Banner Movi

Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ

Thứ tư, 19/06/2013, 14:23 GMT+7
Thành Nhà Hồ, một công trình quân sự, kiến trúc độc đáo mang giá trị nổi bật toàn cầu, được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (DSVHTG) vào ngày 27/6/2011.
quảng cáo
 
Cùng với cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An, Hoàng thành Thăng Long, Nhã nhạc cung đình Huế và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên khác đã được công nhận, Thành Nhà Hồ đã góp phần quan trọng làm cho thế giới hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam, tô đậm thêm nền văn hiến ngàn năm của dân tộc.

Năm 2012, tỉnh tổ chức Lễ đón Bằng công nhận DSVHTG Thành Nhà Hồ một cách trang trọng, với sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban UNESCO và 48 Ủy ban Quốc gia UNESCO các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt này đã góp phần quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở ra triển vọng, cơ hội mới cho phát triển du lịch, thu hút khách đến tham quan, nghiên cứu.

Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ
Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Sau khi Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, cùng với các hoạt động tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, tỉnh Thanh Hóa triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường chính về khu di sản, đường nội thành, các công trình phụ trợ, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ khách du lịch... với tổng giá trị hơn 20 tỉ đồng. Chiến dịch tuyên truyền, quảng bá hình ảnh di sản cũng được đẩy mạnh. Vì thế, lượng khách đến với Thành Nhà Hồ tăng đáng kể.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, trong năm 2012, nơi đây đã đón hơn 60.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu (không tính khoảng 35.000 khách dự lễ đón Bằng), gần 1.000 khách quốc tế, tăng gấp 3 lần so với năm 2011. Tuy vậy, du khách còn băn khoăn, chưa thật hài lòng vì vượt qua một chặng đường dài nhưng đến nơi, ngoài mấy cổng thành và Đàn tế Nam giao, chưa có nhiều dịch vụ du lịch.

Bà K. Mu-lơ Ma-rin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trong một lần tới thăm Thành Nhà Hồ, chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng về Thành Nhà Hồ, nhất là Đàn tế Nam giao, giếng vua. Tôi cho rằng việc đề cử công nhận một di sản cấp quốc gia trở thành di sản văn hóa thế giới đã khó, nhưng giữ gìn, phát huy giá trị di sản đó sau khi được công nhận còn khó hơn nhiều…".

Quả thật, làm gì và làm thế nào để giữ gìn và phát huy các giá trị của Di sản, để Thành Nhà Hồ được biết đến nhiều hơn, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, đã và đang là vấn đề khiến lãnh đạo cùng các nhà chuyên môn trăn trở.

Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Tiến sĩ Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, tâm sự: Mặc dù được công nhận là DSVHTG với những giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu nhưng về cơ bản khu Di sản Văn hóa Thành Nhà Hồ vẫn đang nằm dưới dạng phế tích.

Qua hơn 600 năm tồn tại, thường xuyên chịu những tác động của thiên nhiên cùng những tác động vô tình của con người, cho đến nay toàn bộ các công trình có bộ khung gỗ của tòa thành xưa đã bị hủy hoại, những cung điện, dinh thự, vọng lâu… chỉ còn lại nền móng, các thành phần khác của di tích bị vùi lấp, ngủ yên trong lòng đất. Khu vực nội thành trở thành ruộng đồng để nhân dân canh tác. Dân trí, giao thương và dịch vụ du lịch của huyện Vĩnh Lộc, nơi Thành Nhà Hồ đứng chân, chưa phát triển… vì thế để đạt được đích đến, còn rất nhiều việc phải làm, trước mắt và lâu dài.

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp với chính quyền địa phương mở một số lớp tập huấn giới thiệu giá trị của di tích và dạy tiếng Anh cơ bản nhằm nâng cao niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm cũng như phương tiện giao tiếp với người nước ngoài cho bà con; vận động những hộ có điều kiện tham gia dịch vụ du lịch, kinh doanh ăn uống, bán hàng lưu niệm, chở khách đến điểm tham quan bằng xe thô sơ… Tuy nhiên, trong năm qua, ngành chức năng cũng tổ chức vài cuộc hội thảo nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu để phát huy giá trị của di sản.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, việc cần thiết đầu tiên là các cấp, các ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ trình Chính phủ thẩm định, phê duyệt.

Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm giá trị của các công trình, hiện vật còn nằm trong lòng đất và những điều còn bí ẩn chưa được khám phá; trên cơ sở đó xây dựng và triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, trùng tu không gian văn hóa Thành Nhà Hồ, đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu bảo tồn di sản thế giới của UNESCO. UBND tỉnh cần khẩn trương xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch và những sản phẩm du lịch đặc trưng.

Di sản dù quý giá đến chừng nào cũng phải tham gia tích cực vào cuộc sống. Hi vọng, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ sẽ được bảo tồn và phát huy tối đa giá trị, sẽ là điểm đến của bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới
quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)