉ đạo BQL di tích thực hiện nghiêm túc các quy định đã đề ra. Đồng thời, huy động nguồn vốn đầu tư, tôn tạo các di tích hiện có. Đặc biệt, phấn đấu xây dựng khu cáp treo nối từ chùa Hương (Hà Nội) sang chùa Tiên hoàn thành xong trước mùa lễ hội để tạo thành tour lớn của vùng.

Theo ông Quý, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới, Lạc Thủy sẽ tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên du lịch, từng bước đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng; kêu gọi các nhà đầu tư tích cực khai thác thế mạnh, tiềm năng. Trong đó, phải coi trọng công tác quảng bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương. Và, ông nhấn mạnh: “Để làm hài lòng du khách, vấn đề quan trọng nhất là phải tăng cường chất lượng công tác phục vụ cùng các dịch vụ vui chơi giải trí tại các điểm du lịch”.

- Lạc Thủy cách Thủ đô Hà Nội khoảng 150km, nơi đây được xem là khu vực giao thoa giữa hai miền văn hóa Kinh - Mường, là địa bàn cư trú của người nguyên thủy xưa và được các nhà nghiên cứu gọi đó là nơi mang đậm dấu ấn của nền “Văn hóa Hòa Bình”.

- Lạc Thủy hiện có 4 di tích cấp quốc gia (Chùa Tiên, nhà máy in tiền đầu tiên, hang Luồn, hang Đồng Thớt), 7 di tích cấp tỉnh và nhiều di tích có Quyết định bảo vệ của UBND tỉnh. Các loại hình du lịch phong phú, bao gồm: thắng cảnh tự nhiên, di tích lịch sử cách mạng, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái. Trong đó, quần thể di tích chùa Tiên tại xã Phú Lão là điểm nhấn. Đây là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia với 17 điểm động, gồm: quán Trình, đền Mẫu, chùa Tiên và 14 động tự nhiên tuyệt sắc như: Tam Tòa, Linh Sơn, Suối Bạc, Mẫu Long…

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)