Ðã từng đặt chân đến hầu hết địa danh của đất nước hình chữ S nhưng có lẽ chặng đường để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất là vòng cung Ðông Bắc thuộc các tỉnh Hà Giang - Cao Bằng - Bắc Kạn.
Với các địa danh mà bất cứ người Việt Nam nào cũng ao ước được khám phá như Cổng trời Quản Bạ, Cao nguyên đá Ðồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, đèo Mã Pì Lèng, thác Bản Giốc, khu di tích Pắc Bó, vườn quốc gia Ba Bể…
Với tôi, dù cung đường này phải trải qua nhiều "con đường đau khổ" vì rất khó đi nhưng tôi thật sự no mắt khi chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng Ðông Bắc thật hùng vĩ, nên thơ với những rừng cọ, đồi chè, ruộng bậc thang thoai thoải xanh mướt; những con đường khúc khuỷu, ngoằn ngoèo, một bên là núi đá sừng sững, một bên là vực sâu thăm thẳm; có đoạn vừa ngửa mặt lên đã thấy mây bồng bềnh trước mắt cứ ngỡ mình đã lạc vào cõi tiên bồng nào đó…
Hơn thế nữa, đây còn là cung đường của những địa danh gắn liền với lịch sử, của miền biên viễn Tổ quốc, nơi mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm xương máu của cha ông, của đồng bào… Chả thế mà Vietnam Airlines cùng Công ty Du lịch Vietravel đã quyết tâm giới thiệu điểm đến này thành đường tour trọng điểm của năm 2013 cho du khách trong và ngoài nước.
Trên đỉnh cột cờ Lũng Cú
Chúng tôi đến cột cờ Lũng Cú đã gần 19 giờ sau khi leo lên 283 bậc đá trong điều kiện thời tiết đang "rét đậm, rét hại" của miền Bắc. Trời mùa đông nên giờ này xung quanh tối đen như mực. Mưa lất phất. Rét căm căm. Không nhìn rõ thấy gì và cũng chẳng thể chụp ảnh được. Nhưng cảm giác đứng ngay dưới chân cột cờ cao nhất cực Bắc Tổ quốc đã khiến chúng tôi hạnh phúc đến tột cùng; nếu không nói quá là rất đỗi tự hào khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất hội tụ hồn thiêng sông núi, biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước.
Nghe chúng tôi là đoàn nhà báo, cô thuyết minh trang trọng trong bộ đồ dân tộc Lô Lô giới thiệu đầy xúc cảm: Cột cờ quốc gia Lũng Cú nằm trên đỉnh núi Rồng ở độ cao 1.700 m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Ðồng Văn, tỉnh Hà Giang; từng có lịch sử rất lâu đời, trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo.
Lũng Cú theo tiếng dân tộc H’Mông nghĩa là lũng ngô vì nơi đây trồng rất nhiều ngô. Có truyền thuyết khác cho rằng ngày xưa có một con rồng đến ở trên ngọn núi thiêng thuộc vùng đất này nên Lũng Cú là cách đọc chệch từ "Long Cư".
Lại có chuyện kể rằng sau khi đại thắng quân xâm lược phương Bắc, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống đồng rất lớn tại đây và cứ mỗi canh giờ trống lại gióng lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa mấy dặm như để khẳng định chủ quyền đất nước. Chính vì thế, Lũng Cú do đọc chệch âm từ "Long Cổ", tức trống của vua.
Lần trùng tu, nâng cấp cột cờ Lũng Cú năm 2010 nhằm khẳng định vị thế cũng như chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng của đồng bào, chiến sĩ nơi đây khi bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo thiết kế mới, chiều cao cột cờ trên 33 m (cao hơn cột cờ cũ 10 m); trong đó phần chân cột cao trên 20 m; đường kính ngoài thân cột rộng 3,8 m; kiểu dáng hình bát giác giống cột cờ Hà Nội.
Cán cờ lắp trên đỉnh cột làm bằng nguyên thân cây gỗ pơ mu cao 13 m; trên đó thượng quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9 m, chiều rộng 6 m; tổng diện tích 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.
Chân, bệ cột cờ làm bằng đá xanh với 8 mặt phù điêu mô phỏng hoa văn mặt trống đồng Ðông Sơn và những họa tiết minh họa từng thời kỳ lịch sử của đất nước cũng như con người, tập quán các dân tộc Hà Giang. Trong thân cột cờ có cầu thang bộ bằng inox với hàng trăm bậc đi lên đỉnh. Dù đã thấm mệt với chặng đường vất vả nhưng chúng tôi vẫn cố gắng leo lên đến tận đỉnh để chạm tay vào phần cao nhất của cột cờ. Mặc mưa gió, mặc bão táp phong ba, quốc kỳ rực rỡ màu đỏ sao vàng đầy kiêu hãnh phần phật tung bay trên "nóc nhà" của đất nước, canh giữ miền biên ải quê hương!
