Âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã nhạc (triều Nguyễn) vừa được UNESCO công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Để nhận thức rõ hơn về giá trị của Nhã nhạc, một phần bản tham luận của GS.TS Trần Văn Khê về vấn đề này như sau:
Nhạc cung đình là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Nhã Nhạc Huế đã có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật. Tuy được sử dụng ở chốn cung đình, nhưng việc sáng tạo và biểu diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất thân từ trong dân gian, nhờ có tay nghề cao mà được sung vào cung để phục vụ cho triều đình.
Đây là một bộ môn âm nhạc vô cùng tinh vi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ giá trị của nó. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc cung đình là một bộ môn duy nhất được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhiều mặt: nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản dồi dào và quan điểm thẩm mỹ sâu sắc.
Trong Khâm định Đại Thanh Hội điển sử lệ (quyển 538, tờ 3b) xuất bản năm 1908 (thư viện Hội châu Á: Socété Asiatique) có ghi rành rẽ chi tiết của dàn nhạc cung đình, có mặt cùng một lúc với phái đoàn hữu nghị do vua Quang Trung phái sang Trung Quốc, dưới thời vua Càn Long (1789), sử gia nhà Thanh đã gọi là An Nam Quốc nhạc.
Năm 1802, dàn nhạc đổi tên là Việt Nam Quốc nhạc, vì vị vua Gia Long lên ngôi năm 1802, đăt tên nước là Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, đã có một dàn Đại nhạc cung đình đầu tiên xuất hiện trong sử sách, có lẽ là vào đời nhà Trần, trong quyển "An Nam chí lược" của Lê Tắc.
Đời Hậu Lê, có nhiều bộ sử ghi lại sự kiện năm Thiệu Bình thứ tư ( 1437) dưới thời vua Lê Thái Tông (1434-1442), nhà vua giao cho Nguyễn Trãi cùng với Lương Đăng có nhiệm vụ định ra Nhã nhạc cho triều đình.
Lương Đăng muốn sắp đặt dàn Đường thượng chi nhạc giống như dàn nhạc Triều hạ yến hưởng chi nhạc của nhà Minh và Đường Hạ chi nhạc giống như các dàn Đơn bệ đại nhạc vần Giáo phường tỳ nữ nhạc của nhà Minh.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ức trai thi tập thì Nguyễn Trãi đã dâng biểu cho nhà vua từ chối nhiệm vụ được giao phó vì không tán thành quan điểm của Lương Đăng. Bức thư của Nguyễn Trãi là bài học quý giá về thái độ của một người nhạc sĩ chân chính đối với nền âm nhạc dân tộc trong đó có những suy tư về âm nhạc rất sâu sắc như:
Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là căn của nhạc, hài hòa là tính chất của nhạc. Thần mong rằng Bệ hạ thương dân để cho trong cả nước không có một âm thanh nào nói lên sự bất bình hay buồn thảm của dân. Nếu dân còn buồn thảm hay bất bình tức là Bệ hạ đã đánh mất một cái gốc của nhạc.
Ngoài ra còn nhiều quyển sử khác có ghi đôi nét về Nhã cung đình qua các thời, như Quốc triều thông lễ (triều vua Trần Thái Tông), Trần triều đại diễn (triều vua Trần Dụ Tông), Lê triều hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ...
Những bài thuộc loại Cửu tấu, ngoài âm nhạc còn có lời ca được ghi đầy đủ trong quyển Đại nam Hội điển sự lệ, như trong Miếu Triệu Tổ (miếu thờ Nguyễn Kim), tên các bài ca phải có chữ Hòa, chẳng hạn Hàm hòa (trong lúc nghinh thần), Gia hòa (lúc hiến lụa), Tương hòa (trong lúc sơ hiến, dâng rượu lần đầu), Dự hòa (trong lúc á hiến, dâng rượu lần thứ nhì), Ninh hòa (trong lúc chung hiến dâng rượu lần cuối cùng), Mỹ hòa (lúc dâng trà). Túc hòa (lúc triệt hạ các lễ vật), An hòa (lúc tiễn thần), ưng hòa (lúc mang đuốc đi, sau khi đốt sớ).
