Làng Đông Ngạc (còn gọi là Kẻ Vẽ) thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (Hà Nội) được nhiều người biết đến bởi đây là vùng đất cổ, nổi danh có nhiều người đỗ đạt…
Đình làng Đông Ngạc. Ảnh: Teddy_2511
Làng Đông Ngạc hình thành từ bao giờ thì không ai biết, chỉ biết rằng từ lâu lắm rồi, Đông Ngạc được dân trong vùng tôn là “làng quan”. Thời phong kiến, làng Đông Ngạc đã có 25 tiến sĩ gánh vác trọng trách tại triều đình từ thượng thư, tướng quốc đến tri huyện, tri phủ… Trong đó, phải kể đến cụ Phan Phù Tiên hai lần đỗ tiến sĩ, là người mở đầu con đường khoa bảng ở làng Đông Ngạc và đã được công nhận là danh nhân Hà Nội.
Ngày nay, các thế hệ con, cháu làng Đông Ngạc vẫn gìn giữ, phát huy truyền thống cha, ông làm rạng rỡ con đường học vấn của quê hương. Theo thống kê của UBND xã Đông Ngạc, chỉ tính từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, đã có hơn 1.000 người Đông Ngạc tốt nghiệp đại học, trong đó gần 100 người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Nhiều người được phong hàm giáo sư và giữ các chức vụ cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Tượng Ông Phan Phụ Tiên, làng Đông Ngạc
Qua các thời kỳ, chính quyền địa phương, đặc biệt là các dòng họ trong làng đều quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Hương ước của làng dành riêng một mục cho khuyến học, các dòng họ cũng đều có quỹ khuyến học riêng. Hằng năm, vào dịp tổng kết năm học, làng tổ chức trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi từ bậc tiểu học đến đại học. Với các dòng họ, ngày giỗ họ hằng năm là dịp để con cháu báo công lên ông cha và họ tộc trao thưởng, ghi nhận thành tích học tập của con cháu. Ông Đỗ Quốc Hiến, trưởng họ Đỗ chia sẻ, dù phần thưởng không lớn nhưng đã khích lệ tinh thần, động viên con cháu vươn lên học tập.
Đình làng Đông Ngạc. Ảnh Teddy_2511
Trong khi ở nhiều vùng ven đô khác, người dân chia năm, xẻ bảy đất đai ra bán thì ở Đông Ngạc - vùng “đất vàng” nằm ngay chân cầu Thăng Long hầu như gia đình nào cũng có cả trăm mét vuông đến hơn 1.000m2 đất ở. Cũng chính vì thế mà đất này không nhiều nhà cao tầng như các làng khác trong xã. Đông Ngạc vẫn còn những ngôi nhà gỗ cổ kính, những con đường lát gạch nghiêng - dấu tích của lịch sử, những cổng làng, ao làng êm đềm…
Nhiều hộ dân vẫn giữ nếp nhà truyền thống với khuôn viên cây xanh. Nhà thờ Đỗ Thế Giai, là nhà thờ họ lớn nhất làng, nơi đây hiện còn giữ được nhiều di vật có giá trị. Bên cạnh nhà thờ họ Đỗ, còn hàng loạt các nhà thờ họ khác nữa, như các họ Phạm, Phan, Nguyễn, Hoàng. Theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Phú, làng Đông Ngạc hiện có gần 100 ngôi nhà gỗ cổ trên 100 năm, nhiều ngôi nhà được đục chạm công phu thể hiện nét tài hoa của các nghệ nhân xưa. Và trong làng còn đó ngôi đình cổ kính mang tên Đình Vẽ, di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia.
Ngoài ra, Đông Ngạc còn có chùa Tư Khánh có niên đại hàng trăm năm nay. Hiện chùa lưu giữ một quả chuông đúc năm Diên Hựu thứ 2 (tức năm 1315), cùng quần thể kiến trúc cổ kính...