Warning: count(): Parameter must be an array or an object that implements Countable in /home/luhanhviet/domains/dulichvietnam.com.vn/public_html/modules/news/includes/class-widget.php on line 0
Báo Anh ấn tượng với đất nước con người Việt Nam
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi

Báo Anh ấn tượng với đất nước con người Việt Nam

Thứ ba, 24/09/2013, 10:12 GMT+7
Với Liz Boulter, một ấm trà gốm nhỏ, một chiếc đĩa sơn mài và chiếc khăn được làm thủ công là những ấn tượng đầu tiên khi đến Việt Nam.
test
Liz Boulter - một du khách Anh đã có chuyến du lịch tuyệt vời ở Việt Nam. Dưới đây là những trải nghiệm thú vị ở dải đất hình chữ S của Boulter được đăng tải trên tờ The Guardian của Anh :

"Câu chuyện của tôi bắt đầu với việc nhìn thấy một ấm trà gốm nhỏ, một chiếc đĩa sơn mài và chiếc khăn được làm thủ công. Đó chỉ là sự khởi đầu cho tour du lịch của tôi khi đến Việt Nam.

Tôi không phải là một tín đồ nghiện mua sắm nhưng giá thành của mỗi sản phẩm ở đây đã hấp dẫn tôi bởi không sản phẩm nào có giá cao hơn 2 bảng Anh (68.000 đồng). Tôi cho rằng đây là những sản phẩm bán lẻ có giá thành vừa túi khách du lịch như tôi. Có rất nhiều sản phẩm thủ công bán cho khách du lịch ở Việt Nam nhưng một số lại có xuất xứ từ Trung Quốc. Tôi biết rằng, mua những sản phẩm truyền thống của địa phương có thể góp phần thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.
 
Một số sản phẩm thủ công truyền thống
Một số sản phẩm thủ công truyền thống mà Boulter chiêm ngưỡng và mua về làm quà.

Ngoài Việt Nam, chúng tôi cũng thực hiện các chuyến du lịch tới nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Bạn có thể thoả thích mua sắm theo sở thích của mình và cảm thấy vui vì điều đó.

Tôi mua ấm trà và một chiếc đĩa sơn mài ở văn phòng trưng bày ở Hà Nội. Văn phòng này do Craft Link - một tổ chức phi lợi nhuận - duy trì hoạt động với mục đích hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số, các nhóm khuyết tật và các nhóm làng nghề truyền thống khôi phục truyền thống văn hoá, phát triển sản xuất hàng thủ công và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng. Hiện Craft Link đang trợ giúp 63 nhóm sản xuất trên khắp Việt Nam.

Sau khi thưởng thức trà và những chiếc bánh ngọt nhỏ ở trên lầu, chúng tôi được người quản lý là Bà Trần và cô Thủy nói về việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như một cách để giữ văn hóa truyền thống và giúp người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Craft Link sẽ giúp các công ty trong vài năm với việc đào tạo và hỗ trợ tài chính. Và họ luôn luôn làm việc với phụ nữ.

Sau đó, chúng tôi đã đi thăm quan một cửa hàng. Nhóm của chúng tôi gồm 15 người khách Anh đã chăm chú ngắm nhìn, sờ tận tay những chiếc ví, khăn quàng cổ làm từ lụa, túi xách, đồ gốm và đồ trang sức. Vẫn còn hơn hai tuần nữa thì chuyến du lịch Việt Nam của chúng tôi mới kết thúc nhưng tôi đã tìm được cho mình một chiếc trâm nhỏ vô cùng rực rỡ.
 
Chuyến đi thuyền tới Vịnh Hạ Long
Chuyến đi thuyền tới Vịnh Hạ Long của đoàn khách Boulter. 

Ngày hôm sau, khi chúng tôi rời Hà Nội để đến các địa phương khác ở Việt Nam, cô Thủy nói với tôi rằng cô ấy rất tự hào về hiệu quả hoạt động của Craft Link. Cô cho biết, mặc dù người dân nơi đây chỉ thu nhập khoảng 100 USD/năm nhưng họ có rất nhiều thứ để ăn như gà, cá nước ngọt nuôi trong ao, thóc gạo và rau xanh.

Sau khi nghe được thông tin dân thành thị sẽ trả nhiều tiền để có được sản phẩm thêu của họ, những người phụ nữ nông thôn đã tranh thủ thời gian rảnh rỗi để hợp thành nhóm cùng thêu thùa. Đàn ông không thể phàn nàn điều gì bởi số tiền mà các bà vợ kiếm được tới gần 400 USD vào năm ngoái. Đó là số tiền dùng để mua TV, thậm chí người chồng cũng hy vọng có thể mua một chiếc xe máy từ số tiền này.

Cô Thủy đã từng hỏi một người phụ nữ địa phương rằng cuộc sống của họ đã có những thay đổi gì kể từ khi bán những sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

"Bây giờ, tôi có thể mỉm cười", người phụ nữ ấy trả lời để lộ hàm răng tuyệt đẹp. Răng của cô đã bị hỏng khi khoảng 20 tuổi. Nhờ bán sản phẩm thủ công truyền thống, cô đã có đủ tiền lắp hàm răng mới.

