Trong các tour du lịch Ấn Độ, Khajuraho là điểm đến ít được nhắc tới. Trong lịch sử, khu đền này cũng đã từng bị bỏ hoang phế tới sáu thế kỷ trước khi được một người Anh phát hiện vào năm 1839.
>Đến nơi đẹp và dễ sống nhất thế giới
>Pecatu mộc mạc nhưng ấm áp tình bạn
Mặc dù ngày nay chỉ còn sót lại 22 trong số 85 ngôi đền ban đầu, quần thể Khajuraho vẫn được đánh giá là một trong những khu đền độc đáo và xuất sắc nhất Ấn Độ, được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vì “những giá trị sáng tạo nghệ thuật độc nhất vô nhị”.
Tháp và đền đồ sộ ở khu di sản Khajuraho
Chuyến tàu đêm từ Jhansi đưa chúng tôi tới ga nhỏ thị trấn Khajuraho vào sáng sớm. Phòng giữ đồ ở ga chưa mở cửa nên chúng tôi quyết định thuê nguyên ngày một chiếc xe lam nhỏ, vừa chở được cả hành lý, vừa tiện lợi khi đi tham quan toàn bộ các đền đài nằm rải rác trong khu vực rộng tới 20km2 ở ba phía đông, tây và nam của thị trấn. Các du khách có ít thời gian thường chỉ tập trung vào khu vực phía tây với những ngôi đền đẹp nhất và cũng là khu vực duy nhất bán vé tham quan. Còn chúng tôi có đủ thời gian thăm thú toàn bộ di sản vì chuyến tàu tiếp theo tới nửa đêm mới khởi hành.
Đường tới các ngôi đền đi qua những làng xóm nghèo xơ xác, trái ngược với vẻ nguy nga đồ sộ của các đền thờ đã được xây dựng cách đây hơn ngàn năm. Mặc dù được xây dựng trong nhiều giai đoạn, các đền thờ ở đây đều có chung một mô típ kiến trúc với đỉnh đền được trang trí bằng những chóp tròn chạm khắc hoa văn rất đẹp, tượng trưng cho núi thần Kailash, ngọn núi thiêng khởi nguồn của vũ trụ theo quan điểm của Ấn Độ giáo và Jain giáo (một trong những giáo phái lâu đời nhất của Ấn Độ).
Với trình độ điêu khắc đã đạt tới đỉnh cao, di sản Khajuraho có thể được coi là một bảo tàng ngoài trời với hàng triệu hình chạm khắc tinh xảo trên đá sa thạch. Khắp bề mặt các ngôi đền, từ những bậc đá lên tới tận đỉnh tháp, là các bức tượng bằng đá diễn tả cảnh sinh hoạt của người Ấn Ðộ thời cổ đại. Qua những câu chuyện lịch sử trên đá này, du khách hiện đại có thể hình dung ra mức độ phát triển của xã hội Ấn Độ hàng ngàn năm trước. Từ cảnh ăn chơi xa hoa của vua chúa trong hoàng cung đến cảnh thờ cúng, lao động, tu hành, thuần hóa thú dữ... tất cả đều được mô tả sống động. Tôi đặc biệt yêu thích những bức tượng thiếu nữ gợi cảm trong những hoạt động thường ngày thú vị như trang điểm, chải tóc hay uốn cong người trong các tư thế yoga mềm dẻo.
Song, ấn tượng độc đáo nhất về Khajuraho chính là những cụm tượng mô tả cảnh giao hoan được chạm khắc khá cởi mở, có thể khiến những du khách hay e thẹn phải đỏ mặt bối rối. Mặc dù bất ngờ, nhưng chúng tôi không thấy khó hiểu khi nhớ rằng Ấn Độ là quê hương của Kama Sutra, cuốn sách cổ biên khảo về tình dục có từ thế kỷ thứ III. Các nhà khảo cổ cũng cho rằng, các cảnh giao hoan chạm khắc trên đền Khajuraho là mô phỏng theo các tư thế trong Kama Sutra.
Những cụm tượng mô phỏng theo sách cổ Kama Sutra
Chúng tôi kết thúc ngày tham quan bằng những phút giây thư giãn ngắm mặt trời lặn trên các bậc thềm đá của đền Lakhmana, ngôi đền cổ đẹp nhất cụm tháp phía tây. Xung quanh chúng tôi, những phụ nữ Ấn Độ trong trang phục sari nhiều sắc màu dập dìu đi lại, gợi nhớ một thời vàng son khi Khajuraho là thủ đô văn hóa của vương triều Chandela Rajputs.