Từ xưa bánh đúc đã là món quà quê thân thương trong ký ức của mỗi đứa trẻ nông thôn trên khắp đất nước ta. Tuy nhiên, xưa nay người ta chủ yếu chỉ biết đến bánh đúc trắng. Vì vậy, khi biết ở một làng quê xứ Nghệ có món bánh đúc đỏ thì ai cũng tỏ ra lạ lẫm.
Dù có khá nhiều loại bánh trái nhưng bánh đúc vẫn luôn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống người xứ Nghệ. Bởi nó không chỉ thơm ngon mà còn chứa đựng một thứ rất đặc biệt, đó là hình bóng quê nhà và ký ức tuổi thơ. Chính vì vậy mà người dân ở khắp Nghệ An đã sáng tạo rất nhiều phiên bản khác nhau cho bánh đúc, trong đó có loại bánh đúc đỏ vô cùng độc đáo ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc (Nghệ An).
Gạo Luốc dâu dùng để làm món bánh đúc đỏ đặc biệt
Theo người dân địa phương cho biết sở dĩ bánh đúc ở đây có màu đỏ là do được làm từ loại gạo đặc biệt của chính vùng đất này trồng đó là gạo Luốc dâu. Thứ gạo này vừa giúp bánh có màu sắc đẹp vừa giúp tạo mùi hương đặc trưng. Dù được làm từ những nguyên liệu bình dân nhưng để tạo ra được một chiếc bánh đúc cần khá nhiều công đoạn cầu kỳ. Đầu tiên người ta phải dùng gạo Luốc dâu trộn với gạo trắng rồi ngâm trong nước lạnh trong vài tiếng, sau đó đưa vào máy xay nhuyễn. Tuy nhiên, phải xay đi xay lại 2 lần để bột thật mịn, như vậy khi làm bánh mới ngon. Tiếp đến là cho nước vôi trong vào nồi đun trên bếp. Sau khi nước vôi sôi phải đổ thật nhanh bột gạo đã xay nhuyễn vào. Trong lúc đổ, người làm bánh phải quấy thật đều tay nếu không bột sẽ bị vón cục lại, khiến bánh bị sần.
Ngoài ra, khi nấu bánh không được để lửa quá to vì bánh sẽ bị cháy, cũng không được để lửa quá nhỏ khiến thời gian nấu lâu mất đi mùi hương vốn có. Vì vậy, người nấu bánh phải đứng túc trực ngay bên nồi bánh, vừa để canh lửa vừa phải khuấy đều liên tục. Khi bột bánh vớt lên không bị đứt đoạn mà chảy nối tiếp nhau liên tục là lúc bánh đúc chín. Lúc này cần bưng nồi bánh xuống và múc bỏ vào những chiếc bát đã được sắp sẵn. Công việc múc bánh phải làm thật nhanh gọn khi bánh trong nồi đang nóng. Bởi nếu để nguội bột bánh sẽ đông lại rất khó để múc ra.
Bánh đúc đỏ ngon nhất là khi ăn nguội
Sau khi bánh được múc ra thì người ta sẽ sắp lên kệ cho nguội. Theo người dân, bánh đúc đỏ phải ăn nguội mới đúng vị của nó. Vì khi đó ăn bánh sẽ thấy mát và ngon hơn, vì thế loại bánh này rất thích hợp khi ăn vào những ngày hè nóng nực. Bánh đúc đỏ thường được ăn kèm với nham chuối (món nộm làm từ gốc cây chuối hột). Tuy nhiên, theo thời gian, nó còn được ăn cùng với rất nhiều món khác như: xáo thịt bò, thịt chó, tiết bò, tiết lợn, xáo lòng lợn…
Sau khi biết các công đoạn làm bánh đúc nhiều người cảm thấy món bánh này làm rất khó và cầu kỳ, tuy nhiên với người dân Nghi Thịnh đã quen tay thì một nồi bánh đúc đỏ chỉ mất từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng đồng hồ là xong. Xưa nay, chỉ có người dân xã Nghi Thịnh mới làm được bánh đúc đỏ đặc biệt này. Còn các vùng khác chỉ làm được bánh đúc trắng. Vì vậy, món ăn này đã trở thành một đặc sản đặc biệt của vùng quê Nghi Thịnh.
Cho đến nay dù đời sống đã phát triển, có nhiều món ăn ngon xuất hiện nhưng những người con Nghi Thịnh xa quê đều không quên hương vị của món bánh đúc đỏ. Mỗi lần có dịp trở về quê hương họ đều cố gắng ăn một vài chiếc bánh đúc để sống lại ký ức tuổi thơ của mình. Thậm chí nhiều người còn tìm mua bằng được vài chục chiếc bánh để làm quà cho bạn bè ở thành phố.
Bánh đúc nói chung và bánh đúc đỏ nói riêng là món ăn bình dân, mộc mạc, mang hơi thở của hương đồng gió nội. Vì vậy, dù lúc khó khăn thiếu thốn hay khi đã no đủ thì món ăn này vẫn luôn là “đặc sản” trong ký ức mỗi người.