Rừng ngập mặn ven biển Hạ Long được đánh giá như là một công viên biển đặc thù vùng ven biển nhiệt đới, rất có giá trị về đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Nơi đây có nhiều loài cá đối, cá tráp, cá ong, cá bơn, cá kìm…
> Du lịch cộng đồng: Làm nhiều nhưng không hiệu quả
> Nguy hiểm rình rập khi thuê tàu du lịch không có phép
Tìm hiểu về hệ sinh thái vùng triều và rừng ngập mặn
Hệ sinh thái vùng triều và rừng ngập mặn là 1 trong 6 dạng sinh thái chính của hệ sinh thái đất ướt Hạ Long. Nó bao gồm hệ sinh thái của vùng đất chịu ảnh hưởng của thuỷ triều, các cửa sông, thậm chí vào sâu trong sông như sông Diễn Vọng sâu tới 10km.
Rừng ngập mặn ở xã Minh Châu (Vân Đồn).
Với rừng ngập mặn, đây là một dạng sinh thái đặc thù cho miền ven biển, nó là vùng đệm của hệ sinh thái thực vật trên cạn và thực vật dưới nước. Theo các nhà khoa học, hệ sinh thái của các bãi triều và rừng ngập mặn là loại hình đặc biệt trong hệ sinh thái biển và ven biển...
Rừng ngập mặn ở Hạ Long phân bố ở ven cửa sông Bạch Đằng, các xã Hoàng Tân, Minh Thành (Quảng Yên), các phường Tuần Châu, Cao Xanh, Hà Phong, cửa sông Diễn Vọng (Hạ Long), vườn quốc gia Bái Tử Long (Vân Đồn)… Theo các nhà khoa học, nếu chỉ tính riêng rừng ngập mặn của Hạ Long - Cát Bà, hiện rừng ngập mặn chỉ còn khoảng 130-140ha. Chất đáy ở vùng rừng ngập mặn đa phần là mùn hoặc mùn cát, độ mặn không cao và thay đổi theo mùa.
Kết quả điều tra thực vật ngập mặn của các nhà khoa học cho thấy ở các vùng trên có 20 loài, trong đó các loài sú, đước vòi, vẹt, dù, trang, mắm, bần chua… đóng vai trò chính trong cấu trúc rừng ngập mặn Hạ Long - Cát Bà. Xét về nguồn gốc, các loài thực vật ngập mặn ven biển Hạ Long - Cát Bà có 3 nhóm chính là nhóm nguyên là thực vật ngập mặn (có 14 loài, gồm các loài trong họ đước, họ mắm, họ bần), nhóm thực vật chịu mặn tham gia rừng ngập mặn (gồm 11 loài, gồm các loài thuộc họ na, họ thầu dầu, họ cói) và nhóm thực vật nội địa chuyển ra (gồm 6 loài, như ngọc nữ biển, cỏ gà, cỏ đắng).
So với các vùng phụ cận Vịnh Hạ Long thì rừng ngập mặn ở Hoàng Tân (Quảng Yên) có số loài cao hơn cả (16 loài). Một thực tế không thể phủ nhận là thực vật ngập mặn ở vùng Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và Cát Bà có vai trò tích cực cùng tham gia vào hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, góp phần điều hoà khí hậu. Đặc biệt, nó tham gia kiến tạo, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế gió, bão, sóng; nó được ví như tấm lá chắn bảo vệ đê điều, các kiến trúc ven biển và đới bờ duyên hải. Một ví dụ điển hình là hàng năm, bãi biển Cà Mau lấn ra hàng chục mét cũng chính là nhờ có rừng ngập mặn như vậy.
Rừng ngập mặn, môi trường sống của nhiều loài động vật
Theo các nhà khoa học ở Phân viện Hải dương học Hải Phòng, thảm thực vật ngập mặn của Vịnh Hạ Long đã tạo môi trường nuôi dưỡng thường xuyên cho 169 loài động vật đáy, trong đó có 100 loài nhuyễn thể, 40 loài giáp xác, 20 loài giun nhiều tơ, 11 loài rong biển, 90 loài cá, 200 loài chim, 5 loài bò sát. Ước tính, rừng ngập mặn Hạ Long, Cát Bà là nơi lưu giữ gần 60% số loài sinh vật đáy vùng triều.
Trong rừng ngập mặn và bãi triều Hạ Long, Cát Bà luôn có 2 nhóm động vật tồn tại là nhóm động vật cố định và nhóm động vật di động. Trong nhóm thứ nhất, gồm các loài hàu, hà, sò, quéo, ngán, gọ, tôm tít, cua xanh, cáy…
Có loài mượn thân cây làm giá thể như hàu, hà; có loài vùi mình dưới gốc cây rừng ngập mặn như sò, quéo, vạng; có loài đào hang như cua xanh, cáy, cùm v.v.. Trong nhóm di động là các loài thường lui tới rừng ngập mặn như cá đối, cá tráp, cá ong, cá bơn, cá kìm…
Ngoài ra, lui tới rừng ngập mặn còn có chim, bò sát và côn trùng. Rừng ngập mặn có nhiều mồi cho chim, bò sát, nhiều hoa cung cấp mật cho ong.
Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, đa dạng hệ sinh thái, về cảnh quan môi trường, rừng ngập mặn ven biển được đánh giá như là một công viên biển đặc thù của vùng ven biển nhiệt đới. Nó là một sinh cảnh ngoạn mục, tô điểm cho một vùng du lịch sinh thái hoà nhập vào Vịnh Hạ Long - di sản, kỳ quan thế giới.