Du lịch miền Tây Nam Bộ không chỉ thu hút du khách bằng những nét đẹp riêng của miền quê sông nước mà còn có những công trình kiến trúc chùa chiền theo phong cách Khmer đẹp lộng lẫy, nguy nga. Hãy cùng khám phá ngay 5 ngôi chùa Khmer nổi tiếng nhất miền Tây dưới đây.
Được xây dựng trên diện tích vô cùng rộng lớn, chùa Vàm Ray Trà Vinh tọa lạc tại xã Hàm Tâm, huyện Trà Cú, cách thành phố Trà Vinh khoảng 35km. Vàm Ray là ngôi chùa Khmer ở miền Tây lớn nhất ở Việt Nam, đây chính là niềm tự hào không chỉ riêng của người dân Trà Vinh mà còn là niềm kiêu hãnh của xứ miền Tây Nam Bộ.
Đến tham quan chùa Vàm Ray Trà Vinh, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ công trình kiến trúc tuyệt đẹp này. Chùa mang phong cách kiến trúc Angkor Khmer, một kiến trúc đặc trưng của người Campuchia. Ngôi chánh điện chùa có 4 cổng chính và cổng chính quay về hướng đông giống như bao ngôi chùa Khmer khác. Nhìn từ bên ngoài, ngôi chùa mang dáng dấp như một cung điện với những hoa văn và họa tiết được chạm khắc vô cùng tỉ mỉ.
Trung tâm là ngôi chánh điện mang kiến trúc vô cùng tinh xảo, bên trong được trang hoàng lộng lẫy với những bức tường tranh nhiều màu sắc, đậm chất văn hóa Khmer, chủ đề xuyên suốt của các tác phẩm là cuộc đời và giáo lý nhà Phật.
Đỉnh cao nghệ thuật của chùa Vàm Ray thể hiện trên các họa tiết ở khắp các công trình trong khuôn viên chùa như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit…
Đặc biệt, khi khám phá chùa Vàm Ray, du khách còn có cơ hội được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn vô cùng to lớn trong sân chùa, với chiều dài 54m được đặt trên bệ tương đương một ngôi nhà 2 tầng, đây chính là tượng Phật nằm ngoài trời lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra, chính giữa sân còn có một trụ cao vút được nâng đỡ bởi những rắn thần Naga 5 đầu, đây là nơi thắ nến vào những ngày lễ hội.
Đến tham quan chùa Vàm Ray, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc đặc sắc tại chùa mà còn được dạo bước bên trong không gian vô cùng rộng lớn này, cảm nhận bầu không khí thanh tịnh tại chùa. Du khách cũng có thể vào bên trong để cầu bình an, sức khỏe cho người thân và gia đình của mình.
Chùa Dơi ở Sóc Trăng từ lâu đã nổi tiếng là một địa danh tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng. Chùa Dơi còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp) nằm trên đường Văn Ngọc Chính, Phường 3, thành phố Sóc Trăng. Sở dĩ chùa có cái tên đặc biệt này là vì ở đây là “ngôi nhà” của những bầy dơi đông đúc.
Tuy là không gian thờ Phật Thích Ca nhưng chùa Dơi Sóc Trăng lại mang nét kiến trúc văn hóa Khmer. Ngôi chùa nổi bật trong không gian xanh mát của cây cối nhờ sắc màu vàng cam Khmer đặc trưng. Kiến trúc của chùa là lối kiến trúc truyền thống của người Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Cổng chùa và tường bao quanh được trang trí cầu kỳ với các họa tiết hoa văn tuyệt đẹp. Trong khuôn viên chùa là hàng trăm tán cây cổ thụ, tỏa bóng mát khắp các khuôn viên và sân vườn. Chùa Dơi được xây dựng từ cách đây hơn 400 năm, mang đậm dấu ấn văn hóa Khmer.
Chùa gồm ba khu chính là chính điện, khu sala và nhà thờ cổ lục cả Thạch Chia, người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa. Quần thể được sắp xếp hài hòa với các khu chính rộng rãi, thoáng mát, luôn mở rộng cửa đón nắng và gió mát.
Tòa chính điện được xây từ năm 1569 với tượng Phật sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m cùng nhiều bức tượng phật nhỏ. Các bức tường xung quanh là các hình vẽ về đời sống nhà Phật sắc nét.
Sau khi đã tham quan hết các khu chính, du khách có thể dành thời gian đi dạo trong vườn chùa. Những tán cây rộng lớn ở khuôn viên chùa chính là nơi trú ngụ của rất nhiều loài dơi, lên đến hàng triệu con.
Đây cũng chính là lý do vì sao ngôi chùa này có tên là chùa Dơi. Kỳ lạ thay khi dơi ở đây không ăn hay phá hoại cây trong chùa mà chúng coi đây như ngôi nhà của mình, là địa điểm để trú ngụ và nghỉ ngơi.
Hàng đêm, sau khi đã đi kiếm ăn ở khắp mọi nơi, chúng lại tụ tập về đây, treo mình lủng lẳng trên các nhánh cây trong khuôn viên chùa như những chùm quả nặng trĩu lúc lỉu và ngủ một giấc dài.