Trong Văn miếu thờ Đức Khổng tử thì tên những bài hát phải có chữ Văn, trong loại Yến nhạc tên bài hát phải có chữ Thành (dưới triều Gia Long), chữ Khánh (thời Minh Mạng thứ 18) hay chữ Phúc (thời Minh Mạng thứ 21) v.v...
So với các bộ môn khác, Nhạc cung đình có một giá trị nghệ thuật rất cao mà trước tiên là vì triều đình có đủ quyền lực chính trị và khả năng tài chính để quy tụ những nhạc sĩ cũng như nhạc công tài năng từ khắp nơi trong đất nước, rồi tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho họ luyện tập kỹ thuật, trau dồi nghệ thuật để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp, sáng tác dồi dào, biểu diễn tinh vi.
Các nhạc khí được dùng trong Nhạc cung đình cũng được chế tạo rất kỹ, chạm cẩn khéo léo, tinh xảo hơn nhạc khí dùng trong dân gian, lại có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), tiếng đồng. Về độ cao có tiếng trầm của dây đài đàn tỳ bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo.
Nhìn chung, dàn nhạc cũng đa dạng và quy mô hơn các dàn nhạc khác, chẳng những đa dạng và quy mô mà còn rất đặc biệt trong sự phối hợp màu âm, không quan tâm đến số lượng, mà chú trọng đến chất lượng. Khi hòa dàn thì không nhạc khí nào có thể át các nhạc khí khác mà mỗi loại âm thanh đều có thể phân biệt rõ ràng. Không có bộ môn nào huy động nhiều diễn viên và xiêm y phong phú như nhạc cung đình.
Nhạc cung đình còn đặc biệt ở điểm bao gồm tất cả các bộ môn âm nhạc khác từ lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu) cho đến nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn.
Theo dòng lịch sử, không đi vào chi tiết, chỉ ghi những nét đại cương trong việc tổ chức Nhạc cung đình qua các triều đại, thì Nhạc cung đình Việt Nam đã có một truyền thống rõ rệt.
Nhà Lý (thế kỷ thứ 11-13):
Tuy không có ghi lại trong sách sử, nhưng xem bức chạm trên các tảng đá ở chân cột chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chúng ta thấy có 10 nhạc công chia thành hai nhóm. Những nhạc khí họ sử dụng bao gồm: Phách (hai miếng tre gõ vào nhau), đàn gáo, ống sáo ngang, đàn tranh, ống sênh (loại khèn bè). Ngay chính giữa là một hoa sen cách điệu hóa, tiếp theo là ống sênh, đàn tỳ bà, ống tiêu (thổi dọc), nguyệt cầm, trống loại phong yêu cổ (một tay cầm dùi, một tay vỗ như loại trống ghi năng của Chăm mà hình thắt đáy lưng ong).
Nhà Trần (thế kỷ thứ 13-15):
Theo An nam chí lược của Lê Tắc thì Đại Nhạc dùng trong triều đình gồm kèn tất lật (cùng loại với Pili Trung Quốc, Pili Triều Tiên và Hichiriki Nhật Bản), tiểu quản (loại ống thổi dọc), tiểu bạt (chập chõa nhỏ) và phạn ổ (trống cơm, có chú thêm "gốc từ nhạc khí Chiêm Thành, người Chăm) và một nhạc khí gọi là "đại cấu". Về nhạc khí này, cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn khi tra các Từ Nguyên, Từ Hải không thấy chữ "cấu" nên cũng không biết đó là loại gì, vì thế khi thấy trong chữ "cấu" có bộ "cung" nên Giáo sư cho rằng đó là một nhạc khí có cung kéo).
Tiểu nhạc dùng trong dân dã, gồm có cầm, tranh, thất huyền, song huyền và tiêu loại. Không rõ "cầm" có phải là gupin (có 7 dây tơ) của Trung Quốc truyền sang hay loại đàn nào khác. Thất huyền đàn 7 dây mà guqin của Trung Quốc cũng có 7 dây.
