Đến Huế là để “lạc vào” trong chốn cung đình cổ xưa, tìm về những giá trị nhân văn, có chiều sâu, để được lắng lại một thời kì vàng son đúng nghĩa!
"Nơi ấy từng là đất cố đô
Nơi lưu giữ dấu ấn của một triều đại vàng son ..."
Huế mang trong mình sự bình lặng vốn có của một miền di sản thiêng liêng, ôm vào lòng chiều dài lịch sử dân tộc. Người ta đến Huế không chỉ thưởng thức những cảnh đẹp lãng mạn, thơ mộng mà nơi đây còn lưu giữ vết tích Đại Nội Huế, chốn cung đình xưa cũ của triều đại cuối cùng - nhà Nguyễn ở Việt Nam.
Dưới lăng kính của nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ Anh, cung đình Huế hiện lên sống động, khiến cho người xem cảm nhận được hình ảnh nơi đây ở một thời vàng son.
Đại Nội Huế là một công trình kiến trúc độc đáo và cổ kính , là giá trị di sản được thế giới công nhận của vùng đất Cố đô!
Nằm ở bên bờ dòng sông Hương, Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới và còn lưu giữ nhiều dấu ấn đặc sắc của nét phong kiến triều đình nhà Nguyễn hàng trăm năm trước.
Đại Nội Huế là cụm di tích bao gồm Hoàng Thành (nơi vua thiết triều và làm việc) và Tử Cấm Thành (nơi sinh hoạt của vua và hoàng tộc).
Là một công trình có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam, Di tích Đại Nội Huế có quá trình xây dựng kéo dài tới 30 năm với hàng vạn người thi công cùng hàng loạt các công việc như lấp sông, đào hào, đắp thành, dời mộ… cùng khối lượng đất đá khổng lồ lên đến hàng triệu mét khối.
Trải qua bao thăng trầm và biến cố của lịch sử, công trình kiến trúc Đại Nội Kinh thành Huế vẫn luôn sừng sững oai nghiêm, mãi là một tài sản văn hóa truyền thống quý báu của lịch sử triều Nguyễn để lại.
Lăng tẩm của các vị Hoàng đế là điều không thể không nhắc đến, và cũng không thể không đặt chân đến, để uy nghiêm một khoảnh khắc, để nhìn lại một thời tráng lệ.
Lăng Khải Định chính là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình, là một công trình có giá trị cao về nghệ thuật và kiến trúc trong tất cả các lăng tẩm ở Huế.
Lăng Minh Mạng còn gọi là Hiếu lăng do vua Thiệu Trị cho xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 để chôn cất vua cha Minh Mạng. Lăng nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km.
Lăng Tự Đức được chính vua Tự Đức cho xây dựng khi còn tại vị, là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ, sau cuộc nổi loạn Chày Vôi, Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung. Sau khi Tự Đức mất, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng. Lăng có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.
Nguyễn Kỳ Anh, sinh nam 1995, tốt nghiệp Thủ khoa Đại học Kiến Trúc TP.HCM, chuyên ngành Thiết kế Nội Thất
Với Kỳ Anh, chụp ảnh là đam mê và trong mỗi bộ ảnh của mình, anh đều chọn một chủ đề cụ thể, đặt một cái tên cụ thể nhằm truyền được cảm hứng đến với nhiều người.
Kỳ Anh mong rằng sẽ có nhiều thời gian và cơ hội hơn, đi đến nhiều nơi hơn, thực hiện nhiều bộ ảnh hơn vì với anh, ký ức giữ lại hữu hình nhất ký ức trong những khung hình.
Cùng xem những hình ảnh về cung đình Huế qua lăng kính của Kỳ Anh
Ảnh + Review: Nguyễn Kỳ Anh
Đặng Phương
Theo Báo Thể Thao Việt Nam