Nếu 7 kỳ quan của thế giới cổ đại được tạo bởi bàn tay tài hoa của mẹ thiên nhiên, thì 7 kỳ quan thế giới mới - những tuyệt tác kiến trúc nghệ thuật, những công trình được bình chọn qua mạng lưới internet lại thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới. Bảy kỳ quan độc đáo ở khắp các châu lục này cũng là điểm đến thu hút khách du lịch ghé thăm, là cách để các quốc gia quảng bá hình ảnh đất nước mình ra khắp năm châu.
1. Đền Taj Mahal, Ấn Độ
Đền Taj Mahal - Tượng đài tinh yêu vĩnh cửu của Ấn Độ. Hoàng đế Shah Jahan đã xây dựng nó để tưởng nhớ hoàng hậu đẹp và yêu quý của ông đã từ trần: Hoàng hậu Mumtaz Mahal. Theo đạo Hồi, hoàng đế Shah Jahan có quyền cưới 4 bà vợ, nhưng vì tình yêu với Mumtaz Mahal, ông chỉ lấy một mình bà. Sau 19 năm, ông sống phần còn lại của đời mình một mình, và bỏ ra 22 năm để theo dõi việc xây dựng Taj Mahal cho bà.
Sách sử kể lại rằng chỉ qua một đêm sau khi vợ mất, râu và tóc của nhà vua đã trở nên bạc trắng. Và từ đó ông không lấy và ngủ với bất kỳ một người phụ nữa nào cho đến cuối đời.
Việc xây dựng đòi hỏi phải dùng cả nghìn thớt voi để vận chuyển các vật liệu xây dựng. Từ đá cẩm thạch tận Rajasthan, ngọc thạch anh ở Punjab, ngọc bích và pha lê ở Trung Hoa, và nhiều đá quý khác từ Tây Tạng, Sri Lanka, Afghanistan và Arabia.
Taj Mahal được coi là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu, là những giọt lệ rơi được tạc bằng đá cẩm thạch và thể hiện niềm tin tuyệt đối vào đấng Allah. Ngôi đền được ghi nhận là một Di sản Thế giới của UNESCO năm 1983 và được miêu tả là một “kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới”.
2. Tượng Chúa Cứu thế, Brazil
Tượng Chúa Cứu Thế là một trong những công trình điêu khắc nghệ thuật (Art decor) lớn nhất thế giới và là một trong những biểu tượng của thành phố Rio de Janeiro và đất nước Brazil nói chung. Bức tượng được hoàn thành vào năm 1931, Ý tưởng xây dựng một bức tượng lớn trên đỉnh Corcovado lần đầu được đề xuất vào giữa thập niên 1850, khi linh mục Pedro Maria Boss đề xuất đặt một công trình Kitô giáo trên núi Corcovado nhằm vinh danh Công chúa Isabel, công chúa nhiếp chính của Brasil và là con của Hoàng đế Pedro II.
Tượng được tạc theo trường phái Art Deco, cao 30 mét), đặt trên bệ cao 8 mét, sải tay của tượng là 28 mét, nặng 635 tấn, nằm trên đỉnh của Corcovado cao 700 mét, thuộc công viên quốc gia rừng Tijuca hướng về phía thành phố Rio de Janeiro, thủ đô Brazil. Tượng Chúa Cứu Thế được xem như một biểu tượng của hòa bình và lòng hiếu khách của Brazil, được bao phủ trong hàng ngàn viên đá nhỏ.
Tượng Chúa Cứu Thế trong tiếng Bồ Đào Nha là Cristo Redentor (hay Christ the redeemer) được xây dựng vào năm 1931 để tượng trưng cho cơ đốc giáo, bức tượng Chúa cứu thế làm bằng bê tông cốt sắt và bên ngoài được phủ bên ngoài bằng các mảnh đá steatite nhỏ ghép lại mà người dân ở đây gọi nôm na là "piedra sabao" hay đá "xà phòng" (Đây là loại đá mềm có thể lấy móng tay cạo ra được rất dễ tạo hình, nhưng lại có sức kháng cự lớn và không bị biến dạng hoặc lở, nứt khi thời tiết thay đổi).
3. Thành phố cổ Petra, Jordan
Petra xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ xưa “Petros”, có nghĩa là đá, tức là một thành phố cổ đại được khắc trong lòng đá. Petra nằm ở phía nam Jordan giữa Biển Chết và Biển Đỏ, cách thủ đô Amman vài giờ lái xe, và nó được cho là đã được thành lập vào khoảng năm 300 trước Công nguyên. Thành phố cổ nổi tiếng vì có rất nhiều bức tượng được tạc trên vách đá.

