Cuộc sống trên 'khách sạn di động 6m2 với đầy đủ tiện ích của đôi vợ chồng trẻ là niềm mơ ước của nhiều người. Bởi đôi khi giữa bộn bề cuộc sống luôn khiến con người ta muốn "xách ba lô lên và đi" như đôi vợ chồng trẻ ở Đắk Lắk.
Với sở thích xê dịch, vợ chồng Hà My (SN 1994) - Doãn Nguyễn Duy Tân (SN 1993) đến từ Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã quyết định mua lại xe ôtô 16 chỗ và cải tạo thành nhà di động để cùng con trai nhỏ 18 tháng tuổi đi khắp hang cùng ngõ hẻm. PV đã có cuộc trò chuyện với Hà My nghe ý tưởng có vẻ như “điên rồ” của cặp vợ chồng trẻ này.
>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Việt Nam
- Điều gì đã khiến vợ chồng chị nảy ra ý tưởng mua lại chiếc xe cũ và cải tạo nó thành “khách sạn di động” có thể chu du khắp nơi?
Trước khi dịch Covid-19 lần một bùng phát, chồng mình làm việc ở Sài Gòn. Sau đó, dịch diễn biến phức tạp, anh đành đi về quê. Thời gian đó, anh khá là rảnh và vô tình có xem được video ở nước ngoài về làm xe di động. Vì cả hai đều có chung một đam mê đi “phượt” khắp dải đất hình chữ S để trải nghiệm ẩm thực, phong tục tập quán các vùng miền nên vợ chồng mình đã nảy ra ý tưởng tích góp và mua một chiếc xe chế thành “khách sạn di động” để vừa có thể di chuyển, vừa làm nơi nghỉ ngơi, nấu ăn.
- Việc biến ý tưởng đó thành hiện thực có dễ dàng hay không?
Nghĩ là làm, vợ chồng mình quyết định dùng tiền tiết kiệm để mua 1 chiếc ôtô 16 chỗ cũ với giá 120 triệu đồng. Thế nhưng, khi có chiếc xe rồi vợ chồng mình gặp khá nhiều khó khăn trong việc cải thiện lại. Tất cả quá trình làm đều do vợ chồng mình và một người bạn nữa thực hiện, chứ không hề thuê thợ. Tuy nhiên, việc hoàn thiện nội thất cho một chiếc ô tô không phải là điều dễ dàng. Các linh kiện đôi khi không có bán sẵn phải mua từ nước ngoài chuyển về. Từ ý tưởng đến lúc hoàn thành là tròn 1 tháng. Trong 1 tháng rất nhiều khó khăn nhưng kết quả có được thì thật mỹ mãn.
Bọn mình đã biến chiếc ô tô 16 chỗ thành xe 3 chỗ. Phía sau thùng xe, hai vợ chồng thiết kế thành ngôi nhà nhỏ với tiện nghi sinh hoạt cơ bản như giường máy lạnh, máy chiếu phim, bếp, bồn rửa, tủ lạnh, tủ đồ, bàn làm việc, vòi tắm và toilet. Tất cả đồ chạy điện đều sử dụng năng lượng mặt trời. Vật liệu chủ yếu được sử dụng trong xê là gỗ thông với ưu điểm nhẹ. Chi phí làm nội thất cho “ngôi nhà thứ 2” của bọn mình khoảng hơn 100 triệu đồng.
- “Nhà di động” trên xe là một trào lưu mới ở Việt Nam, rất tiện và tiết kiệm chi phí cho việc đi du lịch cùng gia đình. Tuy nhiên, “ngôi nhà di động” do vợ chồng chị cải tạo khi tham gia giao thông sẽ bị phạt nếu như không có giấy phép cải tạo. Việc cấp phép lưu thông cho xe có khó khăn không?
Trào lưu làm nhà di động này ở nước ngoài đã có khá nhiều người ưa chuộng nhưng ở Việt Nam còn hiếm. Sau khi cải tạo, chồng mình đã đi đăng kiểm nên không có vấn đề gì khi tham gia giao thông. Việc cấp giấy phép lưu thông cũng dễ dàng, bạn chỉ cần gửi bộ hồ sơ gồm bản thiết kế, các giấy tờ liên quan theo hướng dẫn của luật đến Cục đăng kiểm hoặc Sở Giao thông Vận tải.
