Điều làm tôi nhớ nhất về Pecatu không hẳn là ngôi đền đá danh tiếng Uluwatu trên bờ biển. Đó chỉ là một buổi sáng và bữa ăn giản dị mà ấm áp tình người của dân bản địa trong cơn mưa đầy kỷ niệm.
> Đến nơi đẹp và dễ sống nhất thế giới
> Bình dị thay Brunei nơi tôi đến thăm
> Du lịch bụi tới Lithuania
Pecatu thuộc quận Nam Kuta, Badung, đảo Bali, Indonesia.
Buổi sáng yên bình ở Pecatu.
Tôi rời bãi biển Kuta khá sớm, khi thành phố vẫn còn say ngủ sau một đêm náo nhiệt thường lệ. Bầu trời sũng nước, báo hiệu một cơn mưa sẽ tới. Việc di chuyển trên làn bên trái bằng xe máy không làm tôi khó khăn lắm, tôi đã quen với việc chạy xe thế này sau mấy ngày lang thang trên đảo Bali.
Rất nhiều biển chỉ dẫn từ Kuta đi đền Uluwatu, tôi chỉ việc thẳng tiến mà không cần phải dừng lại hỏi đường. Khoảng 1 giờ chạy trên con lộ lớn mang tên JI Uluwatu, vượt qua những ngôi làng bên bờ biển, những khu nghỉ dưỡng sang trọng và xinh đẹp, khi vịnh Jimbayran thơ mộng đã ở phía sau lưng thì cơn mưa ập tới. Mưa ào ạt khiến tôi phải vội vã tấp xe vào lề đường trú chân.
Hằng ngày, Bali tiêu thụ một lượng hoa khổng lồ cho việc cúng lễ.
Nơi tôi dừng chân là một cái chợ nhỏ của vùng Pecatu, cách ngôi đền Uluwatu chưa đến 10 phút xe máy. Không biết có phải chợ phiên không hay bởi vì trời mưa mà cả khoảnh đất trống chỉ có vài gian hàng.
Một gian bán quần áo, nằm ngay cạnh một quán cóc giống như ở các bến xe Việt Nam hay có, bán đồ ăn và nước giải khát. Liền đó là mấy gian nhà lợp tre bỏ không.
Người Bali có thói quen chuẩn bị đồ cúng với hoa lá, đồ ăn mỗi ngày.
Góc sát ngoài đường có một gian hàng bày mấy cái sọt và bao nilông đựng hoa nhiều màu sặc sỡ, là các loại hoa người Bali thường dùng trong tín ngưỡng sinh hoạt hằng ngày. Cũng có vài bó hoa cẩm tú cầu hoặc hoa súng cùng với rất nhiều khay cọ đã được tết sẵn.
Thông thường, người dân Bali sẽ mua khay cọ này với một số hoa các loại, về bày ra cùng với đồ ăn để làm đồ cúng cầu may.
Mưa khá lớn khiến mấy thanh niên đang bốc hàng ở chiếc xe tải nhỏ phải ngừng tay ghé quán nước chơi. Họ trêu trọc cô bé chủ quán và gọi đồ ăn sáng.
Quán nhỏ bên đường.
Tôi co ro ngồi trú mưa, gọi một ly cà phê và cố gắng lắng nghe câu chuyện của mấy người bản địa do bất đồng ngôn ngữ khá lớn. Một ngày mới mưa gió nhưng thanh bình trong tiếng cười giòn tan của các bạn trẻ người địa phương.
Chủ quán lấy từ trong các hộp bày trên mặt bàn mỗi thứ một ít mà tôi đoán là gia vị các loại bỏ vào cối đá, sau đó dùng chiếc chày đá dầm, trộn thành một loại nước xốt có màu vàng như tương, nhuyễn sánh và béo ngậy.
Bữa sáng giản dị.
Trong khi tôi còn đang tò mò không hiểu bữa sáng ở đây có gì ngoài mấy gói bánh kẹo, bánh chiên trông khá công nghiệp thì cô bé bán hàng lấy ra một chiếc bánh cơm giống hệt như cơm nắm nhà mình, được nắm rất chắc, trắng tinh và cắt ra thành nhiều miếng vừa ăn, thả vào lòng cối.
Cô lấy thêm một chút giá và đỗ đã trần qua (có lẽ là đã luộc vừa chín), tiếp tục cho vào cối và dùng thìa trộn tất cả lên, lẫn vào nhau. Sau khi trộn đều, món ăn được múc ra đĩa và hai chàng trai vừa cười nói vừa thưởng thức bữa sáng của mình.
Thấy tôi chăm chú nhìn vào cối đá, cô bán hàng bèn lấy thìa xúc một miếng mời tôi ăn thử. Tò mò và háo hức, tôi đồng ý ngay.
Miếng cơm xắt ra đã được quệt đều thứ nước tương vành sánh, ngấm vị ngòn ngọt, vị cay cay của một loại gia vị hỗn hợp mà sau này tôi mới biết người Indonesia hay gọi là “sambal” và thường xuyên dùng trong chế biến các món ăn truyền thống. Tôi vừa chợt nhớ ra, ngủ dậy tôi đã lấy xe máy đi thẳng tới đây và cũng chưa ăn sáng.
Tôi đề nghị cô bé làm cho tôi một suất và thích thú nhìn quy trình tạo ra một bữa sáng đậm chất địa phương và rẻ tới mức không tin nổi, tính ra chỉ khoảng 5.000 đồng/đĩa. Cơm với nước tương thì vừa ngon vừa lạ miệng, lại thêm vị mát thanh thanh của giá và đỗ trần khiến bữa sáng hôm đó trở nên đặc biệt.
Cô gái với gánh hàng hoa cũng chạy sang quán gọi một suất ăn sáng, dường như đây là món ăn quá phổ thông ở Pecatu này. Tuy không trao đổi được nhiều nhưng sự thân thiện, hiếu khách của cô gái bán hoa khiến tôi thích thú, không còn thấy nản bởi cơn mưa vẫn chưa dứt ngoài kia.
Cơn mưa ngớt sau khoảng 1 giờ tôi ngồi lê la ở quán cóc, thỉnh thoảng lại chạy sang gói hoa bán hàng với người bạn mới. Hai chị em tranh thủ chụp chung một kiểu ảnh trước khi tôi mua một manh áo mưa mỏng để tiếp tục hành trình đi thăm đền Uluwatu.
Tạm biệt Pecatu, tôi biết, cái tôi nhớ về vùng đất ấy chính là bữa sáng giản dị, mộc mạc nhưng ấm áp tình bạn của người dân trên đảo Bali…