Ðược biết, mỗi ngày nơi đây đều tiếp đón 5-7 đoàn khách lên chiêm ngưỡng quốc kỳ; đặc biệt không ít bạn trẻ đã lên đây đón giao thừa để bày tỏ niềm tự hào, lòng yêu Tổ quốc. Một thông tin thú vị tôi vừa được đạo diễn, nhà báo Lâm Thành Quý (Ðài Truyền hình TPHCM) tiết lộ: Cột cờ Lũng Cú sẽ trở thành một trong những điểm được truyền hình trực tiếp trong đêm giao thừa 2013, hứa hẹn nhiều hấp dẫn!
Huyền hoặc Bản Giốc
Tôi đến thác Bản Giốc lần này trong một tâm trạng nao nao khó tả như cảm giác của một người quen tìm về chốn cũ. Bảy năm trước, tôi đã từng đặt chân đến đây cùng các anh chị của Sở Du lịch TPHCM trong một chuyến khảo sát tour.
Thật không hổ danh khi ca ngợi "Bản Giốc là thác nước đẹp nhất Việt Nam, nằm ở xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, trên sông Quây Sơn, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ðứng từ xa đã nghe tiếng thác nước đổ ào ào qua nhiều tầng đá vôi ở độ cao trên 30 m, rộng trên 200 m. Giữa thác có một mô đá lớn phủ đầy cây, xẻ dòng sông thành 3 luồng nước như 3 dải lụa trắng.
Ngày đêm thác nước cuồn cuộn đổ xuống những tảng đá phẳng làm tung lên màn sương mờ phủ trên cả vùng rộng lớn. Vào những ngày nắng, làn hơi nước bắn ra từ thác tạo thành cầu vồng huyền ảo.
Bản Giốc được xem như thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia; sau thác Iguazu giữa Brazil - Argentina, thác Victoria giữa Zambia - Zimbabwe và thác Niagara giữa Canada - Mỹ; là thác xuyên quốc gia lớn thứ hai trên thế giới cũng là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Ðông Nam Á.
Là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng, thác Bản Giốc đã đi vào nghệ thuật hội họa và nhiếp ảnh đặc sắc, lại có tiềm năng thủy điện. Thật ra đứng giữa đất trời lồng lộng này, giữa miền biên ải, tuyến đầu Tổ quốc mới thấy dòng thác ở phía nào cũng có vẻ đẹp nhất định của nó, dù là phần thác phụ hay thác chính.
….
Về thăm cái nôi cách mạng
Trở về thăm di tích Pắc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cái nôi của cách mạng Việt Nam và gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm 1941-1945, tôi hết sức bất ngờ trước những đổi thay ở nơi này.
Ðiểm tham quan mới là Nhà Tưởng niệm Hồ Chủ tịch vừa được khánh thành ngày 19-5-2011 với kiến trúc kết hợp giữa dân tộc và hiện đại; giản dị mà trang nghiêm đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Không gian phía trong nhà tưởng niệm thoáng rộng với bức tượng đồng Bác Hồ ở giữa gian thờ; xung quanh là 4 bức phù điêu bằng đá hồng ngọc; phía trên là hoành phi với 4 chữ "Hồng nhật cao minh"; hai bên là câu đối: "Lãnh tụ trở về, nhật nguyệt bừng lên trời Pắc Bó. Anh hùng tụ lại, tinh hoa rực sáng đất Cao Bằng" do giáo sư Vũ Khiêu đề bút.
Lò mò trong hang Pắc Bó, tôi đã đi đến tận cùng của các địa danh: cột mốc 108 - nơi Bác Hồ lần đầu tiên đặt chân trở về đất mẹ, ngày 8-2-1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại, tìm đường cứu nước; nền nhà ông Lý Quốc Súng; hang Cốc Bó - nơi Bác chọn để ở và làm việc; bàn đá "chông chênh dịch sử Ðảng"; suối Lê-nin, núi Các Mác, lán Khuổi Nặm - nơi Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ tám, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và chiến khu cách mạng...
Ðặt chân đến đâu, ký ức của tôi lại tràn về đầy ắp những vần thơ từ thời đi học:
"Sáng ra bờ suối, tối vào hang.
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Ðảng.
Cuộc đời cách mạng thật là sang",
Hay:
"Non xa xa, nước xa xa.
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Ðây suối Lênin, kia núi Mác.
Hai tay gây dựng một sơn hà"
hoặc
"Bác đã về đây,
Tổ quốc ơi! Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người.
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ.
Mà đến bây giờ mới tới nơi!"...
Ðịa danh này quả là một tập lịch sử vô giá ghi lại những hoạt động của Bác ngày đầu cách mạng. Chợt giật mình khi thấy đó là toàn bộ chương trình lịch sử lớp 12 mà con tôi đang phải ra rả học thuộc cho mỗi lần kiểm tra.
Giá mà cháu được đặt chân đến đây dịp hè năm ngoái thì có lẽ sẽ không phải "đánh vật" vất vả như hôm nay! Ước gì các trường phổ thông tổ chức được những chuyến tham quan đến đây để các cháu được "trực quan sinh động" chứ không phải làm những "con vẹt" bất đắc dĩ thế này!