“Ngôi nhà di động” đã khi nào “dở chứng” hết xăng, hỏng bánh xe… ở những nơi “đông không mông quạnh” chưa?
Vợ chồng mình rất cẩn thận, mỗi chuyến đi đều kiểm tra kỹ trước khi xuất phát. Thế nên, chuyện hết xăng chưa xảy ra bao giờ nhưng bị thủng bánh xe thì xảy ra mấy lần rồi. Nhưng không sao, vấn đề này chồng mình “cân” được.
- Chị thấy ưu, nhược điểm của việc đi du lịch bằng “ngôi nhà di động” này là gì?
Mình thấy đây là một sự trải nghiệm rất thú vị. Vợ chồng mình được dừng chân ở nơi nào đẹp, rồi mình muốn đi đâu, nghỉ ngơi đâu cũng được. Từ khi rong ruổi trên chiếc xe nhỏ này, mình không phải lo chỗ ở, khách sạn nữa. Thú vị nhất là cả gia đình được thoải mái lựa chọn view theo ý muốn, được hòa nhập vào thiên nhiên đất trời, hít thở bầu không khí sạch trong không chút khói bụi.
>> Xem thêm: Cô Tô qua góc nhìn của chàng cán bộ văn hóa mê chụp ảnh
- Với những ông bố bà mẹ hiện đại không ngại việc cho con theo chân đi khám phá những vùng đất mới lạ từ nhỏ. Nhưng việc cho con đi cùng sẽ gặp khá nhiều khó khăn, chị làm thế nào để khắc phục những khó khăn đó?
Mình thấy đa phần bé vui hơn ở nhà vì được đi xa cùng bố mẹ. Có khi còn ăn nhiều hơn ở nhà vì đi du lịch xa trẻ chạy nhảy nhiều, tiêu hao năng lượng. Bé nhà mình theo chân vợ chồng mình đi du lịch từ khi 8 tháng tuổi, nhưng đến giờ chưa bị ốm đau lần nào. Đi du lịch còn khỏe hơn ở nhà ấy chứ vì ở nhà thỉnh thoảng con lại bị ho, sổ mũi.
Với mình, đưa con đi cùng không phải là khó khăn mà là một sự trải nghiệm tuyệt vời. Hai vợ chồng thay nhau giữ con, còn con cùng vui chơi với bố mẹ, không hề quấy khóc. Cho con trải nghiệm, con sẽ học được nhiều điều từ sự tự lập, thích nghi nhanh cho đến xa hơn là phát triển tư duy nhận thức của con.
- Đưa con đi từ khi còn nhỏ, hẳn chị sẽ phải nhận những lời phản đối đôi khi cả sự chỉ trích kiểu: “Ba mẹ ham vui, lôi thằng bé đi”...?
Mình không bận tâm đến những điều đó. Bởi, lý do mình cho con đi là vì muốn cho con có cơ hội trải nghiệm với cuộc sống xung quanh, những vùng đất lạ, con người mới, những bữa cơm ngoài trời để lưu giữ thật nhiều kỉ niệm. Cảm giác được ngồi ngắm nhìn những đàn bò ăn cỏ, những đàn khỉ ở rừng xuống xin ăn, những chú chim bay lượn trong khu rừng và những đàn cá bơi ngay dòng suối trước mặt thật thú vị mà có lẽ cuộc sống thành thị sẽ không bao giờ được tận hưởng.
- Đến nay, gia đình chị đã đi được bao nhiêu địa điểm bằng chiếc ô tô tự cải tạo? Hiện, dịch Covid-19 cũng đã tạm lắng, thời gian tới, anh/chị có dự định chinh phục địa điểm nào không?
Gia đình mình đi hầu hết Việt Nam rồi, duy chỉ còn một số tỉnh khu vực Đông Bắc là chưa được đặt chân thôi. Trong thời gian tới, nếu có điều kiện, chắc vợ chồng mình sẽ có một chuyện chạy xe ra Đông Bắc, như đi hái mận ở Hà Giang chẳng hạn.
- Chúc anh chị sẽ tiếp tục có những chuyến di thú vị trên Ngôi nhà di động của mình!
>> Xem thêm: Theo chân cặp đôi Quảng Ninh 'chất chơi' đi khắp mọi miền
Ảnh NVCC
Phong Vân
Theo Báo Thể thao Việt Nam