Nếu bạn thích tìm hiểu về kiến trúc đền chùa Nhật Bản nhưng không có điều kiện đi xa, thì bạn vẫn có thể tìm đến những ngôi chùa kiến trúc Nhật Bản ở Việt Nam này để chiêm ngưỡng.
Tu viện Khánh An là một trong những ngôi chùa kiến trúc Nhật Bản ở Việt Nam và được ưu ái đặc cho biệt danh là “tiểu Tokyo” thu nhỏ. Tu viện tọa lạc tại phường An Phú Đông, quận 12, TP.HCM này là một công trình Phật giáo theo trường phái Bắc Tông với các tòa kiến trúc mang đậm dấu ấn Nhật Bản.
Tu viện ban đầu là ngôi chùa nhỏ do Tổ sư Trí Hiền xây dựng năm 1905 và từng là nơi tập hợp nhiều chiến sĩ yêu nước tham gia chống Pháp nên nhiều lần bị thực dân Pháp đốt phá. Đến năm 2006, chùa được trùng tu lớn, gần như xây dựng mới và hoàn thiện như hiện tại vào năm 2016, đổi tên thành tu viện Khánh An.
Đến với tu viện, bạn sẽ bị choáng ngợp với ba tông màu chủ đạo: màu nâu của gỗ, màu trắng của vôi và màu vàng của hoa văn trang trí. Xen kẽ đó là những mái ngói đượm màu nâu trầm, những cột đèn lục giác, những chiếc chuông gió treo khắp nơi trong không gian cỏ cây hoa lá yên tĩnh… Tất cả sẽ đem đến cho bạn cảm giác như đang lạc bước ở xứ sở phù tang vậy.
An Giang không chỉ gây thương nhớ bởi vẻ đẹp của những đồng ruộng mênh mang mùa nước nổi hay cánh rừng Tràm Trà Sư xanh ngắt mà nơi đây còn sở hữu những công trình tâm linh độc đáo, trong số đó phải kể đến ngôi chùa Lầu An Giang.
Chùa Lầu hay có tên gọi khác là Phước Lâm Tự, tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang. Ngôi chùa đặc biệt này không chỉ có không gian thanh tịnh mà còn hấp dẫn du khách gần xa bởi nó là ngôi chùa kiến trúc Nhật Bản ở Việt Nam rất độc đáo.
Sở dĩ được đặt tên là Chùa Lầu bởi vì chùa được xây dựng theo kiến trúc các tầng lầu xếp chồng lên nhau. Nhưng điểm gây ấn tượng đầu tiên của chùa Lầu An Giang với du khách chính là màu đỏ nổi bật mà bạn khó có thể tìm thấy ở địa điểm du lịch miền Tây khác. Khi nhìn từ phía xa, bạn đã được chiêm ngưỡng ngôi chùa cực kỳ nổi bật trên nền trời xanh với màu đỏ rực rỡ cùng với mái ngói cong vút.
Vậy nên, lạc bước chùa Lầu là lạc trong tiểu vương quốc xứ phù tang, và mỗi góc nhỏ của nơi chốn ấy đều trở thành bức phông nền tuyệt đẹp. Từ lối đi lên cầu thang, những bức tường thu hút hay thành lan can ngập tràn sắc đỏ đến những vườn hoa rực rỡ xung quanh,... chắc chắn sẽ không bao giờ khiến các tín đồ sống ảo thất vọng.
Một ngôi chùa kiến trúc Nhật Bản ở Việt Nam nữa chính là chùa Minh Thành ở thành phố Pleiku, Gia Lai. Với một kiến trúc vô cùng độc đáo cùng việc lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa dân tộc, chùa Minh Thành không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi, mà còn là một điểm du lịch tâm linh đặc sắc không thể bỏ qua khi du lịch Gia Lai.
Chùa được xây dựng bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo vào năm 1964 và đã bao lần được tôn tạo lại bởi ảnh hưởng của những thăng trầm của lịch sử. Đến nay, chùa Minh Thành đã khoác lên mình một diện mạo mới vô cùng đặc sắc, được kết hợp hài hòa giữa giữa kiến trúc của thời Lý, Trần và kiến trúc của Nhật Bản.
Ấn tượng đầu tiên khi bạn đến chùa chính là một bảo tháp xá lợi cao 9 tầng đứng sừng sững uy nghiêm in dấu lên bầu trời xanh. Bảo tháp được sơn son thiếp vàng, cùng đặc trưng mái cong rõ nét nên trông vô cùng nổi bật, bắt mắt, và đây chính là một trong những công trình kiến trúc cao nhất của thành phố Pleiku.
Khuôn viên chùa rất rộng, bao quanh là một màu xanh mát của muôn loài cây cối, kết hợp với tượng đá, vật liệu gỗ chạm khắc tinh xảo. Tất cả mang đến một vẻ đẹp vừa thanh tịnh, lại vừa uy nghi tráng lệ cho quần thể chùa Minh Thành mà hiếm nơi nào sánh được.
