Thủ đô Vienna của Áo, thành phố Leipzig của Đức hay “cố đô” Saint Petersburg của Nga hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân thú vị khi du lịch châu Âu đối với những người yêu nhạc cổ điển.
Đối với tín đồ nhạc cổ điển, châu Âu là quê hương của những nhà soạn nhạc bậc thầy như Mozart, Beethoven, Bach, Brahms... Tác phẩm của họ không chỉ nổi tiếng trên thế giới mà còn đứng vững trước thử thách khắc nghiệt của thời gian.
Còn gì thú vị hơn khi được thưởng thức những bản nhạc quen thuộc tại chính nơi chúng được khai sinh? Dưới đây là 7 địa danh mà fan của nhạc cổ điển nhất định phải ghé qua, giúp cho chuyến du lịch châu Âu trở nên đáng nhớ.
Thủ đô Vienna của Áo từ lâu đã được mệnh danh là “viên ngọc quý” của nền âm nhạc cổ điển châu Âu, nơi các thế hệ của những nhà soạn nhạc vĩ đại từng sinh sống và sáng tác dưới thời Hoàng tộc Hapsburg. Một trong số đó có thể kể đến Wolfgang Amadeus Mozart, ông là nghệ sĩ đầu tiên biểu biễn cho Hoàng hậu Maria Theresa tại Cung điện Schönbrunn. Sau nhiều năm lưu diễn, cuối cùng, ông định cư ở đây và kết hôn với vợ mình (bà Constanze) tại nhà thờ Saint Stephen.
Mozart không phải nhà soạn nhạc duy nhất thành danh ở Vienna. Ludwig van Beethoven cũng từng đến thành phố này để theo học âm nhạc từ người thầy Joseph Haydn. Trong 35 năm tại Áo, ông từng sống trong một căn hộ ở Pasqualati House. Đây cũng là nơi nhà soạn nhạc gốc Đức cho ra đời những tác phẩm xuất chúng. Sau này, Beethoven chuyến đến Heiligenstadt. Năm 2017, nơi ở cũ của ông được chuyển đổi thành viện bảo tàng.
Di sản âm nhạc Vienna không dừng lại ở đó. Du khách đến Vienna còn có thể ghé thăm nơi an nghỉ cuối cùng của những “huyền thoại” như Beethoven, Schubert, Brahms, Strauss và Schoenberg tại Nghĩa trang Central Cemetery, tưởng nhớ đến những gì họ đã để lại cho đời sau.
Cách Vienna khoảng 3 giờ lái xe về phía Tây là thành phố Salzburg – di sản văn hóa Thế giới của UNESCO. Khu phố cổ nằm bên bờ sông Salzach còn được gọi là thành phố Mozart bởi đây vốn là nơi thần đồng âm nhạc được sinh ra và sống hơn nửa cuộc đời ngắn ngủi của ông.
Cuộc trải nghiệm nước Áo sẽ không trọn vẹn nếu bạn “bỏ lỡ” căn nhà Mozart từng chào đời và nơi ông cùng gia đình chuyển đến khi 17 tuổi. Hiện tại, cả hai địa điểm này đều đã trở thành bảo tàng, nơi lưu trữ những “dấu son” trong cuộc đời cũng như sự nghiệp của vị thiên tài.
Du khách cũng có thể dừng chân tại Nhà thờ lớn Salzburg được xây dựng vào năm 774 – nơi Mozart được đặt tên và chơi piano khi còn là một đứa trẻ. Với những buổi hòa nhạc diễn ra quanh năm, sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời cho những ai có cơ hội thưởng thức các tác phẩm của Mozart tại quê hương nhà soạn nhạc nổi tiếng.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH CHÂU ÂU KHUYẾN MÃI
>> Hà Nội - Châu Âu: Séc - Áo - Hungary- Slovakia 9 Ngày Bay Thẳng Bamboo Airways >> Du Lịch Đông Âu: Hà Nội - Séc - Áo - Hungary 9 Ngày Bay Qatar Airways |
Nằm ở bang Saxony, thành phố Leipzig đã trở thành một phần quan trọng trong lịch sử âm nhạc của người Đức.
Điểm thu hút đầu tiên đối với các tín đồ âm nhạc phải kể đến Nhà thờ Saint Thomas – nơi Johann Sebastian Bach từng làm việc với vai trò người điều khiển ban ca trong nhà thờ từ năm 1723 cho đến khi qua đời năm 1750. Tại đây, ông đã sáng tác một số lượng lớn các bản nhạc baroque. Hiện Bach đang được chôn cất tại nhà thờ Lutheran cũ. Tên của ông gắn liền với Leipzig Bach Festival – một sự kiện âm nhạc nổi tiếng – diễn ra tháng 6 hàng năm.
Cách Saint Thomas không xa là bảo tàng Bach. Khách tham quan có thể tìm thấy bộ sưu tập những bản nhạc và bản thảo gốc của ông. Đặc biệt, bạn sẽ có dịp khám phá cây phả hệ (family tree) của gia đình nhà soạn nhạc, từ đó thấy được vai trò quan trọng của âm nhạc qua các thế hệ.
