Ðối với nhiều người, âm nhạc và khiêu vũ chỉ là thời gian rảnh rỗi. Nhưng đối với dân tộc Chăm, hoạt động văn hoá này đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người. Người Chăm đã dùng nghệ thuật, âm nhạc, ca hát và múa để phản ánh và biểu lộ cảm xúc, tầm nhìn và con mắt thẩm mỹ nhạy cảm của họ.
Từ khi còn nhỏ, người Chăm đã nghe và tham gia vào các bài hát nghi lễ, hát dân ca, hát ru và các bài hát kể về Aryja, âm thanh và giai điệu trở nên sâu lắng trong tâm trí họ. Tiếng hát và phong cách biểu diễn đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đem lại nguồn sinh khí mới cho cả cộng đồng. Một loại hình âm nhạc mang đậm tính nhân đạo gọi là Rija hay múa nghi lễ. Ngày nay, dân tộc Chăm đã có bốn buổi lễ Rija khác nhau trong năm là: Rija Nigar, Rija Prong, Rija Dayep và Rija Harei.
Nét đẹp của Rija là đã thể hiện rõ sự kết hợp hài hoà, nhịp nhàng của các sự kiện lịch sử với nghi lễ truyền thống, và sự kết hợp giữa ca hát với nhảy múa. Những nhân tố này phối hợp và hoà trộn với nhau đã đưa nghi lễ Rija trở thành một đặc trưng độc đáo. Ðối với người Chăm, Rija là biểu tượng không thể tách rời khỏi nghệ thuật trong đời sống văn hoá và tinh thần của họ.
Nhạc cụ để chơi trong lễ Rija bao gồm hai chiếc trống Ginăng, một chiếc trống Baranung, một chiếc kèn Saranai và một chiếc kèn Kanhi. Tất cả những người tham gia đều có nhiều nhiệm vụ khác nhau, đóng vai như một nhạc trưởng của buổi lễ hay một nhạc công. Trong số đó, người dẫn chương trình, được biết đến như On Mu Duon, và cũng là người chơi trống Baranung. Anh ta được trợ giúp bởi bốn người chơi khác.
Khi bắt đầu buổi lễ, On Mu Duon đánh nhịp trống Baranung và hát bài hát đậm chất sử thi, bắt nhịp theo là những âm thanh của các loại trống và kèn. Những bài hát và nhịp trống đệm hoà lẫn và không làm giảm đi nét đặc trưng riêng biệt của từng loại nhạc cụ. Ý tưởng đã tạo nên nhịp điệu nổi bật và hết sức độc đáo, mỗi bài hát là tên của mỗi vị thần khác nhau, và âm nhạc phải phù hợp với từng vị thần được đề cập đến, On Mu Duon "mời" tất cả các vị thần tham gia lễ hội Rija.
Có thể nói, âm nhạc trong Rija như tràn ngập, rộn ràng và nhiều lúc như sôi lên. Những bài hát tươi vui trong lễ Rija Nugar là Hwagaly, Cah Ya, Jawa và Kakaik, và điệu múa kiếm rất sôi nổi, tràn đầy sức sống.
Ðiệu múa On Kaing có tục dập tắt ngọn lửa, là biểu tượng của dịch bệnh và tai hoạ. Người dập tắt ngọn lửa cho rằng đó là hoá thân của vị thần che chở, giúp đỡ dân làng trong việc diệt trừ cái ác và chống lại thiên tai. Âm nhạc trong điệu múa On Kaing thường nhanh và nhịp điệu nhấn lệch trong nhịp trống Ginăng, sôi nổi và rộn rã trong nhịp trống Baranưng, âm thanh bay bổng và mạnh mẽ của tiếng kèn Saranai. Ðiệu Muk Rija thì nhẹ nhàng, mềm mại hơn. Những điệu múa có cá tính bao gồm Biyen, Marai, và Patra. Tất cả đều uyển chuyển, nhịp nhàng và thật sự sống động, duyên dáng. Khi xem trình diễn những điệu múa này, người xem như quên hết xung quanh, đắm chìm trong không khí vui nhộn, và kèm theo là những lời khen thưởng, cổ vũ nhiệt tình.
Lễ hội Rija một lần nữa đã khẳng định sự gắn bó mật thiết giữa lễ nghi thần bí với âm nhạc và múa của văn hoá Chăm. Biểu diễn và nghi lễ thường đan xen vào nhau, làm cho âm nhạc phong phú hơn và nghi lễ sôi nổi hơn. Âm nhạc và múa là phần thiết yếu của tất cả các ngày lễ Chăm, nói tóm lại chúng đứng ở vị trí trung tâm của nền văn hoá Chăm, nó là nguồn cảm hứng và niềm kiêu hãnh lớn của văn hoá Chăm.
Ngày nay, người Chăm vẫn còn giữ nguyên niềm tự hào về nền văn hoá đặc biệt của họ, thậm chí họ đã hoà nhập với nền văn hoá chung của dân tộc – thành tựu của sự cân bằng những nét tốt đẹp nhất của cả hai nền văn hoá Việt Nam.