Banner Movi

10 tàu cao tốc nhanh nhất thế giới

Thứ tư, 04/03/2015, 14:53 GMT+7
Hãng tin CNBC mới đây đã đưa ra 10 đoàn tàu có tốc độ nhanh nhất, dựa trên vận tốc đoàn tàu đạt được. Bảng thành tích này bao gồm những kỷ lục vận tốc đạt được trong những lần chạy thử ở cả tàu điện và tàu đệm từ trường, cũng như các loại tàu thử nghiệm.
quảng cáo

10. Siemens Velaro RUS (Nga)



Tốc độ tối đa: 280 km/giờ
Công suất chuyên chở: 600 khách

Nhằm mở rộng hệ thống đường sắt cao tốc trước khi đăng cai Cúp bóng đá thế giới năm 2018, Nga đã mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu thầu các hợp đồng phát triển đường sắt nối liền các thành phố của quốc gia này.

Đoàn tàu cao tốc nhanh nhất ở Nga hiện đang khai thác tuyến từ Moscow đến St. Petersburg, được đưa vào sử dụng tháng 12/2009. Đoàn tàu này do Đức xây dựng, còn có tên khác là Sapsan, đã giảm thời gian đi lại giữa hai thành phố từ 8 giờ trước kia xuống còn 3 giờ 45 phút. Tàu này có 10 toa và hiện đang chạy với tốc độ tối đa 250 km/giờ, nhưng trong các lần thử nghiệm năm 2009, tốc độ cao nhất mà nó đạt được lên tới 280 km/giờ.

9. THSR 700T (Đài Loan)



Tốc độ tối đa: 300 km/giờ
Công suất chuyên chở: 989 khách

Đường tàu cao tốc trị giá 18 tỷ USD của Đài Loan là một trong những dự án xây dựng đường sắt bằng vốn tư nhân lớn nhất thế giới. Với quãng đường dài 344 km từ Đài Bắc tới Cao Hùng, đoàn tàu mang tên THSR 700T đã giảm thời gian đi lại từ 4 tiếng rưỡi trước kia xuống còn 90 phút.

Bắt đầu được khai thác từ năm 2007, đoàn tàu cao tốc này được xây dựng trên hình mẫu đoàn tàu "viên đạn" Shinkansen 700 của Nhật Bản. Sự kiện này cũng đánh dấu lần đầu tiên, công nghệ tàu cao tốc của Nhật Bản được xuất khẩu ra nước ngoài. Năm 2010, tàu THSR 700T đã chuyên chở số hành khách kỷ lục lên tới 36,9 triệu người, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ thống tàu cao tốc của Đài Loan hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận, sau khi các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc khai thác quá mức các giếng nước ngầm đã khiến vùng đất xây dựng đường sắt bị sụt lún


8. KTX-I (Hàn Quốc)



Tốc độ tối đa: 305 km/giờ
Công suất chuyên chở: 965 khách

Mạng lưới tàu cao tốc của Hàn Quốc chuyên chở 100.000 hành khách mỗi ngày trên hai tuyến. Sau 12 năm xây dựng, tuyến tàu cao tốc đầu tiên được mở cửa vào năm 2004, giảm hơn một nửa thời gian đi lại từ Seoul xuống Busan, xuống còn 2 giờ 40 phút. Thời gian đi lại giữa hai thành phố này thậm chí còn giảm thêm 22 phút nữa, khi tuyến thứ hai đi vào hoạt động.

Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đoàn tàu cao tốc, từ năm 2003 đến năm 2007, công suất khai thác ghế của các hãng hàng không nội địa Hàn Quốc đã giảm hơn 30%. Mặc dù việc ra mắt các hãng hàng không giá rẻ giúp công suất này tăng lên, nhưng số lượng hành khách đi máy bay vẫn thấp hơn so với trước khi có đường tàu cao tốc.

Kim Byung-ho, Trưởng dự án đường sắt cao tốc của Hàn Quốc từng tiết lộ, công nghệ đường sắt cao tốc của Hàn Quốc có thể ngang bằng Pháp, Đức và Nhật Bản, khi nước này có thể vừa tự thiết kế vừa thi công. Thế giới hiện mới chỉ có Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đủ khả năng xuất khẩu công nghệ đường sắt cao tốc. Mặc dù so với các nước phát triển khác, công nghệ đường sắt cao tốc của Hàn Quốc chưa hẳn nổi trội, nhưng đã thu hút được sự chú ý của nhiều đối tác nhờ giá thành rẻ.

7. Eurostar 3313/14 (Anh)



Tốc độ tối đa: 333 km/giờ
Công suất chuyên chở: 750 khách

Khi đưa vào khai thác từ năm 1994, đoàn tàu mang tên "Ngôi sao châu Âu" này đã thay đổi cách đi lại giữa các nước Tây Âu, khi nối nước Anh với các thành phố ở Pháp và Bỉ bằng đường sắt qua đường hầm Channel.