Ở trung tâm thành phố Leipzig, du khách cũng có thể tìm đến căn nhà nơi Felix Mendelssohn Bartholdy (1809-1847) từng sinh sống. Ông là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm và chỉ huy dàn nhạc người Đức thuộc giai đoạn đầu thời kỳ âm nhạc Lãng mạn.
Sau khi Felix Mendelssohn Bartholdy qua đời, căn nhà cũ kỹ trên tầng hai của ông được khôi phục thành khu bảo tàng chào đón khách du lịch trong một không gian hoài niệm, đồ đạc trang trí theo phong cách nội thất cuối thời kỳ Biedermeier (1815-1845).
Prague cũng là “cái nôi” của âm nhạc cổ điển châu Âu, nơi thành danh của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng. Điển hình như Mozart với vở opera “The Marriage of Figaro”. Sau đó, đến tác phẩm “Don Giovanni” của ông được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Prague Estates (năm 1787). Cho đến nay, nhà hát đã trở thành “điểm hẹn” không thể bỏ lỡ của các tín đồ nhạc cổ điển.
Ngoài Mozart, một số nhà soạn nhạc người Séc, bao gồm Bedrich Smetana, cũng đã góp phần làm nên tên tuổi cho Prague trong nền âm nhạc cổ điển. Khi đặt chân đến thành phố, du khách có thể bắt gặp một bảo tàng nhỏ nằm trong một biệt thự gần cầu Charles – nơi tưởng nhớ cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Antonin Dvorak (1841-1904) được đánh giá là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất tại Séc và trên toàn thế giới với các bản nhạc giao hưởng thuộc hàng đỉnh cao. Tên ông hiện được đặt cho một hội trường, nơi dàn nhạc Philharmonic thường biểu diễn. Tương tự với Smetana, Dvorak cũng được “vinh danh” bằng một bảo tàng ở Prague. Tại đây, người hâm mộ sẽ có cơ hội thưởng thức những bản nhạc gắn liền với nghệ sĩ trong các sự kiện được tổ chức thường xuyên.
Gia tộc Romanov (gia tộc trị vì nước Nga cuối thế kỷ XIX) được biết đến với tình yêu âm nhạc và trở nên nổi tiếng khắp châu Âu nhờ bảo trợ cho các nhà soạn nhạc. Chính điều đó đã góp phần đưa “cố đô” Saint Petersburg thành nơi tập trung của những tài năng âm nhạc vĩ đại.
Ngày nay, khách du lịch hoàn toàn có thể thưởng thức tác phẩm của những nhà soạn nhạc người Nga nổi tiếng như Borodin, Rimsky-Korsakov, Stravinsky, Tchaikovsky, Rachmaninof tại một loạt địa điểm khác nhau trong thành phố như Saint Petersburg Academic Philharmonia hay Petersburg Chamber Opera.
Khi đặt chân đến Hungary, tín đồ nhạc cổ điển cũng có thể thưởng thức những bản nhạc yêu thích ngay tại thủ đô Budapest. Nhà hát Opera quốc gia Hungary là nơi diễn ra buổi biểu diễn của các tác phẩm nghệ thuật trong một hội trường được trang trí lộng lẫy. Nếu bạn có cơ hội tham dự môt buổi hòa nhạc thính phòng tại Saint Stephen Basilica, đừng chần chừ mà hãy sở hữu ngay cho mình một tấm vé.
Hungary còn là quê hương của Franz Liszt. Ông nổi tiếng trên toàn thế giới trong suốt thế kỷ XIX với vai trò một trong những nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc tài năng. Không xa nơi Franz Liszt từng sinh sống tại Budapest, du khách sẽ tìm thấy một bảo tàng tái hiện lại cuộc đời cũng như âm nhạc của ông.
Sau Franz Liszt, Kodály Zoltán và Béla Bartók cũng ghi dấu ấn với những bản hòa tấu cổ điển thế kỷ XX. Viện bảo tàng gắn với tên tuổi của họ đều là những điểm dừng chân yêu thích của du khách yêu nhạc cổ điển tại thủ đô Budapest.
Những ai từng đến với đất nước Na Uy xinh đẹp chắc chắn không thể bỏ qua căn nhà cũ của Edvard Grieg – một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất quốc gia Bắc Âu.
Căn nhà có tên gọi Troldhaugen tọa lạc ở thành phố cảng Bergen là nơi Edvard Grieg từng sinh sống cùng vợ Nina Grieg. Khu vực còn bao gồm bảo tàng Edvard Grieg, túp lều để ông sáng tác nhạc và nơi an nghỉ cuối cùng của hai vợ chồng.
Edvard Grieg được xem như một “lãnh đạo” trong thời kỳ âm nhạc lãng mạn với những tác phẩm “Piano Concerto in A minor” và “Peer Gynt”. Ông thường sử dụng và phát triển nhạc dân gian Na Uy trong những sáng tác của mình. Chính những đóng góp đó của Edvard Grieg đã giúp Na Uy ghi tên trên bản đồ âm nhạc thế giới.
Bảo Ngọc
Theo Báo Thể Thao Việt Nam