Tết Nguyên đán là mùa lễ hội quan trọng nhất trong năm đối với người dân VN. Không chỉ là dịp đoàn tụ, sum họp, đây cũng là dịp để các gia đình, nhóm bạn tổ chức “hội hè”. Tham khảo những kinh nghiệm lễ hội sau:
>Những điều kiêng kị khi đi vào bản Sapa
>Du lịch gia đình: Những kinh nghiệm quan trọng
Hội làng Chử Đồng Tử, huyện Khoái Châu, Hưng Yên vào ngày 10 đến 12 tháng hai âm lịch - Ảnh: Việt Cường
“Tháng giêng là tháng ăn chơi”, ngoài các điểm đến, có hàng ngàn lễ hội dân gian truyền thống từ cấp làng xã đến cấp huyện tỉnh, mà thời điểm tổ chức tập trung trong tháng giêng.
Tết ở phố
Nếu không tranh thủ kỳ nghỉ dài để thực hiện một chuyến du lịch đón tết cùng gia đình, người dân các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng sẽ thấy thú vị với những ngày đường phố trở nên vắng vẻ khi người dân các tỉnh rời phố về quê ăn tết. Thế hệ ông bà sẽ muốn đi bộ đến ngôi chùa gần nhà để cầu phúc. Với mong muốn được tổ tiên độ trì, phù hộ trong cuộc sống, đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động được nhiều người lựa chọn.
Không có điều kiện đi xa, cha mẹ, con cái cũng có thể thưởng lãm tết ở phố với các “đặc sản” mà chính quyền các thành phố đã đầu tư đón xuân như đường hoa Nguyễn Huệ - “Trái tim VN” (TP.HCM), không gian tết xưa trong công viên 29-3 và con đường “Trăm hoa khoe sắc” trên bờ tây sông Hàn tại Đà Nẵng, hội tết cổ truyền Quý Tỵ ở Hội An... Hay đơn giản chỉ là đi Văn Miếu (Hà Nội) xin chữ đầu năm, dạo quanh hồ Gươm, xem pháo hoa, trình diễn ánh sáng...
Điểm nhấn lễ hội
Trong tháng giêng, nhân dân đồng bằng Bắc bộ đón Tết Nguyên đán với một chuỗi lễ hội mà “danh tiếng” đã vượt lũy tre làng như hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), hội Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) diễn ra cả tháng, hội Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) từ 12-13 tháng giêng, hội Xoan (Tam Nông, Phú Thọ), hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), hội Gióng (Hà Nội) mồng 6 tết, chợ Viềng (Nam Định) đêm mồng 8, hội đền Trần (Nam Định) đêm 14 tháng giêng.
Phần lớn du khách đi lễ với mục đích dâng lễ cầu an, xin tài lộc. Tại nhiều lễ hội, phần “lễ” đã trở nên áp đảo so với phần “hội”, trong khi nguyên bản ban đầu, các lễ hội luôn ghi nhận sâu sắc nhu cầu được du xuân của người dân. Ví dụ lễ hội chùa Hương, Yên Tử là để người dân đi vãn cảnh sông núi vào xuân, lên núi cao ngắm chùa chiền thanh tịnh, hay lễ hội Lim, hội Xoan là cái cớ để trai gái các làng dập dìu hát giao duyên. Lễ hội Gióng là dịp “xem lại” vẻ đẹp hào hùng và can trường của vị thần đã bảo vệ đất nước.
Sự gia tăng đột biến về khối lượng người tham gia lễ hội đã làm thay đổi vẻ đẹp cốt lõi của các chương trình hội làng, tuy nhiên đây vẫn là một hình thức du xuân được ưa thích hàng đầu của người dân.
Trẻ em người Mông chơi ném còn ở bản Huổi Ái, xã Mường Ế, huyện Thuận Châu (Sơn La) - Ảnh: Thủy Trần
Đầu xuân “đi chơi núi”
“Đi chơi núi” là nghĩa đen của nhiều cách gọi về các hoạt động du xuân của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi phía Bắc. Nếu người Mông ở Mường Khương (Sa Pa, Lào Cai) đợi tết để chơi hội Gầu Tào thì người Mông ở Simacai (Lào Cai) sẽ đi chơi hội say sán, người Tày, Nùng vui hội lồng tồng (xuống đồng), người Giáy với lễ hội mừng năm mới, người Pà Thẻn với phong tục “nhảy lửa” độc đáo và ấn tượng...
Dù mỗi dân tộc có một lễ hội đón năm mới với tên gọi và nghi thức khác nhau, nhưng bản chất đều là các lễ hội đón xuân mới, cầu phúc cho gia đình và bản làng một năm sung túc và no đủ, nhà nhà vui vầy, hạnh phúc. Đây là dịp để nhiều nhóm bạn trẻ rong ruổi qua các tỉnh Bắc bộ như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng mong tìm gặp những lễ hội dân gian truyền thống của riêng từng dân tộc, với những sắc màu khác biệt mà chỉ có du xuân mới có cơ hội “chạm vào”.
Bạn còn chần chừ gì mà chưa lên đường với biết bao lễ hội mùa xuân?