Nghề dệt mang trong mình những giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc.
Tuy nhiên, những cải tiến, đổi mới trong sản xuất để phù hợp với thị trường đã khiến cho những yếu tố văn hóa truyền thống liên quan đến nghề dệt thủ công bị mai một. Ý nghĩa văn hóa của nghề dệt may trong đời sống của người Thái Mai Châu vì vậy mà cũng không còn sâu sắc như xưa.
Ông Barooah Neera, Khoa Dệt may và Công nghệ thời trang, Trường ĐH Mumbai (Ấn Độ) chia sẻ: Nghề dệt may và những kỹ thuật dệt khác nhau đã trải qua những thay đổi to lớn qua từng thời gian khác nhau. Sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm nhập khẩu giá rẻ là mối đe dọa cho sự tồn tại của nghề truyền thống này. Điều này dẫn đến sự suy giảm trong sản xuất, cũng như sử dụng các mẫu thiết kế và họa tiết truyền thống.
Nghề dệt đang phải đối mặt với việc vừa làm sao giữ được nét văn hóa cổ truyền, vừa mang lại thu nhập ổn định cho người giữ gìn nghề này.
Trước thực trạng trên, ThS Bùi Minh Thuận (Đại học Vinh) cho rằng: Khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống phải giải quyết cùng lúc vấn đề tăng trưởng kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tộc người.
Các sản phẩm phải phù hợp với đời sống xã hội hiện nay, sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ, phải có chính sách hỗ trợ gắn liền với tuyên truyền quảng bá sản phẩm, thương hiệu, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch.
Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống không những chỉ tiêu thụ ở thị trường địa phương mà còn phát triển rộng ra các vùng miền trên cả nước, càng cần thiết phải vươn ra thị trường nước ngoài.
Ở Việt Nam, nghề dệt truyền thống còn tồn tại và được phát triển ở một số dân tộc thiểu số.
Từ những nhận định, phân tích đánh giá về nghề dệt may Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại PGS, TS Lê Ngọc Thắng bày tỏ sự tin tưởng: Trong xã hội hiện đại, nghề dệt may sẽ phát triển không ngừng và kéo theo đó những ngành nghề liên quan khác (công nghiệp thời trang, thẩm mỹ công nghiệp…) với sự đa dạng về chất liệu, kỹ thuật, mỹ thuật… dệt, may.
Song dù thế nào chăng nữa thì tính sáng tạo của nghề dệt may truyền thống - sản phẩm của văn minh tiền công nghiệp ở từng tộc người, quốc gia, khu vực trên thế giới vẫn là một kho vốn kỹ thuật, mỹ thuật vô giá, là hành trang không thể thiếu để bước vào tương lai. Những sự phủ định các giá trị truyền thống của nghề dệt may sẽ tạo ra sự phát triển không đúng hướng, méo mó trong tư duy và lối sống của một xã hội tiêu dùng mà hàm lượng văn hóa và giá trị nhân bản thấp.