Trong ngôn ngữ cổ của người Semit vùng Trung Đông, người ta gọi Petra là Raqmu - “đa sắc”. Cái tên thật đúng với nơi này: lớp sa thạch hồng đỏ vốn đã đẹp nao lòng còn được thiên nhiên trang trí thêm những đường vân xanh, vàng, trắng, đen, uốn lượn và xếp lớp, tinh tế đến tuyệt mỹ. Không ai biết Petra được hình thành từ bao giờ. Chỉ biết vùng đất này nằm ở vị trí đắc địa cho việc buôn bán, nằm trên con đường thương mại nối giữa vùng Tây Á và Ai Cập thời xưa. Vì vậy, người Nabatean đã chọn nơi đây làm thủ đô và thành phố bắt đầu hưng thịnh trong vài thế kỷ trước và sau Công nguyên (SCN). Người Nabatean là một dân tộc Ả Rập du mục cổ đại, chuyên sống bằng giao thương. Họ vừa là những kỹ sư thủy lợi vừa là những kiến trúc sư tài ba.

Petra chứa vô số các lăng mộ, hầu hết được xây dựng ở rìa thành phố, phía trên đường phố chính. Một số ngôi mộ được thiết kế đơn giản, chứa rất nhiều hố chôn trong một lăng mộ đá không trang trí, trong khi một số khác được thiết kế tinh xảo. Lăng mộ nổi tiếng nhất của Petra là Khazneh, tiếng Ả-rập có nghĩa là “Kho báu”. Được gọi như vậy vì người dân địa phương đã từng tin rằng ngôi mộ chứa kho báu bí mật. Ngày nay, các nhà khảo cổ học gọi nó là lăng mộ cao hai tầng. Kích cỡ măt tiền được đo với chiều cao 39 mét và chiều rộng 25 mét.
Trong hàng trăm năm, Petra tiếp tục phát triển và hưng thịnh sau khi được sáp nhập vào đế chế của người La Mã. Bằng tài năng của mình, các kiến trúc sư người Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và cả Nabatean cùng góp công xây dựng nên một Petra kỳ vĩ, mà một phần vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.
4. Vạn Lý Trường Thành, Trung Quốc
Từ lâu Vạn Lý Trường Thành được xem là một công trình kiến trúc độc đáo không chỉ của Trung Quốc mà của cả nhân loại. bắt đầu được xây vào cuối thời chiến quốc, khoảng năm 221 trước Công Nguyên. Tuy nhiên, trước đó nhà Tần đã xây dựng một bức tường khổng lồ dài hàng trăm km bằng đất nện. Nó giúp họ giành chiến thắng, khi đã có vị trí chắc chắn, nhà Tần bắt đầu chuyển sự chú ý về phương Bắc và xây nên Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng.
Bức tường này được xây theo từng đoạn, một số đoạn cổ nhất xuất hiện từ năm 221 trước Công Nguyên. Đó là cuối thời Chiến quốc, và khi nhà Tần thống nhất các nước, họ bắt đầu kết nối hệ thống tường thành của đối phương thành một mạng lưới thống nhất. Quá trình này chỉ kết thúc ở đời nhà Minh, vào khoảng giữa năm 1368 và 1644. Đó là một công trình phòng thủ khổng lồ, không chỉ là một bức tường mà còn là một loạt tháp canh, pháo đài và chỗ trú ẩn. Nó dài tới hơn 20 nghìn km, nhưng đó không phải bức tường thành đầu tiên được xây dựng.

Việc xây dựng bức tường này là một thử thách rất lớn. Người ta phải đưa loại đất mịn tới địa điểm xây dựng, trộn với vữa rồi đổ thành từng đống tại nơi bức tường sẽ hình thành. Sau đó, các khối đất này sẽ được nện cho tới khi chúng trở thành bức tường vững chãi còn tồn tại tới ngày nay. Việc xây dựng cần tới nhiều tấn đất mịn, tất cả đều được đưa lên núi bằng sức người và sức ngựa, trước khi chúng được sử dụng cho việc xây dựng. Bức tường này nhằm bảo vệ nhà Tần khỏi kẻ thù bên ngoài và cả các nước láng giềng.
5. Đấu trường La Mã, Rome
Đấu trường La Mã (Colosseum) là một đấu trường lớn ở thành phố Roma được xây dựng Đấu trường Colosseum bắt đầu dưới thời Hoàng đế Vespasian vào khoảng năm 70-72, và hoàn thành vào năm 80 dưới thời Titus. Công trình liên tiếp được điều chỉnh dưới triều vua Domitian. Sau trận đại hỏa hoạn thành Roma vào năm 64 sau Công nguyên, khu đất xây dựng đấu trường bị bỏ hoang và được hoàng đế Nero cho xây dựng công trình Domus Aurea tại địa điểm này. Sau bao nhiêu năm xây dựng và sụp đổ do động đất và chiến tranh, những thay đổi ít nhiều đã được tạo ra và hình thành một đấu trường Colosseum như ngày nay.

