Là nhạc khí dây, chi gõ của dân tộc Việt. Đàn có 36 dây nên được gọi là Tam Thập Lục.
Đàn Tam Thập Lục hình thang cân, mặt đàn hơi phồng lên ở giữa, làm bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc. Cầu đàn, thành đàn làm bằng gỗ cứng, trên mặt đàn đặt so le hai hàng ngựa, mỗi hàng 18 ngựa. Cần đàn bên trái có 36 móc để mắc dây, bên phải có 36 trục để lên dây. Dây đàn làm bằng kim khí. Que đàn được làm bằng hai thanh tre mỏng, dẻo, ở đầu được quấn dạ để tiếng đàn được êm. Âm thanh đàn Tam Thập Lục trong sáng, thánh thót, rộn rã.
Âm vực đàn Tam Thập Lục tương đối rộng. Từ âm trầm nhất đến âm cao nhất trên hai quãng 8, được mắc theo gam nguyên.
- Khoảng âm dưới: Tiếng đàn ấm áp, khá vang.
- Khoảng âm giữa: Tiếng đàn đầy đặn, trong.
- Khoảng âm cao nhất: Tiếng đàn sắc, gọn.
Khi biểu diễn nhạc công dùng 2 que gõ vào mặt đàn tạo ra các ngón như: Ngón rung, ngón vê, ngón bịt, ngón á, đánh cồng âm, hợp âm...
Đàn Tam Thập Lục giữ vai trò quan trọng trong các dàn nhạc sân khấu chèo, cải lương. Đàn đệm cho hát, độc tấu, tham gia dàn nhạc dân tộc tổng hợp.