Bạn có biết rằng lò gạch cũ ở Quảng Nam, cây cô đơn ở Huế và khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận là những điểm du lịch gợi nhớ đến các tác phẩm văn học nổi tiếng, là nơi check in được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Nhắc đến du lịch Quảng Nam, mọi người thường nghĩ đến phố cổ Hội An bên sông Thu Bồn hay đảo Cù Lao Xanh đẹp quyến rũ. Thế nhưng ở đất Quảng còn một điểm check in vừa cổ kính, vừa trong lành lại gợi nhớ đến tác phẩm văn học Chí Phèo. Đó chính là lò gạch cũ ở huyện Duy Xuyên.
Đã gần 20 năm nằm hoang dại giữa đồng lúa, cái lò gạch cũng cũ đã hư hỏng theo thời gian. Vì thế, có thời điểm nơi đây cấm du khách đến chụp ảnh, check in để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Thế nhưng thời gian gần đây, lò gạch đã được sửa chữa và kết hợp cùng mô hình du lịch nông trại. Vậy là lò gạch cũ bỏ hoang năm nào “sống lại”, thu hút nhiều du khách.
Ai du lịch Hội An cũng muốn đến lò gạch cũ này – điểm đến gợi nhớ đến tác phẩm văn học Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Trong tác phẩm đó, lò gạch chính là nơi anh Chí bị bỏ rơi để rồi bước vào một cuộc đời đầy bi kịch, máu lẫn nước mắt.
Hình ảnh lò gạch cũ không quá xa lạ với làng quê Việt, nó gắn liền với nhịp sống miền quê vất vả, khó khăn của người nông dân. Và giờ đây khi cuộc sống dần phát triển hơn, những cái lò gạch thôi làm nhiệm vụ sản xuất gạch ngói, mà trở thành điểm check in hot được giới trẻ yêu thích.
Lò gạch ở Quảng Nam trông như một chiếc hộp có cửa đi vào kiểu mái vòm cong cong rất đẹp. Xung quanh lò gạch là những bậc thang nối tiếp nhau, chạy dài quanh thân lò lên trên đỉnh. Bạn có thể men theo những bậc thang này để lên cao, phóng tầm nhìn ra toàn cảnh trời đất xanh trong, tứ bề là đống lúa và một nhánh sông Thu Bồn bình yên, thơ thẩn.
Ngày nay, cái lò gạch cũ gợi nhớ đến tác phẩm văn học Chí Phèo mang một dáng vẻ mới, chẳng còn nét xập xệ, đổ nát như trước nữa. Lò gạch được trùng tu nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ xưa. Từ chiếc lò có một cầu tre nhỏ nối liền với một quá cà phê, xung quanh là đồng lùa xanh rì tuyệt đẹp.
Đến đây, bạn có thể săn ảnh ở bất kỳ góc nào mình thích, đứng trên cầu tre, đứng dưới lò gạch hay leo lên những bậc thang để ngắm cảnh đều được. Theo kinh nghiệm chụp ảnh của nhiều bạn trẻ, sáng sớm bình minh là thời điểm thích hợp để bạn sống ảo. Lúc này trời trong xanh, không khí mát dịu, lý tưởng để thả dáng chụp choẹt mà không lo nắng.
Ngoài ra, thời khắc hoàng hôn buông với những tia nắng vàng trải khắp đồng lúa cũng tạo nên vẻ đẹp lãng đãng, trầm tư cho cảnh sắc quanh lò gạch cũ. Bạn có thể đi dạo chung quanh, dừng chân ở một góc đẹp và tạo dáng để chụp một bộ ảnh thật ưng ý.
Hiện tại, khi check in lò gạch này, bạn hoàn toàn không tốn phí. Gần đó có quán cà phê giữa đồng lúa mang tên Lò Gạch Cũ, là nơi bạn có thể dành thời gian thưởng thức một chút đồ uống, thả hồn vào bức tranh làng quê đẹp tuyệt của xứ Quảng.
Rất nhiều người trong chúng ta đã từng mê mẩn truyện ngắn Mắt biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Và rồi cuối năm 2019, tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ truyện ngắn này ra đời này đã tạo nên một cơn sốt. Có người “sốt” vì phim hay, diễn viên đẹp và cũng có rất nhiều bạn trẻ “sốt” vì điểm đến trong phim quá đẹp.
Trong bộ phim Mắt biếc, bạn có thể thấy hình ảnh cây cô đơn nằm trên một con đường làng, xung quanh là những cánh đồng lúa xanh mướt chạy dài tít tắp. Để rồi sau khi bộ phim ra rạp, có rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến đây để check in cùng cây cô đơn nổi tiếng này.
Được biết, cây cô đơn được chọn làm bối cảnh quay phim Mắt biếc là một cây ngô đồng cổ thụ, tọa lạc tại làng Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ trung tâm thành phố đến đây khoảng 12 km, đường sá khá thuận tiện, dễ đi lại. Ngày nay, cây cô đơn này là một trong các điểm đến nổi tiếng ở Việt Nam, được giới trẻ gần xa yêu thích.
Đó là một trong số ít những làng quê Huế vẫn giữ được nét đẹp giản dị, đậm chất làng quê xưa với hình ảnh con đường đất rộng trải dài, xung quanh là cánh đồng lúa xanh bát ngát, là những lũy tre làng bình yên, êm ả. Có lẽ vì không gian và cảnh sắc nơi này quá đẹp, quá giống với miêu tả trong truyện Mắt biếc nên đạo diễn Victor Vũ đã quyết định chọn nơi đây làm bối cảnh quay phim.
