Nằm cách thủ đô Cairo gần 800 km, Karnak là ngôi đền quan trọng nhất trong quần thể vô số những đền đài lăng tẩm của thời kỳ Ai Cập cổ đại tại thành phố cổ Luxor.
>Mê hồn sông nước Niyodo
>Khaju - niềm tự hào của người dân Ifahan
>Bí ẩn ngọn đồi huyền thoại Glastonbury Tor
Đền Karnak nằm trong lòng thành phố mà ngay đường vào tôi đã nhìn thấy. Từ xa, những cột trụ bằng đá cùng hai hàng "vệ binh" xếp hàng dài thẳng tắp đã cuốn hút tôi. Trong cái nắng như thiêu như đốt của mùa hè xứ sở Ai Cập, Karnak oai vệ và trang nghiêm là nơi bất cứ ai khi đến Luxor cũng muốn đặt chân đến.
Những tháng mùa hè luôn là thời gian thấp điểm của du lịch Ai Cập, cái nắng lên đến 42 độ và trời chỉ tắt nắng sau 8h tối. Nhưng mặc cho mặt trời tỏa nhiệt hầm hập và bầu trời xanh không một gợn mây, du khách nước ngoài vẫn náo nức đến với Luxor - thành phố được xem là nóng nhất Ai Cập. Dễ dàng có thể hiểu được lý do khiến Luxor nói chung và đền Karnak nói riêng lại hấp dẫn khách du lịch đến thế khi ở đây có vô số những khám phá tuyệt vời.
Con đường vào đền Karnak ngập tràn những bông hoa phượng hồng xinh xắn và những cây chà là quả đang chín ngọt trên cành. Đền Karnak là đền thờ thần mặt trời Amun-Ree (Ree tiếng Ảrập là mặt trời). Đây là quần thể đền lớn nhất Ai Cập còn tồn tại cho đến ngày nay và cũng là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất của Ai Cập. Đền nằm phía đông của sông Nile, được xây dựng niên đại từ 1580 - 1160 năm trước Công nguyên và không chỉ được xây dựng bởi một Pharaoh mà bởi khoảng 30 vị Pharaoh nối tiếp nhau.
Theo các nhà nghiên cứu, đền Karnak luôn là nơi thờ cúng chính các vua Pharaoh trong vòng gần 2.000 năm và cũng là nơi linh thiêng nhất của người Ai Cập. Các vị vua đều muốn đặt dấu ấn của mình vào đền Karnak bằng những hoa văn, họa tiết khác nhau. Các vị vua hùng mạnh đã xây dựng nên những pylon (cổng vào) hoành tráng với những cột vòm khổng lồ trong khi các vị vua kém hùng mạnh hơn thì xây dựng những phần nhỏ hơn.
Cổng chào của đền là hai hàng Sư tử đầu cừu đồ sộ dù đã bị thời gian và chiến tranh làm hư hỏng nặng vẫn in nguyên dấu ấn của một thời kỳ huy hoàng. Trong cái nắng chói chang của mảnh đất Châu Phi, thoáng bóng những cô gái Ả Rập quấn kín khăn, choàng chiếc áo dài lang thang qua lại. Ngôi đền ngốn của tôi mất hơn 2 tiếng đồng hồ vì mải mê ngắm nhìn những cột đá chọc trời cùng những hình vẽ vô cùng tinh xảo trên nó.
Trong đền hiện còn lưu giữ hàng trăm cột đá cao 16m, đường kính rộng hơn 1m. Theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, cột đá là những cây hoa mọc lên từ đất. Do đó trên đỉnh những cột đá trong các ngôi đền cổ ta thường thấy chạm khắc các hình hoa văn mềm mại. Tường của đền được trang trí bằng các phù điêu miêu tả các pharaon dùng cung tên tiêu diệt cái ác cùng màu sắc hết sức sống động.
Ở mỗi một góc cạnh, những cột trụ lại tương phản bằng màu sắc khác nhau trong nắng. Dù thời gian và những phá hủy của thiên nhiên, con người đã làm những bức tượng trong ngôi đền không còn nguyên vẹn, Karnak vẫn là nơi người dân Ai Cập xem là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất của mình trong nhiều thập kỉ qua.