Banner Movi

Làng nghề dệt Phùng Xá

Thứ năm, 16/08/2012, 09:16 GMT+7

Từ Hà Nội đi về phía nam 40km, làng Phùng Xá ở đó đẹp như một bức tranh phong thuỷ hữu tình với sự uốn lượn duyên dáng của dòng sông Đáy. Nét làng quê Việt hiện lên thanh bình với luỹ tre làng, đấu đó vẫn còn những ngôi nhà mái ngói năm gian, rào hoa râm bụt hay những bờ tường bậu cửa còn trơ ra lớp gạch như một chứng tích của thời gian. Đi khắp thôn làng, đâu đâu cũng vang lên tiếng máy dệt, thứ âm thanh đặc trưng của làng Phùng Xá , thứ tiếng để người xa quê nguôi ngoai nhớ về, tiếng làng.
 

quảng cáo

lang

 

Lịch sử hình thành và phát triển làng nghề

Nghề dệt Phùng Xá được hình thành từ năm 1929, được gìn giữ, duy trì và phát triển cho đến ngày nay. Theo thuyết xưa truyền lại thì cụ tổ làng nghề là cụ Hoàng Tiến Gan. Cụ xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, hơn nữa lại là người con của làng quê có nghề chăn tằm ươm tơ mà vẫn khổ cực áo chẳng đủ mặc, vì thế tâm thức cụ đã nung nấu nghề dệt. Năm 1928, cụ rời làng đi học hỏi nghề dệt ở Bắc Ninh, Hà Đông. Năm 1929, cụ mang nghề dệt về làng, cụ tổ chức một nhóm thợ, vừa làm vừa truyền nghề, vừa đóng máy vừa dựng giá thành khung. Để ghi nhớ công đức cụ, dân làng đã lấy ngày mồng 02 tháng 03 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ ông tổ làng nghề.

Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, thậm chí đến giải phóng năm 1954, cả làng đã dệt theo hình thức cá thể, tự sản tự tiêu, chủ yếu là dệt tơ tằm, the, đũi với số lượng ít. Sau đó qui mô phát triển hơn thành các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp dệt các mặt hàng như lụa, satanh và đặc biệt là khăn mặt bông để xuất khẩu sang Liên Xô ( cũ ). Lúc bấy giờ, hình thức sản xuất là thủ công bởi máy móc còn rất thô sơ, nguyên liệu dệt là sợi tơ tằm, tơ bông và sợi còn. Năm 1992, hợp tác xã giải thể do không thích nghi được với cơ chế đổi mới. Tuy vậy, người dân làng Phùng Xá còn nặng lòng với nghề dệt lắm, các hộ gia đình đã mạnh dạn tự đầu tư mua máy dệt, nguyên liệu, một mặt duy trì được nghề truyền thống, mặt khác lại đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Sản phẩm dệt khăn mặt của làng rất đa dạng về mẫu mã, kiểu cách, nào khăn mặt, khăn nhỡ, khăn tắm, nào khăn trơn, khăn hoạ tiết, nào khăn nhuộm màu, phun màu…, bởi thế mà làng dệt Phùng Xá có được tiếng thơm cho đến ngày nay. Qui mô làng dệt cũng theo đà đó mà phát triển, đến nay trong làng đã có 28 doanh nghiệp tư nhân, 13 công ty cổ phần với qui mô sản xuất lớn, ngoài ra còn có các hộ sản xuất tư nhân, nghệ nhân, thợ giỏi và các thợ kĩ thuật phục vụ cho ngành dệt, đặc biệt có 3 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân năm 2006. Làng có 2000 máy dệt, trong đó có 220 máy dệt tự động, 3 công ty tẩy, nhuộm, hấp sợi, 1 lò nhuộm mobin hiện đại và 1 máy mắc công nghiệp.

Phùng Xá được tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2002. Qua hơn 80 năm xây dựng và phát triển, nghề dệt khăn đã trở thành nghề chính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân bên cạnh trồng trọt và chăn nuôi.

Quá trình sản xuất ra sản phẩm khăn


Chỉ với nguyên liệu đầu vào là những cối sợi trắng, bằng đôi bàn tay khéo léo cùng với óc sáng tạo, người dân Phùng Xá đã làm ra những chiếc khăn với đủ mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ để đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đối với làng nghề dệt khăn truyền thống Phùng Xá, quá trình sản xuất ra sản phẩm khăn trải qua 5 công đoạn : từ mắc sợi, cho đến dệt, tẩy, nhuộm, máy biên mép, cuối cùng là in phun hoa văn, có thể nói đây là quá trình kết hợp giữa lao động thủ công và sự trợ giúp của máy móc.

Mắc sợi là công đoạn đầu tiên và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm nên rất được coi trọng. Vì thế mà người thợ làm mắc phải tinh mắt, tập trung và cẩn thận quan sát từng sợi chỉ.Từng cối sợi sẽ được kéo lên đều đặn qua giàn mắc và lên guồng quay, sau khi quay đủ thì toàn bộ sợi trên guồng sẽ được cuộn đầy vào trục. Ngoài ra, hiện nay ở làng đã có công ty đầu tư máy mắc công nghiệp với năng suất lớn, có thể phục vụ được 30 máy dệt công nghiệp hàng tháng.

