Mặc dù, thời gian gần đây các đơn vị lữ hành đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng tour nhưng thực tế nhiều du khách vẫn phải đối mặt với những chuyến du lịch… “hành xác”. Một trong những lý do là đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) còn yếu và thiếu…
Hướng dẫn khách quốc tế tham quan Sapa
Chất lượng khấp khểnh
Có rất nhiều lý do khiến tour bị “vỡ”, song lý do quan trọng nằm ở chính HDV du lịch. Một HDV chuyên nghiệp cần biết giải quyết vấn đề của du khách một cách linh hoạt bởi họ là người duy nhất có thể kết nối trực tiếp với đơn vị tổ chức và công ty lữ hành khi có những rắc rối xảy ra. Tuy nhiên, rất ít HDV du lịch làm được điều này, phần nhiều họ nhận và hướng dẫn khách một cách máy móc, lịch trình được giao thế nào thì làm y như vậy. Ngay cả khi xảy ra sự cố họ cũng đổ lỗi cho người lên lịch trình và không có bất cứ trách nhiệm gì khi du khách không hài lòng hoặc gặp những bất trắc ngoài dự tính.
Nhiều du khách phản ánh, mang tiếng là có HDV đi cùng nhưng hỏi cái gì họ cũng trả lời qua loa, đại khái. Thậm chí, khi khách hỏi về địa chỉ quán ăn, nhà hàng nào ngon tại điểm đến để khám phá thì HDV lại “mù tịt”. Qua mạng internet, chị Stephanie, du khách người Mỹ đã liên hệ với một công ty lữ hành để đăng ký tour khám phá Hà Nội và được họ bố trí riêng 1 HDV du lịch. Ngày đầu tiên, sau khi được HDV giới thiệu các con phố cổ đặc trưng của Thủ đô, chị Stephanie vô cùng háo hức. Đến giờ ăn trưa, chị đề nghị HDV tìm cho mình một nhà hàng Việt.
Lòng vòng qua nhiều con phố, bụng đói cồn cào mà chưa tìm được nhà hàng nào, hỏi ra chị Stephanie mới biết mình là du khách đầu tiên của HDV này. Hơn nữa, do bản thân không phải là người địa phương nên HDV “lơ ngơ” chẳng kém gì du khách. Chị Stephanie cười hóm hỉnh: “Cuối cùng vợ chồng tôi lại là HDV cho chính mình khi tự mò mẫm tìm kiếm danh sách những quán ăn, nhà hàng Việt qua mạng internet. Nếu chúng tôi có một HDV chuyên nghiệp thì có lẽ chuyến đi sẽ thú vị hơn nhiều…”.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực quản lý đội ngũ HDV, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc công ty lữ hành Du lịch Global, ở quận Tây Hồ cho biết, thực trạng hướng dẫn viên không đáp ứng được yêu cầu của du khách vẫn là bài toán chưa có lời giải của ngành du lịch nói chung và các công ty lữ hành nói riêng. Bởi nhiều HDV “được” ngoại ngữ, thì lại “trống” hoàn toàn về nghiệp vụ. Đó là chưa kể, không ít HDV còn không có bằng cấp, không có thẻ hành nghề, không khác gì hành nghề “chui”. Và dễ dàng nhận thấy, đội ngũ HDV du lịch đang “vênh” giữa cung và cầu.
Nghề không dễ dàng
Theo đánh giá của những người trong ngành du lịch, tuy nghề HDV có mức thu nhập không đến nỗi nào nhưng cũng đầy bất trắc. Với HDV là nữ giới khi theo nghề này, ngoài hạn chế về mặt sức khỏe, họ còn bị du khách lợi dụng, gạ tình, thậm chí chuyện quấy rối còn xảy ra với cả cánh “mày râu”. Gắn bó với nghề hơn 5 năm, anh Nguyễn Văn Lợi, một HDV chia sẻ, nhiều lần dẫn đoàn khách nước ngoài, anh đã nhận được lời gạ tình của những gã trai “8 vía”. Nhiều khi thấy những vị khách tự nhiên sờ soạng, vuốt ve… mặc dù sợ hãi, nhưng anh Lợi vẫn phải từ chối một cách lịch sự, bởi nếu không khéo léo, sẽ nhận được phản hồi về công ty, khi đó chắc chắn sẽ bị kỷ luật, thậm chí không cho dẫn tour trong thời gian dài.
Việc bị du khách, kể cả trong nước lẫn nước ngoài dùng những lời thô tục chửi bới HDV không phải là không hiếm gặp. Tuy nhiên, với những HDV có trình độ thì một trong những nguyên tắc để họ sống được với nghề là khách hàng luôn luôn đúng, nên dù phải nhận nhiều lời xúc phạm từ khách, họ vẫn phải cố nín nhịn, tìm cách giải thích. Chưa kể, thức khuya, dậy sớm đi đón, đưa khách, khiến họ ít có thời gian cho bản thân, gia đình.
Tiến sĩ Trần Minh Anh - người có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nhân lực ngành du lịch cho rằng, để làm được nghề HDV du lịch, trước hết phải có thẻ hành nghề. Ngoài ra, HDV cần phải yêu thích và xác định được những khó khăn mà nghề đòi hỏi như đi nhiều, sức khỏe tốt, có một nền tảng văn hóa, kiến thức, ngoại ngữ tốt, có bản lĩnh nghề nghiệp để sẵn sàng đối phó với các tình huống phát sinh trong suốt thời gian dẫn tour. Tuy vậy hiện nay, đa phần hướng dẫn viên du lịch đều chung quan điểm, chỉ làm nghề này một thời gian, sau khi tích cóp được ít vốn sẽ chuyển nghề hoặc chuyển vị trí khác.
Nhất là với HDV nữ, công việc còn khó khăn, vất vả hơn nhiều, “tuổi thọ” của nghề có khi chỉ vài ba năm. Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), trong 5 năm tới nghề HDV du lịch sẽ khan hiếm nhân lực do học sinh, sinh viên theo học ngành này ít, trong khi bởi những đòi hỏi khắt khe về nghề nên không phải ai cũng đáp ứng được.
Xem thêm:
Du lịch trong nước