Trong truyện và cả phim Mắt biếc, cây cô đơn này chính là chốn hẹn hò của đôi bạn Hà Lan và Ngạn thuở còn bé. Những cô cậu bé với tâm sự hồn nhiên, những thanh thiếu niên với mối tình chớm nở hay khoảnh khắc Ngạn đàn cho Hà Lan nghe thực sự thơ và trữ tình, làm rung động biết bao con tim mơ mộng.
Đó cũng là bối cảnh xuất hiện hình ảnh “chàng trai viết lên cây”, viết dòng chữ Mắt biếc hay một chàng trai khác với dòng chữ “bún cá ngừ” khiến ai nấy đều phải bật cười. Có thể nói rằng, cây ngô đồng ấy chính là chứng nhân cho một tuổi thơ bình yên, cho một thời niên thiếu tuyệt đẹp của cả Ngạn và Hà Lan qua bao năm tháng.
Dẫu rằng năm tháng đi qua và dòng đời xô đẩy, Hà Lan cùng Ngạn dần nếm trải những đổi thay và cay đắng của tuổi trưởng thành thì cây cô đơn ấy vẫn một mình đứng vững giữa cánh đồng xanh, hiên ngang vượt qua mọi giông bão đời người.
Có lẽ so với hàng chục cây cô đơn khác trên bản đồ du lịch Việt Nam, cây ngô đồng ở Huế chưa phải đẹp nhất. Thế nhưng mỗi lần nhìn thấy cây cổ thụ đứng giữa đồng này, ai cũng nghĩ ngay đến Mắt biếc – một tác phẩm văn học hay nhưng rất buồn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Giờ đây, cây ngô đồng chắc chẳng còn cô đơn nữa vì ngày ngày có nhiều du khách gần xa ghé thăm, chụp ảnh và dành thời gian thưởng thức cảnh sắc yên bình của ngôi làng Hà Cảng. Nếu có dịp đến Huế mộng mơ, bạn cũng hãy một lần đến đây, để thăm thú cảnh đẹp của thiên nhiên nơi này.
Không chỉ Huế, Quảng Nam mới có những điểm đến gợi nhớ đến tác phẩm văn học, mà miền Tây sông nước cũng có những điểm check in như thế. Tiêu biểu là khu du lịch Cánh đồng bất tận tọa lạc tại ấp 3, xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
Nơi này từng là bối cảnh chính của bộ phim Cánh đồng bất tận – chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nơi này vốn nằm trong Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, sở hữu cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hoang sơ, thích hợp cho những ai thích hòa mình vào thiên nhiên sông nước miền Tây.
Khu du lịch sinh thái Cánh đồng bất tận có rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam với diện tích rộng lớn, không gian xanh mướt trải dài vô tận. Lần đầu đến đây, chắc hẳn bạn sẽ choáng ngợp trước một bức tranh bạt ngàn cỏ cây xanh tươi, mướt mát.
>> Xem thêm: 2 ngôi chùa tuyệt đẹp bỗng 'nổi như cồn' sau MV ca nhạc của sao Việt
Những cánh rừng tràm dày đặc vươn thẳng lên trời xanh, những cánh đồng trồng đầy hoa sen hoa súng như mở ra một thế giới đối lập hoàn toàn với nhịp sống tất bật của chốn thành thị. Được ngồi thuyền dạo một vòng rừng tràm, bạn sẽ có cơ hội hít thở khí trời trong mát, nghe tiếng chim hót véo von và chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên ấn tượng.
Nếu đã từng xem qua tác phẩm điện ảnh Cánh đồng bất tận hoặc đọc ấn phẩm sách của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, hẳn bạn sẽ hình ảnh đầm lầy, sông nước nơi đây hiện lên một cách đầy thân thuộc. Bởi trong phim hay trong truyện, cuộc sống của các nhân vật chính đều gắn liền với hình ảnh đồng quê, sông nước. Đẹp nhưng buồn đó chính là cảm giác mà tác phẩm này mang lại.
Ngày nay, khi nơi này phát triển thành khu du lịch sinh thái, mọi thứ vẫn còn giữ lại rất hoang sơ. Du khách đến đây được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như nông dân chính hiệu. Nào là đi thuyền quanh rừng tràm, tắm sông, thưởng thức các món ăn đặc sản đồng quê.
Những tín đồ sống ảo sẽ không bỏ qua cơ hội chụp choẹt nhiều ảnh đẹp trong cánh đồng cỏ bàng thuộc khuôn viên khu du lịch Cánh đồng bất tận. Đây là một cánh đồng hoang sơ, được bắc thêm cây cầu gỗ thuận tiện cho du khách đi lại. Bạn sẽ có “1001 bức ảnh” đẹp xịn sò ở đồng cỏ.
Ngoài ra, du khách nào thích những trò chơi mang tính hoạt động có thể tham gia chèo thuyền kayak, đi bộ trên dây qua sông hay đạp xe dọc theo những triền đê, hít thở khí trời trong lành, yên ả.
Đặc biệt, du khách khi vi vu điểm đến gợi nhớ đến tác phẩm văn học Cánh đồng bất tận vào mùa hoa súng, bạn còn có thể trải nghiệm đi xuồng trong đêm để ngắm hoa súng nở. Chắc hẳn đây là hoạt động tuyệt vời nhất mà ai cũng nên thử một lần khi về miền Tây.
Văn học và du lịch là hai phạm trù gắn liền nhau, không thể tách rời. Chính bối cảnh hiện thực của làng quê Việt là niềm cảm hứng để những nhà văn sáng tác nên những tác phẩm đi vào lòng người, thấm đẫm giá trị nhân văn. Nếu bạn là người yêu văn học Việt và muốn check in những điểm đến này ngoài đời thực, hãy một lần đến lò gạch cũ Quảng Nam, cây cô đơn ở Huế và khu du lịch Cánh đồng bất tận ở Long An.
Ngọc Anh
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)