Bên cạnh sự lạnh giá, khô hạn và khan hiếm thực phẩm, các nhà khoa học đang phải đối diện với thách thức mới là dịch bệnh ở châu lục cuối cùng nhiễm Covid-19 trên thế giới: Châu Nam Cực
Ngày 21/12, một cơ sở nghiên cứu của Chile đã báo cáo 36 trường hợp nhiễm nCoV tại Nam Cực, một trong số ít những nơi "miễn nhiễm" với virus nCoV trong nhiều tháng qua. Tất cả người bệnh được chuyển đến Chile, trong điều kiện sức khỏe ổn định. Ảnh: Alexandre Meneghini/Reuters
Với điều kiện thời tiết khó khăn và mùa đông tối tăm, lục địa rộng gần 14,2 triệu km2 là nơi duy nhất không có người bản địa. Phần lớn người đến đây là những nhà nghiên cứu và khách du lịch, cũng vì thế mà nơi này còn có tên gọi là lục địa quốc tế. Ảnh: Pauline Askin/Reuters
Sau Hiệp ước Nam Cực được ký kết năm 1959 về cấm mọi hoạt động quân sự và thúc đẩy khoa học, ngày nay hơn 70 trạm nghiên cứu được đặt tại đây. Trong ảnh là trạm nghiên cứu Port Lockroy, nằm trên bờ biển phía tây của đảo Wiencke trong Quần đảo Palmer. Ảnh: Willem Tims/Shutterstock.
Mỗi năm, có khoảng 1.000 nhà khoa học tiến hành nghiên cứu tại các trạm. Họ nghiên cứu về các chủ đề khác nhau: sinh vật học, sinh thái học, địa chất học... Trên ảnh là Wenjun Li, một nhà hóa học biển đến từ Trung Quốc, đang đi dọc bãi biển để tìm kiếm các mẫu vật ở Hannah Point trên đảo Livingston thuộc quần đảo South Shetland. Ảnh: Natacha Pisarenko/AP
Alex Gaffikin, một nhà khí tượng học làm việc 2,5 năm tại một trạm nghiên cứu của Anh, nói rằng mùa đông có nghĩa là bạn phải đối diện với bóng tối liên tục. Nhưng đổi lại, Nam Cực khiến bạn cảm thấy đáng giá cho những đánh đổi này.
Với Gaffikin, anh yêu nơi này vì nó là một nơi xa lạ và kỳ diệu. Anh có thể nhìn thấy những thứ ở Nam Cực mà không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới như những đàn chim cánh cụt hoàng đế, sông băng khổng lồ, các sinh vật biển to lớn.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học lại hiếm khi phải đơn độc. Họ sống, ngủ, ăn và làm việc cùng nhau trong các cơ sở nghiên cứu nhỏ. Trên ảnh là trạm Amundsen-Scott South Pole của Mỹ, nơi có thể chứa 154 người sống trong các căn phòng đơn giống ký túc xá.
Những người đến đây phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt và sự xa xôi. Ảnh: Jeffrey Donenfeld/National Science Foundation
Thời tiết khắc nghiệt đồng nghĩa với việc nguồn cung cấp thực phẩm bị hạn chế. Bạn phải chấp nhận sử dụng những thứ có trong cửa hàng như đồ đông lạnh, đồ đóng hộp hay đồ khô. Trước đây, các nhà khoa học thậm chí săn bắt động vật để làm thức ăn. Tuy nhiên, ngày nay, việc ăn thịt động vật hoang dã bị giới hạn.
Trên ảnh, đầu bếp Alan Sherwood đang chuẩn bị bữa tối cho 100 nhân viên. Ảnh: Alister Doyle/Reuters
Nước cũng là một nguồn tài nguyên quý giá trên lục địa. Họ phải làm tan tuyết vào mùa đông. Còn mùa hè, họ dùng các đường ống để lấy nước từ các đầm phá nhân tạo chứa nước do tuyết tan. Ảnh: Enrique Marcarian/AP
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phải tham gia vào các khóa học về an toàn và sinh tồn. Trên thực tế, các nhà khoa học cũng có thể gặp những trở ngại đầy thách thức. Năm 2018, 5 nhà nghiên cứu Mỹ bị mắc kẹt trên một hòn đảo ngoài khơi Nam Cực do điều kiện thời tiết. May mắn thay, họ được một tàu phá băng của Argentina giải cứu sau đó vài giờ.
Trên ảnh, các nhà khoa học Mỹ đang tham gia học tại một lớp học an toàn thực địa tại trạm McMurdo. Ảnh: Elaine Hood/National Science Foundation
Ngoài nghiên cứu, các nhà khoa học còn tham gia các hoạt động tôn giáo, tổ chức các ngày lễ như giáng sinh và cả bỏ phiếu. Ở đây cũng có mạng Internet và dịch vụ điện thoại. Ảnh: Natacha Pisarenko/AP.
Nam Cực cũng là điểm đến yêu thích của ngày càng nhiều du khách đam mê khám phá, mạo hiểm trước đại dịch. Tùy thuộc vào số ngày trong hành trình, chuyến đi sẽ có giá khác nhau, từ 4.000 USD đến 20.000 USD (giá này là chi phí tour từ một trong các thành phố xuất phát, chưa gồm chi phí di chuyển, visa, ăn và ở trước sau chuyến đi).
Trên ảnh là Nguyễn Duy Anh, một du khách Việt tham gia thử thách tắm biển ở nhiệt độ âm độ C tại Nam Cực vào tháng 12/2019. Ảnh: Nguyễn Duy Anh
Hà Anh