Nhiều người sẽ kinh ngạc khi biết một buôn làng của người Gia Rai có tục tổ chức ăn Tết hàng mấy tháng trời bên cạnh nhà mồ, nơi những người đã mất được yên nghỉ. Nhưng đó cũng là một phong tục sâu nặng nghĩa tình mà không phải nơi nào cũng có.
Hương xuân khác lạ ở xứ cà phê
Vào những ngày đầu năm mới, khi hoa dã quỳ nở vàng ươm trên các con đồi là lúc vẻ đẹp của vùng đất Tây Nguyên rực rỡ nhất. Không khí hanh hanh quyện vào cái xiên xiết lạnh, làm cho ngày Tết ở các làng bản mang sắc thái riêng biệt khác hẳn với vùng đồng bằng.
Một trong những nhà mộ của người Gia Rai
Như lời hứa, Quân vui vẻ hướng dẫn tôi tìm hiểu phong tục đón Tết của dân tộc Gia Rai. Từ Pleiku, chúng tôi men theo con đường nhựa nhưng đầy bụi đỏ, đi được chừng nửa tiếng thì đến làng Bàu Cặn, một làng của người dân tộc Gia Rai. Theo thời gian, người Kinh và người dân tộc thiểu số đã có những bước giao thoa văn hóa nên xu hướng quần cư không còn bền vững mà thay vào đó là cấu trúc xen cư. Làng Bàu Cặn đã có những phác họa sơ sài của lối sống người Kinh. Theo chân Quân, tôi đến gặp già làng A Zến đúng lúc ông đang thổi lửa đun nước.
Chủ nhà vừa rít thuốc vừa cười xuề xòa rồi bắt đầu kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện lạ của đồng bào ở đây. Mỗi độ năm mới, các tộc người Tây Nguyên nói chung và người Gia Rai nói riêng không ăn Tết như người Kinh. Người Gia Rai sống dựa vào nương rẫy nên lễ Tết cũng phải phụ thuộc vào vòng quay của mùa. Sau mỗi độ thu hoạch, cỡ tháng 2 và tháng 3 dương lịch, thường sau Tết Nguyên đán của người Kinh một tháng, người Gia Rai bước vào những ngày hội hè. Đây là thời khắc cao điểm của mùa khô, khí lạnh tràn về khắp các buôn làng, dã quỳ tung sắc khoe màu và cũng là lúc người Gia Rai tưng bừng mùa hội đón Tết hay còn gọi là Ning nơng. Cồng chiêng treo cả năm được lấy xuống, váy áo được dệt mới, những ché rượu cần được chuẩn bị men thật thơm, thật ngọt. Vậy là xong xuôi các bước chuẩn bị, chỉ còn đợi đến ngày cồng chiêng nô nức.
Người Gia Rai đặc biệt rất coi trọng những người đã khuất, vì thế khi những người thân trong gia đình họ tộc mất đi, họ thường làm những ngôi nhà mồ rất cầu kỳ để thờ cúng. Trước đây, người trong làng chết đi sẽ chôn chung trong một nhà mồ nhưng sau này mỗi gia đình xây dựng riêng thành từng cụm mồ. Nhà mồ hiện tại được xây trùm lên các cụm mồ, theo thời gian, nhà mồ của người Gia Rai có nhiều thay đổi nhưng những nhà mồ cổ xưa vẫn còn thể hiện rõ nét kiến trúc xây dựng độc đáo.
Theo chân cụ Zến đến khu nhà mồ của làng Bàu Cặn ở cách đó 500m, tôi thấy những ngôi mộ được xây dựng thành từng hàng. Quan sát một nhà mồ, tôi thấy rất nhiều hoa văn trang trí hết sức công phu trên mái, chủ yếu sử dụng 3 màu: đen, đỏ và trắng. Nhà mồ được dựng theo hình thang cân, có hai cửa nhỏ mở về hướng Đông. Nhìn vào từng đường nét được khắc tỉ mỉ trên nhà mồ, sẽ thấy được sự quan tâm và sùng kính của người sống đối với người đã mất của dân tộc Gia Rai.
Kỳ lạ tục ăn tết bên cạnh người chết
Chú ý kỹ, tôi thấy một căn nhà bằng gỗ chỉ có mái không vách nằm kế bên khu nhà mộ. Hỏi cụ Zến mới biết đây được gọi là nhà uống rượu, là nơi để các trượng lão, thanh niên trai tráng trong làng tề tựu uống rượu cần, ăn thịt cơm nóng. Chỉ vào khoảng đất cách đó 5m, ông bảo đây là nơi mọi người tập trung mổ thịt nấu nướng và đốt lửa. Tết là lễ hội lớn trong năm nên việc người Gia Rai tổ chức ngày hội đón năm mới quanh nhà mồ là lẽ đương nhiên.