Nhà Lê (thế kỷ thứ 15 đến cuối thế kỷ 18):
Lương Đăng phỏng theo nhạc nhà Minh lập ra hai dàn nhạc Đường thượng chi nhạc, Đường hạ chi nhạc (mà chúng tôi đã nhắc đến trong đoạn đầu) nhưng không được dùng lâu. Do các quan trong triều như Nguyễn Trãi, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận phản đối nên về sau hai dàn nhạc ấy được thay thế bằng hai đôi Đồng Văn, Nhã nhạc và sau đó dần dần Giáo phường đã thay thế hai đội này.
Trong Lê triều hội điển và Lịch triều hiến chương loại chí đều có ghi về 8 thể loại nhạc (Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Đại Yến nhạc, Cung trung chi nhạc, Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc) cùng nhiều điệu múa liên quan.
Nhà Nguyễn (đầu thế kỷ 19 đến năm 1945):
Tổ chức rất chặt chẽ và được ghi trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản chữ Hán quyển 99, và trong bản dịch tiếng Nôm in tại Thừa Thiên do Nhà Xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 1993, quyển 7, trang 68-118) đã ghi rõ về tổ chức các dàn nhạc, gồm: Đại nhạc, Nhã nhạc, Huyền nhạc... Tế giao, Miếu nhạc, Yến nhạc... Với những nhạc cụ khác nhau và cách thức ứng xử trình diễn khác nhau.
Tóm lại, chỉ mới nhìn qua, chưa đi vào bề sâu, mà giá trị của Nhạc cung đình đã quá hiển nhiên. Mới đi qua một phần chiều dài của lịch sử, chưa đi rộng trong không gian để đối chiếu nhạc cung đình Việt Nam với Yayue (Trung Quốc), Gagaku (Nhật Bản), Ah Ak, Tang Ak. Hyang Ak (Triều Tien), mà chúng ta cũng thấy lòng tràn đầy niềm hãnh diện.
Thời gian qua chúng ta đã tìm hiểu Nhạc cung đình qua lịch sử cũng như đánh giá Nhạc cung đình trong hiện tại. Nhưng quan trọng nhất là trước hết chúng ta nên dựng lại một cách trung thực các dàn Đại Nhạc, Nhã nhạc như ngày xưa, từ trang phục nhạc công đến phong cách biểu diễn, để giữ gìn một tư liệu về lịch sử cho người ngày nay và mai sau biết Nhạc cung đình của Việt Nam như thế nào, cũng giống như Nhật Bản ngày nay vẫn còn giữ lại dàn Gagaku (Nhã nhạc) hệt như dàn nhạc thành lập từ thế kỷ thứ 10.
Nhiệm vụ của chúng ta là một khi được thừa hưởng gia tài của ngàn xưa thì trước hết giữ gìn nguyên vẹn di sản văn hóa đó. Nếu có những cải biên đổi mới, cũng phải vô cùng thận trọng, vì nếu không hiểu thấu nhạc thời xưa mà đưa vào những yếu tố mới không phù hợp, có thể làm biến chất Nhạc cung đình.
Nếu phỏng theo tinh thần của Nhạc cung đình mà tạo dàn nhạc đặt bản mới thì không thể sử dụng những tên truyền thống như Đại nhạc hay Nhã nhạc phải đặt tên mới để khỏi lầm lẫn Nhạc cung đình truyền thống với nhạc cải biên.
Một bức tranh, một bức tượng có giá trị nghệ thuật tự ngàn xưa thì không ai được phép vì muốn canh tân mà tự tiện vẽ thêm màu hay ra tay đục đẽo để phá hỏng giá trị một nghệ phẩm xưa. Nhạc cung đình cũng vậy.
Và, mong sao những nhà văn hóa hết sức thận trọng trong việc "cải biên, đổi mới" Nhạc cung đình Việt Nam.