Banner Movi
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám khám phá lịch sử và kiến trúc

Thứ năm, 06/09/2012, 11:34 GMT+7

Từ lâu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến để tìm hiểu, khám phá về một khu di tích gắn liền với biểu tượng văn hiến và trí tuệ Việt. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn còn bảo tồn được giá trị về kiến trúc và những dấu ấn lịch sử.

quảng cáo

van mieu

Du khách tham quan Khuê Văn Các trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám

 

Những giá trị trường tồn theo thời gian

Nằm trong khuôn viên rộng 54.331m2, Văn Miếu - Quốc Tử Giám gồm hai di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An và Quốc Tử Giám – được coi là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Theo sử cũ, Văn Miếu được xây dựng tháng 10/1070 (đời vua Lý Thánh Tông), đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám - ban đầu làm nơi học cho hoàng tử và con em quan lại, sau mở rộng thu nhận học trò giỏi trong thiên hạ. Toàn bộ khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm: hồ Văn, vườn hoa Giám và Nội tự được bao quanh bằng tường gạch vồ. Khu vực Nội tự có kiến trúc độc đáo vẫn được bảo tồn nguyên vẹn: cổng chính Văn Miếu Môn, Khuê Văn Các (biểu tượng của Thủ đô Hà Nội ngày nay), Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng) và đặc biệt là 82 bia Tiến sỹ triều Lê – Mạc (1422 - 1779) đã được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2010.

Trong khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có Bái đường Văn Miếu là một sân rộng, được lát gạch bát, hai bên là hai dãy nhà Tả vu và Hữu vu. Trong nhà Đại bái và Hậu cung có trưng bày một số hiện vật quý: chuông lớn, khánh đá, bình phong, câu đối, Bức Đại tự “Vạn Thế Sư Biểu” (Người Thầy tiêu biểu của muôn đời) thế kỷ 18 có bút tích của vua Khang Hy, đời nhà Thanh. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ bức Đại Tự của cụ Nguyễn Nghiễm bố của Đại thi hào Nguyễn Du. Sau khu Đại Bái chính là Trường Quốc Tử Giám cũ (nay là nhà Thái học). Xung quanh khu vực nhà Thái học có phòng trưng bày về lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám lưu giữ nhiều hiện vật về Nho giáo, lịch sử khoa bảng, bút nghiên, đồ tứ bảo, cột gỗ lim, hiện vật gốm sứ như bát đĩa, ấm chén, gạch đất nung, ngói mũi hài... được tìm thấy dưới lòng đất Văn Miếu.

Ông Đặng Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi khu di tích này chứa đựng những giá trị đặc biệt. Đây là quần thể di tích, kiến trúc trọn vẹn, hoàn chỉnh nhất, nằm ở vị trí trung tâm của Hà Nội mà không phải di tích nào cũng có được”.

Bảo tồn và phát huy giá trị của di tích

Trải qua những thăng trầm trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng có nhiều sự đổi thay. Từ tháng 4/1962, khi Văn Miếu – Quốc Tử Giám được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng là di tích cấp quốc gia cho đến nay, khu di tích đã được quan tâm bảo tồn, tôn tạo. Trong quá trình trùng tu, tất cả các hạng mục thảm cỏ, tường bao, hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, nhà bia, nhà Thái học, hồ Văn, vườn Giám… luôn tuân thủ tính nguyên gốc, sử dụng nguyên vật liệu truyền thống, giữ những nét kiến trúc, đặc trưng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng vẫn tạo nên nét mới phù hợp với thời đại.

Với giá trị và ý nghĩa về nhiều mặt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là sự lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước đến tham quan Hà Nội. Nơi đây còn được chọn để giới thiệu với các nguyên thủ quốc gia khi tới thăm Việt Nam. Trung bình mỗi năm Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón trên 1,5 triệu lượt khách, riêng năm 2010 đã có trên 2 triệu lượt khách đến thăm di tích, trong đó có trên 60% là khách quốc tế. Đáng chú ý, phần đông khách quốc tế đến đây chủ yếu là theo đoàn nằm trong lịch trình tour của các doanh nghiệp lữ hành. Cùng với việc phục vụ khách tham quan, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn thường xuyên tổ chức các hoạt động nghi lễ, dâng hương, tưởng niệm cấp Nhà nước trong dịp lễ, Tết; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân các sự kiện lớn của đất nước, các hoạt động khuyến học, hội thảo khoa học, triển lãm…

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Đặng Kim Ngọc cho biết: “Bên cạnh các hoạt động thường xuyên, Trung tâm sẽ xây dựng đề án “Khai thác, phát huy tác dụng vườn hoa Giám, hồ Văn” để tạo không gian văn hóa tại vườn hoa Giám, cải tạo, làm đường đi dạo ở hồ Văn; đồng thời xây dựng hệ thống bia tưởng niệm những danh nhân văn hóa nổi tiếng của đất nước để tôn vinh. Trung tâm sẽ tiếp tục đầu tư đào tạo thuyết minh viên, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên và phối hợp chặt chẽ hơn với các công ty lữ hành trong việc cung cấp thông tin nhằm phục vụ một cách tốt nhất các đối tượng khách đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám”.

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)