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là thung lũng Mai Châu. Đây là vùng đất có người Thái trắng sinh sống. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là làng sơn mài Hạ Thái. Một gia đình nhận làm 3.000 chiếc bát sơn mài cho khách hàng người Mỹ và sẽ nhận được 30% giá trị khi bán được mỗi sản phẩm. Chúng tôi theo dõi quá trình chặt, trẻ, uốn tre… Trên các đường phố, đàn ông và phụ nữ đã sử dụng hạt và vỏ dừa để làm đồ trang sức đầy màu sắc rồi đem bán chúng. Con gái tôi chắc sẽ thích chiếc vòng có màu đen trắng đó.

Chúng tôi đến những ngôi làng nhỏ mà khách du lịch thường hiếm khi đặt chân đến. Đó là một phần trong những nỗ lực nhằm đem lại sự thịnh vượng cho các dân tộc tại đây.
 
Người nông dân thu hoạch lúa
 Người nông dân thu hoạch lúa ở cánh đồng Mai Châu.

Cách Hà Nội 100 km, Mai Châu là vùng nông thôn điển hình ở Việt Nam với cánh đồng lúa trải dài và phẳng như một tấm thảm màu xanh lá cây. Những ngọn núi nhấp nhô như chiếc nhẫn. Tôi cũng ấn tượng với hình ảnh nón lá và đàn trâu nước xuất hiện khắp nơi. Đây là nơi mà rất nhiều mặt hàng dệt, thủ công truyền thống được tạo ra. Sắp đến sinh nhật của một người bạn nên tôi đã lựa chọn một chiếc khăn mềm màu xanh lá cây và màu đỏ làm quà tặng. Tôi ấn tượng với hình ảnh người phụ nữ trẻ ngồi dệt miệt mài bên khung cửi.

Người phương Tây đang bắt đầu khám phá khu vực này. Có một khách sạn ở Hòa Bình (Mai Châu Lodge, số 33A đường Phạm Ngũ Lão, điện thoại +84 4 3926 3125, maichaulodge.com) và một số gia đình, đặc biệt là ở Bản Lác đã biến nhà mình thành nhà nghỉ phục vụ khách du lịch. Đoàn chúng tôi nghỉ tại một ngôi nhà sàn truyền thống. Chúng tôi thưởng thức các món ăn do gia chủ chuẩn bị gồm cá, thịt gà, đậu phụ, cơm và rau.

Chúng tôi không chỉ đến những làng mạc xa xôi và các địa điểm du lịch tiềm năng. Chúng tôi đã có những cái nhìn toàn cảnh về Hà Nội, một chuyến đi qua đêm đến Vịnh Hạ Long. Sau đó, chúng tôi di chuyển về phía Nam để đến cố đô Huế thăm thú các cung điện, đền chùa. Tôi đã mua một chiếc áo lụa với giá khoảng 6 bảng Anh (hơn 200.000 đồng) tại đây.

Ngay bên ngoài thành phố, làng Thủy Xuân nổi tiếng với hai sản phẩm truyền thống là làm nón và hương. Tôi đã chứng kiến người phụ nữ hoàn thành một chiếc nón lá trong khoảng thời gian nửa ngày. Mỗi chiếc nón được bán với giá 3 USD (gần 64.000 đồng). Ngôi làng này cũng là một trong những địa phương hiếm hoi ở Việt Nam làm hương bằng tay. Để có được sản phẩm, người thợ phải tiến hành nhiều công đoạn vất vả, từ phơi khô, cắt, lấy gỗ đàn hương...

Tôi trông khá dễ thương khi đội nón lá. Nếu chống thêm một cây gậy nhỏ sản xuất ở London, Anh, liệu tôi có giống những cụ già Việt Nam? Tất nhiên là không rồi.
 
Đoàn khách Anh đi bộ
 Đoàn khách Anh đi bộ vào những ngôi làng ở Mai Châu.

Khách du lịch đổ về Hội An. Mảnh đất này có rất nhiều ngôi nhà ven sông cổ kính, nhiều món ăn ở gần các trường học và nơi đây còn khá gần bãi biển.

Có lẽ thời gian khiến tôi vui vẻ hơn cả là ở khu nghỉ mát Nha Trang. Tại đó, tôi bơi và lặn biển tại các rạn san hô ngoài khơi đảo Hòn Mun cũng như tắm bùn ở suối khoáng Tháp Bà.
 
Những chiếc thuyền bán hoa quả
Những chiếc thuyền bán hoa quả, đồ ăn trên khu chợ nổi ở sông Cửu Long.

Chúng tôi bắt đầu hành trình tiến về phía Nam. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có rất nhiều đền thờ, chợ, Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chiến tranh… Tại đây, tôi nhìn thấy những khu chợ nổi ở dọc sông Cửu Long. Trong đó, chúng tôi đã dừng lại ở chợ nổi Cái Răng và trông thấy những người phụ nữ bán hàng vui tính, đầu đội nón lá. Tôi đã ghé mua cà phê, trà, bánh kẹo, salad xoài...

Trong thời gian đi ngao du phong cảnh, ghé thăm các làng mạc, thành phố ở Việt Nam, tôi đã mua rất nhiều sản phẩm để mang về nước. Vì mua khá nhiều thứ nên tôi quyết định bỏ lại một ít quần áo để vừa với khối lượng hành lý mang lên máy bay".
Kienthuc.net.vn
quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc