Warning: count(): Parameter must be an array or an object that implements Countable in /home/luhanhviet/domains/dulichvietnam.com.vn/public_html/modules/news/includes/class-widget.php on line 0
Hội Gióng - Niềm tự hào dân tộc!
Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương

Hội Gióng - Niềm tự hào dân tộc!

Thứ tư, 07/11/2012, 11:37 GMT+7

Hội Gióng là lễ hội lớn và đặc sắc tưởng nhớ Thánh Gióng, một trong những vị Thánh “bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Hội Gióng cũng là lễ hội độc đáo, đặc sắc nhất của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ đã tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử.

test

hoi giong

 

Hiện nay, đồng bằng Bắc bộ có rất nhiều nơi thờ phụng Đức Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng, nhưng chính hội vẫn là ở làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) nơi Đức Thánh Gióng sinh thành và Phù Linh (Sóc Sơn, Hà Nội) nơi Thánh Gióng hóa thân, Hội Gióng độc đáo này hội đủ những tiêu chí của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, gìn giữ như một phần bản sắc văn hóa của mình, chứa đựng những sáng tạo, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng và hòa bình.

Hàng năm, Hội Gióng chính thống được tổ chức vào ngày mùng 8 và ngày 9 tháng 4 âm lịch tại đền Phù Đổng và các vùng lân cận. Hội Gióng được nhiều nhà nghiên cứu văn hoá nhận định, hội như một bảo tàng sống về tín ngưỡng dân gian và nghệ thuật trình diễn được gìn giữ nguyên trạng qua nhiều thế hệ. Ở Hội Gióng những phong tục, những nghi thức trong lễ hội ẩn chứa cả hệ tư tưởng đạo lý và triết học, đó còn là khát vọng hòa bình, độc lập dân tộc mãi được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ sau với ngàn năm lịch sử.

Căn cứ vào nhiều thư tịch cổ, ngay từ thời Lý, Lễ hội Gióng đã được đặc biệt quan tâm. Các vương triều sau đó như Trần - Lê cho tới thời Nguyễn... Hội Gióng vẫn luôn đươc gìn giữ và phát triển.

 Hội Gióng được người dân xã Phù Đổng gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chiến tranh loạn lạc, Hội Gióng bị gián đoạn một thời gian dài nhưng đến năm 1955 Hội Gióng lại được khôi phục. Từ năm 1982 đến nay, Hội Gióng bắt đầu được tổ chức thường xuyên, là một sinh hoạt văn hoá của nhân dân, do nhân dân tổ chức.

Ngày 16/11, tại Thủ đô Nairobi, Kenya, kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức vinh danh Hội Gióng của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia: Hội Gióng vốn là hội làng, nhưng từ khi Vua Lý Công Uẩn dựng nghiệp ở Thăng Long, Hội Gióng được đề cao để tuyên dương vấn đề bảo vệ độc lập dân tộc, Hội Gióng có một hình tượng quá độc đáo là cậu bé với yêu cầu nhà Vua cấp cho mình lương thảo, vũ khí để đánh giặc và thắng giặc đã thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hội Gióng mang thông điệp mà cha ông ta đã gửi gắm cả ngàn năm: tập trung sức mạnh mới đánh thắng giặc ngoại xâm, đồng thời hội Gióng còn thể hiện cả khát vọng hòa bình: sau khi thắng giặc, Thánh Gióng lên đỉnh Đá Chồng cởi giáp trụ, bay về trời mà không đòi hỏi điều gì. Bên cạnh đó biểu tượng Gióng còn chứa nhiều lớp văn hóa: văn hóa nông nghiệp; sự giao hòa âm dương, tương sinh, tương khắc thể hiện qua hình thức: quân của ông Gióng là đàn ông, còn giặc Ân do đàn bà đóng. Những trò diễn xướng dân gian trong lễ hội Gióng, điển hình là các đám rước: rước khám đường, rước nước rồi hát Ải Lao... thể hiện tính dân gian sâu sắc. Đặc biệt nhất là diễn xướng ba trận đánh của Thánh Gióng. Ba địa điểm diễn ra ba trận đánh được biểu tượng thành ba chiếc chiếu, bên trên có những tờ giấy trắng biểu trưng cho mây và chiếc bát úp biểu tượng cho đồi núi, người đóng vai Thánh Gióng sẽ đá những chiếc bát để thể hiện sức mạnh bạt núi của Thánh Gióng... Nét tinh tế của lễ hội là tất cả chi tiết của truyền thuyết đều được thể hiện sinh động bằng các biểu tượng. Điều đáng chú ý để Hội Gióng thuyết phục UNESCO chính là tính nhân dân sâu sắc của hội này. Bởi Hội Gióng chính là lễ hội thuộc về nhân dân và hoàn toàn không bị Nhà nước hóa. Hàng trăm năm nay, người dân đã góp công góp của để tổ chức ngày hội của mình và giữ nguyên vẹn những nghi lễ do cha ông truyền lại.

Hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại chính là niềm tự hào dân tộc. Hội Gióng giờ đây được nhân loại biết đến. Mai đây, những địa danh liên quan đến Hội Gióng và Hội Gióng sẽ là điểm đến hấp dẫn của ngành Du lịch Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước. Hy vọng, Lãnh đạo TP. Hà Nội, các cơ quan hữu quan, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa di sản sẽ có những giải pháp tối ưu nhất để bảo tồn và phát huy giá trị Hội Gióng./.

cinet
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc