>> Xem thêm: Trọn bộ kinh nghiệm du lịch Việt Nam
Bùi Tân Việt sinh ra và lớn lên bên thành phố biển Hạ Long xinh đẹp. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, cô gái sinh năm 1981 này trở về Hạ Long làm giáo viên dạy mỹ thuật. Vốn có tâm hồn nghệ sỹ, sau lần đi xem triển lãm ảnh “Thuyền và biển” của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đỗ Kha, người từng được trao Kỷ lục “Người chụp ảnh Vịnh Hạ Long đen trắng cổ nhiều nhất Việt Nam”, cô đã bị mê hoặc bởi sự kỳ diệu của nghệ thuật nhiếp ảnh.
Từ đây, Bùi Tân Việt quyết định lấn sân vào lĩnh vực này bằng việc đầu tư máy ảnh, chịu khó tìm tòi học hỏi qua sách vở và từ các thế hệ nghệ sỹ đàn anh đi trước. Càng học hỏi, càng thêm yêu thích, nên ngoài công việc chuyên môn nvà sáng tác tranh, cô dành thời gian nhiều hơn cho sáng tác ảnh. Đặc biệt, sống tại một địa phương vốn nổi tiếng cả nước về sự sôi nổi các hoạt động văn học – nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh như tỉnh Quảng Ninh, Việt như được tiếp thêm sức mạnh, nhiệt huyết để theo đuổi đam mê.
Bùi Tân Việt thường xuyên được mời đi sáng tác tại các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành phố và được trao đổi, trò truyện về nghề với các tay máy lão thành. Từng đi nhiều nơi, dừng chân ở nhiêu địa điểm có phong cảnh đẹp, nhưng với Bùi Tân Việt, chụp ảnh vịnh Hạ Long vẫn mang đến cho mình nhiều cảm xúc nhất. “Vì Hạ Long là thắng cảnh của quê hương nên khi chụp vịnh Hạ Long ngoài niềm tự hào, tôi còn có thêm tình yêu nữa. Tôi đã chụp vịnh Hạ Long ở mọi khoảnh khắc thời gian, nhưng quả thực, Kỳ quan thiên, nhiên thế giới này vẫn ẩn dấu vô vàn bí mật mà bất cứ khoảnh khắc nào bấm máy cũng có thể có được những bất ngờ thú vị”, Việt chia sẻ.
>> Xem thêm: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan: 'Tôi muốn ghi lại hơi thở của núi, của rừng Đông Bắc'
>> Xem thêm:Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bạch Ngọc Tư: Tôi muốn dẫn dắt người xem vào thế giới vi diệu của thiên nhiên
Khi hỏi về những khó khăn của một người phụ nữ theo đuổi bộ môn nhiếp ảnh, Bùi Tân Việt cho rằng, việc khó khăn nhất chính là phải sắp xếp được thời gian và sức khỏe để có những chuyến thực tế sáng tác dài ngày, hoặc để kỳ công “săn” được những khoảnh khắc như ý. Tuy nhiên, khi xem ảnh của tác giả nữ, người xem sẽ cảm nhận thật rõ sự gần gũi, chân thực đối với nhân vật mà tác giả muốn thể hiện và đó chính là một lợi thế.
Quả thực, khi ngắm các bức ảnh của Bùi Tân Việt, dù ở mảng đề tài nào, kể cả chụp ảnh vịnh Hạ Long – mảng đề tài quen thuộc của các tác giả Quảng Ninh, cô luôn đem đến một cái nhìn thật gần gũi, ấm áp. Không “săn” tìm những góc máy hiểm hóc, không cầu kỳ trong sắp xếp bố cục, với cái nhìn tinh tế, giàu cảm xúc và bằng trực cảm của một người phụ nữ, Việt mang đến những khoảnh khắc sống động của hiện thực, để cuộc sống tự kể câu chuyện của mình. Nhờ đó, sau hơn 15 năm cầm máy, gia tài của nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Tân Việt ngoài sự tăng lên về số lượng tác phẩm, còn tăng lên về số lượng tác phẩm được trưng treo và các giải thưởng.
Có thể kể đến hàng loạt các tác phẩm như “Về tổ”, “Vũ khúc đêm hội”, “Biển sớm”, “Đêm hội du lịch Hạ Long”, được trưng bày tại triển lãm ảnh nghệ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng các năm 2010, 2015, 2016… Hay “Hạ Long biển sớm” được trưng bày tại triển lãm cuộc thi ảnh nghệ thuật “Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới” năm 2014; “Bóng đá vùng cao” được triển lãm “Liên hoan Ảnh nghệ thuật truyền thống Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019. Về giải thưởng, Bùi Tân Việt đã được nhận Giải thưởng của Liên hiệp VHNT Việt Nam, của Ban Tuyên giáo Trung Ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và 2 lần đạt Giải thưởng Văn nghệ Hạ Long, giải thưởng uy tín của tỉnh Quảng Ninh…
Trên hành trình đi cùng ảnh nghệ thuật, nữ nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Tân Việt đang miệt mài khẳng định ngôn ngữ của riêng mình. Thứ ngôn ngữ không ồn ào, mà nhẹ nhàng, sâu lắng và đầy sức biểu cảm.
Mời quý độc giả Du lịch Việt Nam khám phá thêm những khoảnh khắc lung linh của vịnh Hạ Long qua khuôn hình của cô:
>> Xem thêm:Chiêm ngưỡng vùng cao phía Bắc đẹp như mơ qua góc nhìn của chàng trai 8X Phạm Xuân Quý
Ảnh: NVCC
Nga Nguyễn
Theo Báo Thể thao Việt Nam