Với hơn 100 điểm đến trên khắp châu Âu, mạng lưới đường sắt cao tốc này đã đánh dấu việc phục vụ hành khách thứ 100 triệu vào tháng 8/2009. Tốc độ chuyên chở hành khách đạt tới 300 km/giờ, nhưng vào năm 2003, đoàn tàu Eurostar 3313/3314 này đã phá vỡ kỷ lục đường sắt nước Anh khi đạt tới vận tốc 333 km/giờ.

6. ETR 500 Frecciarossa (Italy)



Tốc độ tối đa: 362 km/giờ
Công suất chuyên chở: 590 khách

Là một trong những nước tiên phong về công nghệ tàu cao tốc ở châu Âu, Italy là quê nhà của tuyến tàu cao tốc đầu tiên ở lục địa già. Đường tàu cao tốc nối liền hai thành phố Florence và Rome này đã được ghi vào lịch sử, khi phân nửa đoạn đường dài 134,4 km nối từ Rome tới Citta della Pieve được đưa vào khai thác năm 1977, với tốc độ cao nhất là 257 km/giờ.

Kể từ đó tới nay, mạng lưới tàu cao tốc của Italy đã phát triển về căn bản, nối tới Torino ở đỉnh đầu phía bắc đất nước và Napoli ở điểm ngọn phía nam. Dòng ETR 500 hiện có tốc độ nhanh nhất ở nước này, với ETR 500 Y1 có thể đạt tới vận tốc 362 km/giờ vào năm 2009 trên tuyến Florence - Bologna.

Đầu tháng này, hơn 200 người đã bị thương trong một cuộc biểu tình phản đối kế hoạch xây dựng đường ngầm dài 58 km ở thung lũng Susa, miền bắc Italy, nhằm giảm bớt 3 tiếng thời gian đi lại bằng tàu hỏa từ Paris đến Milan từ 7 giờ như hiện nay. Những người biểu tình nói rằng, tuyến tàu sẽ tàn phá vùng đất này và việc xây dựng sẽ để lại những hóa chất độc hại.

Tương lai ngành vận tải Italy được nhận định sẽ thuộc về các tuyến đường cao tốc tư nhân, và họ sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu có dịch vụ này. Kể từ năm 2011, hãng Nuovo Trasporto Viaggiatori sẽ sử dụng đoàn tàu mang nhãn hiệu Alstom AVG để cạnh tranh trực tiếp với các đoàn tàu của chính phủ.

5. AVE Class 103 (Tây Ban Nha)



Tốc độ tối đa: 404 km/giờ
Công suất chuyên chở: 404 khách

Tây Ban Nha hiện là quốc gia có mạng lưới đường tàu cao tốc dài nhất ở châu Âu, với 5.524,8 km đường tàu. Dự kiến, tới năm 2020, nước này sẽ có 10.000 km đường ray cao tốc. Kế hoạch hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng chiến lược của Tây Ban Nha đã tiến xa thêm một bước, khi họ khuyến khích việc chở hàng trên hệ thống đường ray này.

Đoàn tàu có tốc độ nhanh nhất của Tây Ban Nha thuộc dòng AVE, được sản xuất bởi một số hãng như Siemens, Alstom và Bombardier. Bắt đầu đưa vào khai thác thương mại trong năm 2007, đoàn tàu AVE lớp 103 do Siemens xây dựng đã đạt tới tốc độ kỷ lục 404 km/giờ trong cuộc chạy thử nghiệm từ Madrid đến Zaragoza. Tuy nhiên, tốc độ tối đa của các đoàn tàu thương mại ở Tây Ban Nha giới hạn ở 299 km/giờ, để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công Khu vực đồng Euro, Bồ Đào Nha dự định ngừng kế hoạch xây dựng một tuyến đường tàu cao tốc mới tới Tây Ban Nha, kết nối hai thành phố Madrid và Lisbon trong vòng 2 giờ 45 phút, thay vì 9 tiếng như hiện tại.

4. Transrapid TR-07 (Đức)



Tốc độ tối đa: 435 km/giờ
Công suất chuyên chở: Thử nghiệm

Đức là một trong số ít quốc gia trên thế giới đang dẫn đầu về công nghệ đường sắt cao tốc. Quốc gia này là quê nhà của Siemens, hãng đóng tàu cao tốc lớn nhất thế giới. Là đơn vị phát triển hệ thống Transrapid, các công ty của Đức như Siemens và ThyssenKrupp đã phát minh ra loại tàu đệm từ trường có thể đạt tới vận tốc 500 km/giờ. Năm 2004, tàu Maglev Thượng Hải ở Trung Quốc là chiếc tàu Transrapid thương mại đầu tiên chở hành khách, đạt vận tốc 429,7 km/giờ.

Mặc dù công nghệ tàu đệm từ trường được phát triển ở Đức, nhưng chúng chưa bao giờ được sử dụng vào mục đích thương mại ở quốc gia này. Công nghệ tàu đệm từ trường tại Đức đã phải đối mặt với một số khó khăn như chi phí cao và vụ tai nạn làm 25 người thiệt mạng khi chạy thử năm 2006. Thay vào đó, hệ thống tàu InterCityExpress (ICE) đã được đưa vào sử dụng rộng rãi từ năm 1991. Các đoàn tàu ICE đạt vận tốc tối đa 320 km/giờ, nối liền các thành phố của Đức với Thụy Sỹ, Áo, Bỉ và Hà Lan.