Tới đầu tháng 2 dương lịch, các buôn làng sẽ bắt đầu đi cúng mả, cúng mộ. Một làng tổ chức sẽ mời các làng khác đến chung vui một ngày một đêm, sau đó thay phiên làng khác, xoay vòng cho đến hết mới thôi.
Mùa thu hoạch rẫy vừa kết thúc, mùa hội đón Tết hay còn gọi là lễ cúng mồ sẽ bắt đầu. Làng Bàu Cặn của cụ Zến sẽ tiến hành mời khách ở các làng khác. Mọi người trong làng tụ tập đến khu nhà mộ bắt đầu khua chiêng báo hiệu ngày lễ hội bắt đầu. Người trong làng nhà nào có trâu thì góp trâu, có bò thì góp bò. Nói chung nhà nào có gì thì góp cái đó, nhà nghèo quá không có gì để góp thì cũng không sao.
Mọi người trong làng quây quần nấu nướng đến tối thì khách các làng khác kéo đến chung vui đón Tết với làng. Lửa hội được đốt lên tại một khu đất trống giữa khu mồ, già làng và các bô lão có chức vị trong làng sẽ chủ trì và thực hiện nghi thức cúng mồ. Họ thay mặt các con trong làng cầu chúc một năm mới an lành và mùa màng bội thu trong năm tới, con cháu đầy đàn và cuộc sống yên ổn suốt năm.
Xong phần nghi lễ, già làng mời khách đến ăn cơm và uống rượu ở nhà uống rượu. Mấy nồi cơm to, mỗi nồi phải hai người khiêng mới xuể được nấu chín đều tăm tắp không một hạt sống. Tất cả mọi người quây quần thành vòng tròn thưởng thức nồi cơm còn nóng hôi hổi, vừa ăn vừa nhấm nháp rượu cần cho say say, thêm một chút lâng lâng khoan khoái.
Không chờ đợi thêm được nữa, khi ánh lửa bập bùng một góc trời và cái nóng tỏa lên từ trong người thì tất cả ùa ra nhảy múa, đánh cồng chiêng vang rền, những vũ điệu xoang say đắm bắt đầu. Các chàng trai cô gái đeo mặt nạ đủ mọi hình thù, mặc quần áo rực rỡ đủ mọi màu sắc nhún nhảy theo từng điệu nhạc mang đậm bản sắc núi rừng.
Mỗi lễ hội của người Tây Nguyên không thể thiếu tiếng cồng chiêng, như một truyền thống đã ngấm vào máu của từng đứa trẻ được sinh ra, như con suối đem nước về cho buôn bản. Theo già làng Zến, mỗi một dân tộc lại có cách đánh cồng chiêng khác nhau. Một bộ cồng chiêng tổng cộng có 14 cái thì người Ba Na sẽ có 14 người đánh chiêng, riêng dân tộc Gia Rai chỉ có 2 người khiêng, 4 người đánh chiêng, dân tộc ê đê chỉ dùng một cái chiêng thật to để đánh tại chỗ. Do cách đánh khác nhau nên nhạc điệu của mỗi dân tộc cũng khác nhau. Tuy nhiên, nó có điểm chung, khi tiếng cồng chiêng vang lên cũng là lúc các cô gái má đỏ hây hây vòng tay nhịp chân uyển chuyển, những chàng trai thể hiện sức trẻ tuổi xuân rừng rực sức sống.
Nhà uống rượu đặt bên cạnh nhà mồ, nơi mọi người trong làng tụ tập uống rượu, ăn cơm vào mỗi dịp Tết
Hát múa vui chơi cả đêm, đến 3-4h sáng cả làng mới dừng lại bắt đầu giết thịt trâu, bò. Các trai làng dùng dao nhọn hò nhau lấy thịt găm vào từng từng thanh tre nứa. Những miếng thịt sau đó sẽ được phân phát cho khách của làng khác như một món quà đem về. Phần thịt còn lại được đem đi nấu chín để chuẩn bị cho lễ hội sáng hôm sau. Sau đó, mọi người lại tiếp tục đánh cồng chiêng và ca múa đến trưa mới bắt đầu tụ tập thưởng thức thịt trâu, bò. Sau khi ăn xong, cả làng lại tiếp tục nhảy múa và chơi cồng chiêng đến tận chiều tối thì lễ hội cúng mồ đón Tết mới kết thúc.
Hết làng Bàu Cặn tới làng khác tổ chức, xoay vòng cho đến hết tháng 3, người Gia Rai mới gác chiêng trở về với cuộc sống thường nhật và chờ đợi mùa Tết năm sau. Lễ hội cúng mã đón Tết bên cạnh người chết đã là truyền thống lâu đời bao nhiêu năm nay của người dân tộc Gia Rai. Dù cuộc sống đang dần thay đổi và phát triển, nhưng phong tục ăn Tết khác biệt này luôn được người dân bản làng Gia Rai gìn giữ như chính lối sống tôn trọng người đã mất của họ.