Ban đầu đấu trường La Mã được thiết kế để chứa được 50.000 người. Sau đó, các kiến trúc sư đã mở rộng thiết kế, nâng sức chứa của công trình này lên đến 55.000 người. Công dụng chính của đấu trường là làm nơi đấu của các võ sỹ. Theo ước tính, hơn 500.000 người và hơn 1 triệu động vật chết khi tham gia các trò chơi sinh tử đẫm máu ở đấu trường La Mã nhằm mua vui cho mọi người trong thời gian công trình này hoạt động.
Khi còn nguyên vẹn, chu vi bên ngoài của đấu trường là 545m. Khi xây dựng, người ta đã dùng tới 100.000 m đá travertine được giữ với nhau bằng 300 tấn vòng kẹp sắt. Người La Mã đã dùng hơn 25.000 m khối vữa và sỏi để trộn thành một loại bê tông, đồng thời dùng hơn 1 triệu viên gạch kích cỡ khác nhau trong công trình này. Số tiền dùng để xây đấu trường Colloseum được lấy từ chiến lợi phẩm trong cuộc chiến với người Do Thái vào năm 66 tới 73. Khoảng 50.000 cân bạc và vàng đã được thu về từ ngôi đền tại Jerusalem.
6. Machu Picchu, Peru
Thành phố Machu Picchu nằm ở Thung lũng Urubamba tại đất nước Peru, là một phế tích của người Inca bị thế giới bên ngoài lãng quên từ nhiều thế kỷ. Năm 1911, thành phố này đã gợi lên sự chú ý của thế giới nhờ nhà khảo cổ học Hiram Bingham.
Machu Picchu chỉ vỏn vẹn 5 km vuông, được chia thành 3 khu vực: Quận Thiêng Liêng, Quận thông dụng để ở và Quận dành cho quý tộc, thầy cúng với 140 công trình kiến trúc như đền đài, nhà thờ, công viên, nhà ở và cả... nhà tù. Bóng của rặng núi phía sau Machu Picchu là hình bộ mặt người Inca nhìn lên phía bầu trời và đỉnh lớn nhất Huayna Picchu (có nghĩa Đỉnh Trẻ) chính là cái mũi của nó.
Từ dưới nhìn lên không thể thấy, cũng không thể biết có sự tồn tại của Machu Picchu. Xung quanh Machu Picchu là một hệ thống ruộng bậc thang, chuồng trại... do đó có thể thấy đây là thành phố tự cung tự cấp và tách biệt với thế giới bên ngoài. Công trình nổi bật nhất tại Machu Picchu là Intihuatana (Cột mặt trời) gồm một tảng đá đặt trên bệ đá có kích thước bằng một cây đàn piano.
7. Khu di tích Chichén Itzá, Mexico
Chichen Itza là địa điểm khảo cổ thời tiền Colombo do nền văn minh Maya xây dựng, nằm ở trung tâm phía bắc Bán đảo Yucatán, Mexico ngày nay. Trong tiếng Maya, "chichen" có nghĩa là "miệng giếng" còn "Itza" là "của người Itza". Như vậy Chichen Itza có nghĩa là "miệng giếng của người Itza".
Vì Chichen Itza nằm trong khu vực khô hạn của Trung Mỹ và nguồn nước chủ yếu lấy từ những hang động trên núi đá nham thạch nên nơi này mới được gọi là "miệng giếng của người Itza". Chichen Itza là nút giao thoa quan trọng giữa hai nền văn minh kỳ bí xưa kia: văn minh Maya và văn minh Toltec.
Địa điểm này chứa đựng vô số các phong cách kiến trúc, từ cái gọi là "kiểu Mexico" và kiểu các phong cách tìm thấy ở trung Mexico cho tới phong cách Puuc được tìm thấy tại Puuc Maya ở các vùng đất thấp phía bắc. Sự hiện diện của các phong cách Mexico từng được cho là biểu hiện của sự di cư trực tiếp hay thậm chí là sự chinh phục của vùng trung Mexico.
Công trình chính của quần thể Chichen Itza rộng 6,5 km2 là các kim tự tháp của người Maya có niên đại trên 1.500 năm. Nổi bật nhất trong khu di tích là đền thờ Kukulcan (tên Maya của vua Quetzalcoatl), thường được gọi là EL Castillo (Lâu đài). Đây là một công trình kim tự tháp bậc với các mái phẳng cùng bậc thang ở cả bốn cạnh dẫn đến ngôi đền trên đỉnh.
>>Xem thêm: