Không chỉ có nem chua, bánh rau má... đặc sản Thanh Hóa còn có cực nhiều món độc lạ như chả tôm, chẻo nhệch... Đây đều là những món ăn chơi, ăn vặt ngon mà nhất định du khách nên thưởng thức khi tới với xứ Thanh.
Đặc sản Thanh Hóa có rất nhiều món ngon, trở thành một điểm thu hút cho du khách xứ Thanh. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam khám phá xem nơi này có gì ngon để cùng bạn bè thưởng thức trong chuyến đi tới nhé.
1. Điểm danh các đặc sản Thanh Hóa ngon nổi tiếng
1.1. Các đặc sản biển Thanh Hoá
1.1.1. Gỏi cá nhệch
Gỏi cá nhệch xuất phát từ huyện Nga Sơn và dần nổi tiếng khắp tỉnh Thanh Hóa. Để làm món ăn này, nguyên liệu chính được sử dụng là cá nhệch, một loại cá khỏe, xuất hiện chủ yếu ở các đầm phá ven biển, cửa sông. Cá da trơn trượt, mình dài như con lươn và khó bắt.
Gỏi cá nhệch là đặc sản Thanh Hóa ngon có tiếng. Ảnh: Gỏi cá xứ Thanh
Gỏi nhệch xứ Thanh có thể ăn cùng nhiều thực phẩm khác nhưng ngon nhất vẫn là ăn cùng chẻo làm từ xượng cá. Chẻo đặc sánh, có màu đỏ sậm, có mùi hương đặc trưng khó tả. Khi ăn gỏi cá nhệch, thực khách ăn kèm lá sung, lá mơ, cúc tần, rau húng, rau ngổ, đinh lăng... Bạn cuốn lá sung thành hình phễu rồi cho gỏi cá và rưới chẻo lên trên, thêm vài nguyên liệu khác và thưởng thức.
Khi ăn đặc sản Thanh Hóa gỏi cá nhệch, thực khách sẽ cảm nhận được vị chan chát của các loại rau, sau đó là vị béo ngậy của chẻo chấm, vị ngọt của cá, thêm vị cay của gừng, xả, ớt... Du khách có thể ăn món này hoài không biết chán.
1.1.2. Mắm tép Hà Yên
Mắm tép Hà Yên được mệnh danh là đặc sản tiến vua vì từ xa xưa, mắm nổi tiếng thơm ngon nên được người dân chọn vào cung tiến vua mỗi dịp Tết đến. Mắm tép Hà Yên làm từ loại tép thân nhỏ, chỉ có trên sông Hoạt chảy qua địa bàn Hà Yên.
Đặc sản Thanh Hóa khác là mắm tép Hà Yên. Ảnh: Người lao động
Các công đoạn làm mắm tép không phải dễ, chỉ riêng đoạn làm sạch tép, chum đã tốn nhiều công sức. Nếu không cẩn thận, mắm tép có thể không ngon. Người ta cần ủ mắm tép trong tầm hơn 1 tháng là có thể ăn được. Lúc này, tép và thính gạo hòa quyện vào nhau tạo nên màu sắc đỏ gạch hút mắt. Khi ăn, tép vị đậm đà, hơi chùa, thơm mùi đặc trưng. Mắp tép không chỉ Hà Yên mới có nhưng mắm tép ở đây khác biệt bởi mắm tép nơi khác nhờ vị đượm và giàu dinh dưỡng.
1.1.3. Chả tôm
Chả tôm cũng là đặc sản Thanh Hóa mà bạn nhất định phải thưởng thức khi tới đây. Có thể nói rằng, hương vị món chả tôm xứ Thanh là món ăn cực khó tìm ở vùng Bắc Trung Bộ. Chả tôm được làm từ tôm tươi đắt bắt từ biển Sầm Sơn rất giàu dinh dưỡng. Tôm sẽ được giã nhỏ nhưng không được quá nhuyễn để vẫn đảm bảo độ ngọt của thịt tôm. Để tạo màu sắc bắt mắt cho chả tôm, người Thanh Hóa sẽ thêm vào đó một ít gấc.
Chả tôm món ăn đặc sản Thanh Hóa cho bạn no nê. Ảnh: Dealtoday
Bên ngoài nhân được cuốn bằng bánh phở rồi cắt ra bằng hai đốt ngón tay và đem nướng trên than hoa. Chả chín có màu vàng ruộm, hương thơm nức mũi. Chả tôm ngon nhất khi ăn nóng, chấm cùng nước mắm chua ngọt.
Tới Thanh Hóa, bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều nơi bán đặc sản này như số 74 Tân An; Số 8 Nguyễn Chích, quán chả tôm cô Hồng đường Lý Thường Kiệt; quán bà Thật – 9 Lê Thị Hoa...
1.1.4. Nước mắm Sầm Sơn
Nước mắm Sầm Sơn là sản phẩm truyền thống của địa phương bao năm qua. Trước đây, người dân làm nước mắm đơn giản để phục vụ đời sống hàng ngày, để biếu quà tặng nhau. Chẳng biết từ bao giờ, dần dần, nước mắm Sầm Sơn trở thành đặc sản Thanh Hóa nổi tiếng, trở thành món quà của nhiều khách du lịch Sầm Sơn mang về cho người thân ở nhà.
Từ chính nguồn hải sản phong phú mà người dân vùng biển Sầm Sơn đã chế biến thành thứ nước mắm nức tiếng. Bởi vậy ngoài nghề đi biển, nghề làm mắm đã nuôi sống biết bao hộ gia đình làng chài phường Quảng Tiến, Quảng Cư, Bắc Sơn, Trường Sơn... Nước mắm Sầm Sơn có hương vị rất đáng nhớ nhờ sản xuất từ cá cơm nguyên chất, lại có thời gian ủ lâu. Mắm cốt càng để lâu càng thơm ngon tuyệt vời và có giá trị dinh dưỡng cao.
1.1.5. Ốc mút Bến Ngự
Ở TP Thanh Hóa có một con đường dài mang tên Bến Ngự và chỉ cần dạo chơi con phố này bạn sẽ thấy khoảng hơn 10 quán chuyên bán các loại ốc biển, ốc khều, ốc hút. Do ngay đầu phố có chùa Thanh Hà nên nhiều người dân địa phương vẫn quen gọi đây là phố chùa Thanh Hà.
Bát ốc nóng hổi trên phố Bến Ngự từ lâu đã được biết tới là đặc sản Thanh Hóa. Ảnh: Ốc 13 Bến Ngự
Ốc mút ở Thanh Hóa khác biệt với những nơi khác. Loại ốc len sau khi được bắt ở ven biển xứ Thanh được mang về ngâm nước vo gạo loại bỏ bùn cát rồi để ráo nước. Ốc được đem luộc thêm gia vị, xả, ớt tạo hương thơm quyến rũ. Để thưởng thức ốc hút – đặc sản Thanh Hóa bạn sử dụng kìm cắt phần đuôi rồi hút ruột bên trong.
Khách du lịch có thể ghé ốc Bến Ngự vào buổi chiều tan tầm để thưởng thức chén rượu quê cay nồng thêm những con ốc hấp thơm lừng và trò chuyện với bè bạn. Theo kinh nghiệm của những người đi trước, ốc ở đây thường hết khá nhanh, giờ cao điểm từ 16h tới 20h là hết hàng.
>>Xem thêm: Gỏi nhệch Nga Sơn Thanh Hoá - Đặc sản trứ danh 'đất vua chúa'
1.2. Các loại bánh đặc sản Thanh Hoá
1.2.1. Bánh gai Tứ Trụ
Bánh kẹo đặc sản Thanh Hóa nhất định phải kể tới là bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc từ làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân. Tới nay, làng nghề vẫn tồn tại và bánh gai Tứ Trụ đã trở thành món bánh không thể thiếu khi cúng tiến vào các ngày lễ hội ở đình làng, điển hình là kỳ lễ “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” tại miếu điện Lam Kinh.
Bánh gai Tứ Trụ ngon ngọt là đặc sản Thanh Hóa từ nhiều đời nay. Ảnh: Xã Thọ Diên
Sở dĩ có tên bánh gai Tứ Trụ vì từ những năm 1940, dân làng Mía đã đem bánh gai đi bán ở phố Tứ Trụ. Từ đó, mọi người quen miệng gọi là bánh gai Tứ Trụ. Thoạt nhìn, loại bánh gai này khá đơn giản, bên ngoài bọc lá chuối.
Khi cắn một miếng, du khách sẽ cảm nhận được vị bùi bùi của nếp, mật mía cùng dầu chuối quyện vào nhau, thêm vị đậu xanh mềm mại và vị đậm đà của ruốc. Đây quả thực là đặc sản Thanh Hóa có thể thưởng thức và mua làm quà cho người thân.
1.2.2. Chè lam Phủ Quảng
Ngoài bánh gai, bánh kẹo đặc sản Thanh Hóa còn có chè lam Phủ Quảng. Nếu có dịp đặt chân tới huyện Vĩnh Lộc, thăm Thành nhà Hồ, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều hàng quán bày bán món này, loại bánh kẹo có vị ngọt thanh dìu dịu, giòn tan khi ăn.
Với nguyên liệu chính đơn giản là mật mía, thêm bột gạo nếp rang, lạc rang, gừng tươi, bằng kỹ nghệ cổ truyền, người ta đã sản xuất ra chè lam Phủ Quảng, được lấy theo tên phủ Quảng Hóa xưa kia.
Khác với chè lam vùng khác, che lam ở đây cứng hơn và giòn, để được khá lâu. Tương truyền, loại bánh kẹo đặc sản Thanh Hóa này đã xuất hiện từ thời Hồ Quý Ly lên ngôi vua. Thời đó, chè lam được dùng để tiến vua, sau đó, người dân dùng làm đồ cúng tổ tiên dịp lễ Tết. Ngày nay, chè làm Phủ Quảng được bày bán quanh năm và có thể thoải mái ăn chơi thường ngày.
1.2.3. Bánh khoái nồi rang
Dù với nhiều khách du lịch Thanh Hóa, cái tên bánh khoái nồi rang còn khá xa lạ nhưng nó lại gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân xứ Thanh. Bởi sau mỗi giờ tan học, hàng quán bán bánh khoái nồi rang lại tấp nập các bạn trẻ cùng nhau tìm đến thưởng thức.
Bánh khoái nồi rang – một đặc sản Thanh Hóa đơn giản nhưng hương vị khó quên. Ảnh: Du lịch & Dịch vụ
Nguyên liệu làm món bánh khoái nồi rang – đặc sản Thanh Hóa khá thân thuộc là thịt lợn, gạo tẻ và trứng gà. Gạo được ngâm nước sau đó đem xay thành bột với tỷ lệ nhất định. Thịt lợn băm nhỏ trộn với trứng gà ta nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Bánh được đúc thành hình tròn, đem rán vàng ruộm dậy hương thơm khó cưỡng.
Bánh khoái nồi rang sẽ được thưởng thức cùng vnước chấm chua ngọt, rau sống và bún lá. Đặc biệt, nước mắm chua ngon phải được pha khéo, thêm tỏi băm, ớt mới tròn vị. Bánh ngon nhất khi ăn nóng. Cảm giác đang mệt mỏi được thưởng thức món bánh khoái nồi rang thơm lừng như được tiếp thêm năng lượng cho hành trình khám phá tiếp theo vậy.
1.3. Các đặc sản ăn vặt Thanh Hoá
1.3.1. Nem chua
Nem chua Thanh Hóa dường như đã quá nổi tiếng mà hầu như ai tới mảnh đất này cũng muốn được thưởng thức. Nếu như trước đây, món ăn vặt này chỉ xuất hiện trong những dịp đặc biệt như cưới hỏi, lễ Tết... thì ngày nay, nem chua phát triển, đã trở thành đặc sản bất biến của Thanh Hóa.
Nem chua Thanh Hóa rất thích hợp để mua làm quà. Ảnh: Du lịch Việt
Nguyên liệu để làm nem chua Thanh Hóa có thịt nạc; bì lợn cán thành sợi, lá đinh lăng và thính. Tùy vào nhiệt độ mà thời gian ủ nem sẽ khác nhau. Vào mùa nóng, nem chỉ mất 6-8 tiếng là chín còn mùa lạnh sẽ lâu hơn, có thể tới 18-24 tiếng. Quá trình trộn và ủ nem sẽ cho ra hương vị khác nhau.
Tới khu Bỉm Sơn, cầu Hàm Rồng, cầu Tào Xuyên hay bất kỳ bến xe, nhà ga nào..., khách du lịch sẽ bắt gặp các cửa hàng bán nem chua Thanh Hóa san sát nhau. Tròn đó, nem Cây Đa, nem Tiến Thắng, Kim Loan, nem Vip... nổi tiếng về đặc sản Thanh Hóa này.
1.3.2. Bưởi tiến vua
Ở Thanh Hóa có dòng bưởi Luận Văn còn được gọi là bưởi tiến Vua vì thời Hậu Lê đã được tiến cho Vua vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Loại bưởi này to, tròn đều. Đặc biệt, quả có màu đỏ chín như gấc, trông rất đẹp mắt. Màu đỏ được xem như một biểu tượng của sự may mắn nên ngày nay mỗi dịp Tết vẫn được tìm mua với giá cao.
Bưởi Luận Văn được trồng theo hình thức vườn đồi trong hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại các xã là Thọ Xương, Xuân Bái, Thị trấn Lam Sơn... Bưởi tiến Vua được bán với giá 90.000-100.000 đồng/quả.
1.3.3. Nem nướng giật vùi tro
Nem nướng Thanh Hóa được làm từ thịt lợn, bột thính, nêm thêm gia vị như bột canh, hạt tiêu, tỏi, lá ổi, lá đinh lăng,... Tùy vào khẩu vị từng người mà có thể thêm bớt nguyên liệu, tạo nên nhiều kiểu nem nướng khác nhau như nem nạc, nem mỡ, nem có bì, nem không bì,...
Đặc sản Thanh Hóa còn có món nem nướng vùi tro. Ảnh: Bếp Mina
Để làm đặc sản Thanh Hóa này, bạn phải chọn thịt lợn mới mổ, giật càng tốt, còn ấm. Thịt mua về không được rửa phải để ráo rồi ướp bằng bột canh để nem không bị chảy nước khi gói.
Những gia đình vẫn sử dụng bếp củi sẽ vùi nem vào tro bếp, nem được ủ nóng, dậy mùi thơm, mềm, ăn lạ miệng mà cuốn vô cùng. Công đoạn này buộc người ta phải chú ý sao cho gói nem cháy sém lá chuối bên ngoài nhưng bên trong lại không bị cháy. Nem nướng vùi tro này có thể ăn trực tiếp hoặc rán, hấp, xào với rau củ,... đều được.
1.3.4. Bánh cuốn
Buổi sáng trong chuyến ghé thăm mảnh đất địa linh nhân kiệt này mà được thưởng thức bánh cuốn nóng hổi thì còn gì bằng. Lá bánh trong suốt, trăm cái như một, mỏng tang, nhìn mướt, nhưng lại dẻo dai bất ngờ. Bởi loại bột làm bánh phải được tuyển chọn từ vùng trồng lúa nổi tiếng như Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định.
Buổi sáng nạp năng lượng với bánh cuốn xứ Thanh. Ảnh: Quynh Nguyen
Nhân bánh có tôm sông Mã ngon ngọt, thịt băm nhỏ đậm vị. Từng miếng bánh trắng phau phau được bày lên đĩa, thêm hành phi phủ kín bên trên cùng cọng mùi ta. Bánh cuốn Thanh Hóa được chấm với nước mắm cốt ủ từ cá biển, có chanh, tiêu, ớt sóng sánh nhìn là thòm thèm.
1.3.5. Cháo canh
Một đặc sản Thanh Hóa nức tiếng khác là cháo canh. Để có được bát cháo canh chuẩn vị Thanh Hóa, du khách cần chọn được sợi bánh canh phải dai và mềm. Sườn tươi, thịt thơm ngon, tồm được bóc vỏ, màu vàng ruộm kích thích vị giác.
Trước khi múc cháo canh, chủ quán sẽ cho thêm rau mùi và sa tế, hương vị càng dậy mùi. Một tô cháo canh nóng hổi, sợi bánh canh mềm mềm dai dai chỉ cần ăn một lần là bạn sẽ nhớ mãi. Để thưởng thức món này, du khách có thể tới đoạn chợ Vườn Hoa, giá dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/bát.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Thanh Hóa từ A-Z
2. Kinh nghiệm du lịch Thanh Hóa
+ Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Thanh Hóa là vào mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 8. Lúc này, bạn có thể tha hồ tắm biển. Mùa thu thì tỉnh này thích hợp để nghỉ dưỡng, giá dịch vụ cũng rẻ hơn.
+ TP Thanh Hóa cách trung tâm Hà Nội khoảng 160 km, cách TP HCM hơn 1.400 km. Bạn có thể tới đây bằng nhiều phương tiện như xe máy, tàu hỏa, xe khách hoặc máy bay, tùy theo vị trí xuất phát.
Nhớ thưởng thức đặc sản Thanh Hóa khi du lịch nhé. Ảnh: Digiticket
Trên đây là thông tin về đặc sản Thanh Hóa cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến