Trong lúc cuốc đất làm ruộng, một nông dân ở huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) phát hiện hàng chục bình gốm cổ còn khá nguyên vẹn.
Ngày 30/12/2012, khi đang cuốc bờ ruộng để chuẩn bị cho vụ cấy, anh Hà Xuân Dương (37 tuổi, ở xã Minh Châu, huyện Triệu Sơn) phát hiện một số mảnh gốm vỡ nằm dưới nền đất. Đoán phía dưới chân ruộng còn nhiều món đồ quý, anh Dương tiếp tục khơi sâu xuống phía dưới.
Khi đào đến độ sâu khoảng 50 cm, anh Dương tìm thấy hơn chục bình, gồm nhiều loại: bình củ đậu, bình gốm kẻ sọc ca rô, bình miệng tròn, bình miệng rộng, thẳng… Có chiếc lớn như chóe, nhiều cái nhỏ bằng bát tô, được tráng men bóng khá công phu. Ngoài một số bị sứt miệng, bị vỡ do phong hóa thời gian thì hầu hết còn khá nguyên vẹn.
Số bình gốm cổ được phát hiện có nhiều loại, như bình củ đậu, bình gốm kẻ sọc ca rô, bình miệng tròn, miệng rộng…
Nghe tin nông dân này đào được cổ vật quý, mấy ngày qua hàng trăm người kéo đến gia đình anh Dương xem cổ vật và bàn tán xôn xao. Gia chủ cho biết, có người ngỏ ý mua lại toàn bộ số cổ vật trên nhưng gia đình chưa có ý định bán.
Sau khi xem những bức ảnh chụp lại số cổ vật, một chuyên gia nghiên cứu cổ vật ở TP Thanh Hóa nhận định, đây là những bình gốm sản xuất từ thời Hán (có niên đại khoảng từ 1.500 năm đến 1.800 năm) được người dân dùng trong gia dụng, sinh hoạt. Số bình cổ này có giá trị với ngành bảo tàng, còn giá trị chuyển nhượng trên thị trường không lớn.
Ngày 2/1, ông Đào Hữu Cơ, Phó chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết, sau khi nhận được thông tin, huyện đã chỉ đạo cán bộ phòng văn hóa phối hợp với lực lượng công an và chính quyền xã Minh Châu đến kiểm tra lập biên bản kê khai số cổ vật trên.
“Trước mắt chúng tôi cho kiểm kê để tránh thất thoát cổ vật. Trước khi Sở Văn hóa và các cơ quan chức năng thẩm định niên đại và có ý kiến xử lý thì tạm giao cho gia đình có trách nhiệm bảo quản trông coi những món đồ trên”, ông Cơ cho hay.