Thứ hai là dệt, công đoạn này được thực hiện tại hầu hết các gia đình trong làng, hầu như hộ gia đình nào cũng có máy dệt, có những gia đình có 3 đến 4 máy dệt. Máy dệt tay cày, chân giận trước kia đã được thay thế bằng máy dệt bán tự động kèm mô tơ hay máy kiếm tự động hoàn toàn. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải biết kết hợp tay chân nhịp nhàng, bởi lẽ kết hợp không khớp hoạc giận không dứt khoát thì lỗi sẽ xuất hiện ngay trên sản phẩm ví như những đường dạn ngang hay sùi sợi.

Tẩy nhuộm là công đoạn quan trọng làm nổi bật mẫu mã của sản phẩm. Hiện nay khâu này do các công ty tẩy nhuộm trong địa bàn làng Phùng Xá phụ trách với hệ thống trang thiết bị như bể tẩy nhuộm, máy sấy công nghiệp, máy hấp, thiết bị xử lí thuốc tẩy…Nguyên liệu để tẩy nhuộm chủ yếu là javen, thuốc màu, nước xả.

Tiếp đến là công đoạn máy biên và mép. Khâu này có thể đi kèm máy luôn tại xưởng của doanh nghiệp, hoặc được tách riêng cho hộ gia đình đảm nhận. Đây cũng là khâu cần nhiều nhân công nhất vì nó đòi hỏi những bước tỉ mẩn của lao động thủ công. Ví như phải dọc khăn từ những tấm to rồi mới có thể máy 2 bên biên chiều dài khăn, rồi lại cần cắt để máy gập chiều rộng, xếp từng trăm khăn một và sửa chỉ. Để đáp ứng yêu cầu cao về mẫu mã của thị trường, người thợ máy phải cứng tay và máy đẹp đường kim mũi chỉ trên bề mặt khăn.

In phun với sản phẩm hoa văn là bước cuối chỉ dành cho sản phẩm là hàng khăn trơn có mầu nền sẵn. Người thợ thủ công chỉ cần đặt khăn lên bàn in, dùng lưới in có hình hoa văn, sau đó quét màu lên khăn, vì thế mà yêu cầu đặt ra ở công đoạn này là pha màu sao cho đẹp mắt. Hiện nay một số doanh nghiệp đã đầu tư máy in phun cho ra sản phẩm khăn có màu đều và đẹp hơn.

Làng dệt Phùng Xá ngày nay


Làng Phùng Xá như một sự kết hợp tinh tế của nét đẹp hiện đại đô thị hoá và nét đẹp đậm đà bản sắc Việt. Đường làng ngõ xóm khang trang sạch sẽ, trục đường chính rải nhựa với đèn đường vàng. Bên dòng sông Đáy, hàng tre vẫn ngân nga trong gió, một màu xanh thanh bình thôn quê chẳng lẫn vào đâu được. Cuộc sống dân làng sung túc, con người nồng hậu, chất phác. Bên cạnh nông nghiệp, chăn nuôi, có thể nói nghề dệt khăn đã nuôi sống ngôi làng này bao năm nay.

Trong một lần về thăm làng Phùng Xá, chúng tôi đã được gặp một người mang nhiều đam mê tìm hiểu gìn giữ giá trị văn hoá làng, đó là ông Phan Minh Doanh- chủ tịch hiệp hội làng nghề dệt. Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan các xưởng dệt lớn nhỏ, ông vừa kể về các con số đầy tự hào của ngôi làng nhỏ này: “Tính đến năm 2009, có 85% số hộ gia đình trong làng tham gia sản xuất kinh doanh khăn, hằng năm duy trì 3000 lao động, mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/ người/ tháng. Các cơ sở kinh doanh mặt hàng khăn ở làng Phùng Xá ngày càng phát triển tạo ra 9000 việc làm cho lao động không chỉ 2 thôn trong làng (thôn Hạ và thôn Thượng) mà cả cho lao động nơi khác”. Hiện nay sản phẩm khăn dệt Phùng Xá không chỉ được người tiêu dùng trong nước tin dùng mà còn xuất khẩu sang 6 quốc gia : Trung Quốc, Nhật, Mỹ, CH Séc, Hàn Quốc và nhiều nhất là tại Đài Loan. Nghề dệt truyền thống tự hào đem lại cho người dân một công việc ổn định. Ông Doanh cho biết : “ Đợt khủng hoảng kinh tế năm 2008 làm cả thế giới chao đảo, tuy rằng hàng khăn dệt xuất khẩu bị ảnh hưởng 20-30 % , nhưng hàng khăn nội địa thì hầu như không bị ảnh hưởng.”

Làng Phùng Xá còn lập ra Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề dệt Phùng Xá (thành lập năm 2004) là tổ chức đứng ra giới thiệu sản phẩm khăn truyền thống của làng đến bạn bè trong nước và quốc tế. Hiệp hội cũng đưa ra phương hướng phát triển của làng nghề là đẩy mạnh quan hệ đối tác về xuất khẩu, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân nhân. Mặt khác, theo thống kê của xã Phùng Xá, tình hình bảo hộ lao động cho người công nhân hiện nay chỉ đạt được 50%, phần lớn các công ty cho công nhân bữa trưa, đại bộ phận công nhân ở các tỉnh xa như Yên Hoà, Kim Bôi phải tự tìm chỗ ăn chỗ ở, vì thế phương hướng năm 2010 là đẩy mạnh hơn nữa về bảo hộ lao động cho công nhân.

Làng nghề truyền thống không chỉ là nét đẹp văn hoá riêng độc đáo của vùng, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc, là một đặc trưng kinh tế của đất nước. Duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống là xứ mệnh thiêng liêng của mỗi người con làng Phùng Xá, kế tụng cha ông gìn giữ bản sắc cho muôn đời sau.

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)