Tai nạn tàu ICE ở làng Eschede (Đức) năm 1998 được xem là tai nạn đường sắt cao tốc thảm khốc nhất thế giới, làm 101 người thiệt mạng. Người lái tàu đã không bảo dưỡng bánh xe thường xuyên, dẫn đến việc chúng càng ngày càng mòn và nứt. Vết nứt đó ngày càng to lên, làm đai quanh bánh xe bật ra và cả đoàn tàu trật khỏi đường ray.

3. CRH380AL (Trung Quốc)



Tốc độ tối đa: 486 km/giờ
Công suất chuyên chở: 600 khách

Trung Quốc hiện là quốc gia có mạng lưới đường tàu cao tốc dài nhất thế giới với hơn 9.650 km đường ray đang trong quá trình khai thác. Đến năm 2020, Chính phủ Trung Quốc còn dự định sẽ xây dựng được một mạng lưới đường dài 12.800 km.

Cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc cũng đã đưa vào khai thác tuyến cao tốc dài nhất từ Bắc Kinh tới Thượng Hải, dài khoảng 1.300 km. Để hoàn thành đường tàu này, người ta đã sử dụng lượng bê tông nhiều gấp đôi trong vụ xây dựng đập Tam Hiệp với 60 triệu mét khối. Tàu CRH380AL đạt vận tốc 299 km/giờ, nhưng trong lần thử nghiệm nó có thể đạt tới tốc độ tối đa 486 km/giờ. Đoàn tàu này được thiết kế với công suất chuyên chở 80 triệu hành khách mỗi năm.

Hệ thống tàu đệm từ Thượng Hải bắt đầu vận hành năm 2004 để nối các trung tâm thành phố với sân bay cách đó 30 km. Hệ thống này cũng đang dược mở rộng đến Hàng Châu.

2. TGV V150 (Pháp)



Tốc độ tối đa: 574,5 km/giờ
Công suất chuyên chở: Thử nghiệm

Pháp đang tăng tốc trước phần còn lại của châu Âu trong cuộc đua xây dựng mạng lưới tàu cao tốc chức năng đầy đủ nhất đầu tiên, mặc dù hệ thống Train à Grande Vitesse (TGV) của Pháp từ lâu đã là thương hiệu nổi tiếng nhất trong số các hệ thống đường ray cao tốc vì nó an toàn, nhanh và tiện lợi.

Đoàn tàu TGV đầu tiên do hãng Alstom chế tạo được đưa vào chạy từ năm 1981, nối Paris và Lyon. Sau đó, mạng lưới này được mở rộng ra 150 điểm đến giữa Pháp và các nước láng giềng. Bị giới hạn ở tốc độ 322 km/giờ, đoàn tàu TGV V150 trước đó từng đạt tốc độ kỷ lục 574,5 km/giờ vào năm 2007, nhanh thứ hai trên thế giới. Công nghệ cao tốc của TGV đã được sử dụng cho nhiều đoàn tàu quốc gia ở nhiều nước châu Âu như Anh, Bỉ, Hà Lan và Đức.

Tháng trước, Alstom đã ký một thỏa thuận sơ bộ về xây dựng một đường tàu cao tốc ở Iraq, nối liền Baghdad và Basra.

1. JR-Maglev MLX01 (Nhật Bản)



Tốc độ tối đa: 581 km/giờ
Công suất chuyên chở: Thử nghiệm

Nhật Bản là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ tàu cao tốc. Nước này cũng đã mở đầu lịch sử đường sắt cao tốc hiện đại của thế giới khi đưa đoàn tàu đầu tiên vào khai thác năm 1964.

Đánh dấu sự đột phá trong lĩnh vực này, người Nhật đã ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên của loại tàu "viên đạn" Tokaido Shinkansen, với tốc độ cao nhất 209 km/giờ. Đoàn tàu này đã chuyên chở hơn 100 triệu hành khách chỉ trong vòng 3 năm đầu tiên. Hiện nay, đoàn tàu này vẫn đang được khai thác trên mạng lưới đường sắt đông đúc nhất thế giới, với 378.000 lượt khách mỗi ngày.

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự án 112,44 tỷ USD để xây dựng đường tàu đệm từ trường giữa Tokyo, Nagoya và Osaka, với thời hạn hoàn thành là năm 2027 hoặc xa hơn. Những đoàn tàu siêu nhanh này dự kiến giảm bớt thời gian đi lại hiện tại giữa Tokyo và Osaka từ 2 giờ 18 phút bằng Shinkansen xuống còn hơn 1 giờ.

Hiện, tàu JR-Maglev MLXO1 đang thử nghiệm được coi là đoàn tàu nhanh nhất thế giới, với tốc độ thử nghiệm năm 2003 đạt tới 581 km/giờ.
quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
    CÁC TIN CÙNG CHUYÊN MỤC