Cơm hấp nước dừa (hoặc cơm dừa) là món ăn dân dã thơm ngon mà người dân Bến Tre thường làm mỗi khi nhà có khách.
Cách làm món cơm dừa của người dân Bến Tre không khác với cơm lam của đồng bào Tây Bắc là mấy. Cơm lam nấu trong những ống tre, đốt trực tiếp trên lửa, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Còn cơm dừa nấu với nước dừa, hấp trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm.
Gạo dùng để nấu cơm dừa phải chọn loại gạo dẻo, thơm. Dừa phải chọn loại trái ngọt nước, thường là dừa xiêm. Dừa để nguyên trái, dùng dao sắc gọt một đường tròn phía trên để lấy hết nước ra ngoài (giữ lại phần này để làm nắp đậy). Khi trái dừa đã được lấy hết nước, cho một lượng gạo đủ để lúc cơm chín nở đầy là vừa. Rót nước dừa săm sắp mặt gạo. Cho dừa vào trong nồi hấp khoảng một giờ.
Cơm dừa muốn ngon thì lượng nước và gạo phải vừa, nếu ít quá cơm sẽ cứng, nhiều thì cơm nhão rất khó ăn. Cơm dừa nấu chín vẫn phải để trong nồi hấp nhằm giữ cho cơm được nóng, và hạt cơm không bị đổi màu (cơm hay bị sậm màu, hoặc có màu tím khi ra không khí).
Cơm dừa ăn với tôm rang mới đúng điệu. Phải là tôm đất mới ngon. Tôm mua về cắt đầu đuôi, rửa sạch để ráo, ướp với chút muối, nước mắm, đường cho thấm. Phi thơm hành trút tôm vào xào, khi tôm ngả sang màu đỏ thì nêm gia vị và một chút nước cốt dừa vào để tôm được giòn, béo và thơm. Rang cho tới khi tôm khô se lại là được.
Ăn cơm hấp nước dừa phải ăn nóng mới ngon. Nhấm nháp miếng cơm dừa, nhai con tôm đất giòn giòn mới cảm nhận được hết mùi thơm, vị ngon ngọt, béo bùi trong từng hạt cơm. Nếu có dịp về Bến Tre, bạn hãy nhớ tìm và thưởng thức món cơm hấp nước dừa này nhé.