Khi nhắc đến du lịch Đắk Lắk, hầu hết mọi người thường hay nghĩ đến những đồi cà phê, đồi chè, cao su bạt ngàn, hay những con thác hùng vĩ nhưng nơi đây còn có những điểm đến tâm linh mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử, trong đó có ngôi chùa Sắc Tứ Khải Đoan.
Ngồi chùa này nằm ở đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột. Đây không chỉ là ngôi chùa cổ lớn nhất tại Đắk Lắk mà còn là ngôi chùa cuối cùng ở Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH TÂY NGUYÊN KHUYẾN MÃI
>> Vinh - Đà Lạt - Buôn Mê Thuột - Pleiku 5N5Đ từ 6.790.000đ >> Hà Nội - Đà Lạt - Buôn Mê Thuột - Pleiku 5N4Đ Tây Nguyên Hùng Vĩ + Vé Máy Bay từ 6.490.000đ |
Sở dĩ chùa có tên gọi như vậy là do được ghép từ tên của vua Khải Định và hoàng thái hậu Đoan Huy. Ngoài ra, chùa còn có tên gọi khác là Sắc tứ Khải Đoan tự, chùa Lớn hay chùa Tỉnh Hội.
Đây là một ngôi chùa có kiến trúc rất độc đáo, tạo nên một nét thu hút riêng. Bởi chùa được kết hợp từ những nét kiến trúc triều Nguyễn và cung đình Huế cùng với nét đặc sắc trong thiết kế nhà rông của người bản địa, xen lẫn chút nét kiến trúc đền chùa của xứ phù tang Nhật Bản với tông màu nâu vàng chủ đạo tạo nên sự cổ kính, nền nã mà vô cùng ấn tượng.
Với người dân phố Hội, chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng không thể thiếu của phố cổ Hội An bao thế kỷ qua. Chùa Cầu Hội An có kiến trúc độc đáo với 2 phần kiến trúc tưởng chừng không liên quan đến nhau là cầu và chùa. Nhưng lại được kết hợp lại với nhau một cách tinh tế, hoàn hảo.
Toàn bộ chùa và cầu đều làm bằng gỗ, được sơn son và trạm trổ nhiều họa tiết tinh xảo trong kiến trúc Việt - điển hình là rồng, đồng thời điểm xuyết đôi chút phong cách Nhật Bản. Chiếc cầu làm bằng gỗ trên những trụ cầu bằng gạch đá, dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn.
Còn chùa là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt được xây dựng trên cây cầu. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều.
Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ của Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người. Vậy nên đây luôn là một trong những điểm du lịch Hội An mà bạn không nên bỏ lỡ.
So với Thiền viện Trúc Lâm hay một số ngôi chùa nổi tiếng ở Đà Lạt thì Linh Quy Pháp Ẩn vẫn ít được du khách biết đến hơn. Bởi đường đi đến đây còn là lối nhỏ, khá hẹp, đi lại khá khó khăn. Nhưng cũng vì thế mà viếng thăm ngôi chùa kiến trúc Nhật Bản ở Việt Nam này như một món quà rất ý nghĩa cho những ai thực tâm muốn đến khám phá.
Ấn tượng đầu tiên với chùa Linh Quy Pháp Ấn đó chính là cánh cổng Thần Đạo, nơi mà nhiều người vẫn thường gọi “Cổng trời”. Cánh cổng này được xây dựng giữa một khoảng sân rất rộng và chạm khắc rất tinh xảo, nổi bật giữa khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tạo cảm giác lung linh mà huyền bí.
Có hai khoảnh khắc tuyệt diệu mà du khách không nên bỏ qua khi đến chùa Linh Quy Pháp Ấn là khung cảnh bình minh và hoàng hôn. Những sáng tinh mơ, những lớp sương mờ giăng khắp núi đồi trùng điệp, những ngọn núi trở nên mờ ảo như thực như hư.
Rồi những buổi chiều về, những ánh nắng cuối ngày cùng những áng mây chiều trở nên ưu tư, trầm mặc. Những khung cảnh ấy làm cho những ai ngắm nhìn cũng cảm giác như xua tan đi được bao nhiêu muộn phiền của cuộc sống thường nhật vậy.
Cảm giác ngồi trên thềm đá, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng gõ mõ tụng kinh, mùi hương trầm thoang thoảng trong gió, rồi ngắm nhìn trời xanh, cây cỏ, bạn sẽ tìm lại được sự bình yên trong lòng, bao nhiêu mệt mỏi, căng thẳng như chợt tan biến. Vậy nên, nếu có dịp du lịch đến những vùng đất này đừng quên ghé thăm những ngôi chùa kiến trúc Nhật Bản ở Việt Nam độc đáo ấy nhé.
Xem thêm: Điểm danh 5 vùng biển được mệnh danh 'Maldives của Việt Nam' |
Minh Nguyên
Theo Báo Thể Thao Việt Nam