Ngay từ xa xưa, chợ đã gắn bó với đời sống và là nơi thể hiện văn hóa, sinh hoạt của người dân. Mặc dù hiện nay, rất nhiều siêu thị hiện đại mọc lên nhan nhản nhưng vẫn có những phiên chợ đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, thể hiện bản sắc riêng đặc biệt thu hút khách du lịch.
1. Chợ Viềng (Nam Định)
Chợ Viềng (Nam Định) được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là chợ phiên thu hút khách du lịch nhất. Chợ họp vào đêm mồng 7 tháng giêng hàng năm.
Chợ Viềng là chợ phiên thu hút khách du lịch nhất
Có hai chợ Viềng là chợ ở gần Phủ Dầy huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) hay còn gọi là chợ Viềng Phủ và chợ ở gần chùa Bi huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) hay còn gọi là chợ Viềng Chùa. Dân gian có câu Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên chỉ 2 chợ cùng tên, họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau như cây xanh, đồ cổ, đồ cụ, công cụ nhà nông, thịt bò…
Ngoài ra ở huyện Vụ Bản còn có một chợ Viềng nữa ở xã Trung Thành hay còn gọi là Chợ Viềng Trung Thành. Các chợ này đều họp đêm ngày mồng 7, rạng sáng ngày mồng 8 tháng Giêng hàng năm. Du khách tìm đến chủ yếu để mua may bán rủi và thường ra về với một cây lộc cầu may.
2. Chợ tình Khau Vai - Hà Giang
Chợ Khau Vai còn gọi là chợ Phong Lưu, có từ gần 100 năm nay, chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch. Chợ nằm ở xã Khau Vai huyện Mèo Vạc, Hà Giang.
Đây là địa điểm để người ta tìm đến nhau sau một năm hoặc nhiều năm xa cách, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, yêu nhau thực sự nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau nay mỗi người đều có duyên phận riêng. Đúng ngày này họ hẹn nhau về đây để tâm sự, kể cho nhau về cuộc sống riêng mỗi người, ôn lại tình cảm xưa.
Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ, đến nơi vợ đi tìm bạn của vợ, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình. Họ coi đó là sự linh thiêng là trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Đây là chợ tình đặc sắc có một không hai ở Việt Nam.
3. Chợ tình Sa Pa
Chợ tình Sa Pa được biết là nơi các thanh niên dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy… cư trú tại Sa Pa tìm đến mỗi cuối tuần để kiếm bạn đời tương lai.Trước đây đường đi lại rất khó khăn, người dân thường phải đi lối mòn, bản ở xa trung tâm thị trấn Sa Pa, để đi tới chợ bằng đường mòn mất khoảng 12 tiếng hoặc nửa ngày. Mọi người thường phải xuất phát từ ngày hôm trước tức thứ bảy và ngủ qua đêm tại thị trấn để dễ dàng buôn bán vào phiên chợ ngày Chủ nhật. Chính vì thế đêm thứ bảy thường náo nhiệt.
Người già vui vẻ đi hỏi thăm bạn bè, người trẻ có cơ hội giao lưu gặp gỡ, đặc biệt làm quen kết bạn qua tiếng Khèn, tiếng Sáo trong đó chứa đựng tình cảm mà họ muốn thổ lộ.
Chợ tình được duy trì cho đến tận hôm nay là nét đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Chợ tình Sa Pa thu hút du khách đặc biệt là khách nước ngoài.
4. Chợ tình Mộc Châu - Sơn La
Chợ tình Mộc Châu được tổ chức vào khoảng 31/8 đến ngày 2/9 dương lịch hàng năm, trùng với ngày quốc khánh. Những cô gái diện cho mình những bộ váy áo rực rỡ, các chàng trai làm lụng kiếm tiền để chuẩn bị xuống chợ tìm người bạn đời. Đây là những ngày nghỉ ngơi vui chơi thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả.
Họ gặp nhau kết bạn, giao lưu, nói chuyện, uống rượu tâm tình. Ngay từ ngày 30/8 rất nhiều người đổ về thị trấn Mộc Châu, không hẹn mà đến có rất nhiều dân tộc thiểu số đến từ Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… không những thế còn có cả du khách trong và ngoài nước.
5. Chợ phiên Tả Sìn Thàng - Điện Biên
Chợ Tả Sìn Thàng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo của chợ phiên vùng cao, với trang phục rực rỡ của bà con dân tộc, các sản phẩm bày bán phần lớn là các mặt hàng nông sản thực phẩm của địa phương như hoa quả, rau măng, khoai, sắn… Ngoài ra, còn có các mặt hàng thổ cẩm truyền thống, các loại chỉ màu, phẩm nhuộm và các sản phẩm được làm từ thứ vải dệt rất bền và đẹp. Đến chợ nên thưởng thức thắng cố và rượu Mông Pê. Rượu Mông Pê của bà con dân tộc được chưng cất từ hạt ngô ủ men bằng lá rừng nên rất thơm và ngon nổi tiếng. Ngoài ra, chè Shan Tuyết cũng là hai đặc sản nổi tiếng
6. Chợ Thiều - Thanh Hóa
Chợ Thiều được tổ chức nhằm cầu may cho năm mới
Chợ Thiều được tổ chức vào dịp 26 tháng Chạp hằng năm, nhằm cầu may cho năm mới, được tổ chức tại làng Thiều Xá, xã Cầu Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Tương truyền, một nghĩa quân thời Lê do tướng Lê Phúc Đồng dẫn đầu đi dẹp loạn giặc ngoại xâm trên sông Mã, đoàn đến khúc sông bên chân núi Thiều thì thuyền mắc cạn. Vị tướng dẫn đầu ra lệnh cho quân nghỉ ăn cơm trưa. Khi lên bờ nghỉ chân, tướng quân Lê Phúc Đồng bắt gặp một miếu thờ nhỏ nằm ngay bên chân núi do những đứa trẻ mục đồng dựng lên. Sau khi thắp nhang, quay lại thì tướng quân vô cùng bất ngờ khi đoàn thuyền đã có thể xuôi dòng. Sau khi thắng giặc ngoại xâm, tướng quân Lê Phúc Đồng về lại làng Thiều cho dân làng ăn mừng chiến công. Từ đó đến nay, cứ đến ngày này, người dân mở hội, chợ để tưởng nhớ.
7. Chợ tình Gò Trường Úc – Bình Định
Chợ Gò Trường Úc họp một phiên duy nhất vào sáng mồng 1 Tết
Cách thành phố Quy Nhơn khoảng 8km, chợ được nhóm họp trên một khu đất ven chân núi Úc, cạnh sông Trường Úc (thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh). Chợ họp một phiên duy nhất vào sáng mồng Một Tết Nguyên đán hàng năm. Ðây là nơi trai gái từ mọi ngả đổ về để hẹn hò, tâm tình kết duyên. Họ chen lấn xô đẩy, vui đùa với nhau rồi rủ nhau lên núi tâm tình. Chợ này được hình thành đã hơn hai trăm năm có lẻ, từ khi quân Tây Sơn - Nguyễn Huệ đóng doanh trại nơi đây.
8. Chợ chiếu Định Yên – Đồng Tháp
Chợ chiếu Ðịnh Yên không họp ban ngày, chỉ họp vào ban đêm
Chợ chiếu nằm ở xã Ðịnh Yên, huyện Lấp Vò, Ðồng Tháp. Chợ không họp ban ngày, chỉ họp vào ban đêm. Càng về khuya chợ càng nhộn nhịp đông vui. Ở làng chiếu, ban ngày họ chủ yếu lo dệt, đến đêm thì họ mang hàng ra bày bán. Còn ở dưới bến thì ghe thuyền các nơi đến đậu san sát chờ lấy hàng. Điểm đặc biệt ở đây, người bán hàng chỉ thắp lên ngọn đèn dầu leo lét, còn người mua phải dùng đèn pin để chọn hàng. Đến Định Yên vào những đêm trăng sáng, bạn sẽ thấy được cảnh họp chợ ban đêm, mỗi người mang một đèn quây quần trước sân chùa An Phước.
9. Chợ âm phủ - Cần Thơ
Chợ âm phủ họp từ 0 giờ cho đến 3-4 giờ sáng
Chợ âm phủ họp ở khu nhà đèn Ba Ngọn (Bến tàu đò Ninh Kiều) và những con đường chung quanh khu vực. Chợ chuyên bán các loại nông sản như rau, đậu, củ quả từ miệt vườn Cần Thơ chở đến. Hàng đêm, chợ âm phủ nhóm từ 0 giờ cho đến 3-4 giờ sáng. Người mua kẻ bán dường như tôn trọng giấc ngủ của mọi người, nên dù giữa đêm khuya vắng lặng nhưng sự trao đổi, ngã giá bán mua đều sử dụng âm lượng rất nhỏ. Vào những ngày áp Tết, chợ càng họp đông vui cho đến đêm 29 tháng chạp mới mãn.