Ngoài là nơi trú ngụ của loài dơi, ngôi chùa này còn nhuốm màu sắc bí ẩn với những ngôi mộ của loài lợn 5 móng.Theo người Khmer, lợn 5 móng là “cốt tinh” của con người và gia đình nào nuôi phải loài lợn này sẽ gặp bất hạnh, lục đục, vì bị con heo "thành tinh" quấy phá.
Vì vậy, trong 20 năm qua, nhà nào có lợn 5 móng đều gửi vào chùa Dơi nhờ trông nom, chăm sóc. Khu nuôi loài lợn này nằm cách chùa khoảng 50m, đi từ phía cổng sau của chùa Dơi.
Miền Tây là nơi có rất nhiều ngôi chùa của người Khmer có thể kể đến như chùa Dơi tại Sóc Trăng hay chùa Nodol ở Trà Vinh. Tuy nhiên để nói về ngôi chùa Khmer ở miền Tây lớn và đẹp nhất thì chỉ có thể là Xiêm Cán Bạc Liêu. Nếu một lần đến với Bạc Liêu các bạn nên ghé qua chùa để khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng như sự hoành tráng của công trình này.
Là một ngôi chùa cổ của người Khmer, Xiêm Cán được xây dựng theo tinh thần của Tiểu thừa Phật giáo. Điều này đã tạo cho ngôi chùa những nét kiến trúc vô cùng độc đáo và riêng biệt. Chùa Xiêm Cán còn sở hữu nhiều chi tiết trang trí vô cùng hiếm thấy và đẹp mắt tại mái vòm, tường hay các cầu thang.
Nét đặc trưng trong văn hóa của người Khmer còn được thể hiện qua nhiều tượng phật, đặc biệt là sự xuất hiện của rất nhiều hình rắn - đặc trưng trong kiến trúc của người Khmer. Ngay từ khi bước vào chùa, du khách có thể nhìn thấy cổng chùa được xây dựng theo hình ngọn tháp được mô phỏng theo kiến trúc giống như Angkor của người Campuchia.
Đến với chùa Xiêm Cán, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nét đặc sắc trong kiến trúc mà còn được khám phá văn hóa tâm linh của những người dân nơi đây. Tại đây còn lưu giữ rất nhiều nét đẹp trong văn hóa, đời sống của đồng bào Khmer.
Hiện nay, để truyền đạt những triết lý của Phật giáo đặc biệt là văn hóa của người Khmer, tại chùa thường xuyên tổ chức các lớp học miễn phí.
Các vị sư sãi tại đây luôn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng người Khmer và ngôi chùa trở thành cầu nối giúp gắn kết họ lại với nhau. Không gian tại chùa sẽ giúp du khách đến đây cảm thấy thoải mái, thanh tịnh và bình yên.
Với rất nhiều nét đặc trưng, chùa Xiêm Cán là một trong những địa điểm tuyệt vời dành cho những du khách muốn tìm hiểu về văn hóa tâm linh và kiến trúc của người Khmer. Đến với chùa, du khách còn có cơ hội chụp cho mình những bức hình tự sướng cực chất và đẹp mắt.
>> Xem thêm: Top 4 địa điểm du lịch mạo hiểm ở Việt Nam 'thách thức' giới trẻ
Ngôi chùa này còn được bà con ở nơi đây gọi với cái tên thân thương là chùa Núi, Chưn Num (theo tiếng của người Khmer). Tọa lạc ở trên ngọn đồi Tà Pạ, ở xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang và nằm cao hơn so với mặt đất 45m.
Chùa theo phái Nam tông hệ của Phật giáo tiểu thừa đậm chất Khmer. Nơi đây gần với những địa điểm tham quan nổi tiếng khác với không khí yên bình vắng lặng, là nơi trốn để thư giãn thích hợp khi du lịch miền Tây.
Đầu tiên ở dưới nhìn lên bạn sẽ thấy ngôi chùa này được xây dựng trên những cột bê tông chống đỡ cao đến hàng chục mét chứ không phải nền đất. Thêm vào đó, xung quanh không gian vắng lặng được cây cối xanh mướt bao bọc.
Do đó, nhiều người ví nó như đang bay lơ lửng, có thể nhìn thấy được từ tất cả mọi phía. Cộng thêm với lối kiến trúc Khmer có màu đỏ cam đặc trưng lại càng trông nổi bật thu hút ánh nhìn ngay từ lần đầu tiên.
Đây là một trong số những ngôi chùa Khmer ở miền Tây nổi tiếng được nhiều người biết đến. Để lên được chùa bạn phải đi qua con đường đất rồi tiếp theo là con đường đầy ma mị. Chùa mới được xây dựng gần chùa cũ, là công sức lớn của những nhà sư vì quyên góp đến đâu thì làm đến đó.
Một mặt muốn giữ nguyên những kiến trúc ban đầu, mặt khác tạo thêm nhiều nét hấp dẫn để không chỉ người dân mà còn tạo thêm địa chỉ tham quan, chiêm bái cho khách du lịch khi đến với Tri Tôn.
Bên cạnh phần chánh điện nguy nga và rộng lớn, chùa còn có tháp cốt, bảo tháp với bức tượng Phật ngọc uy nghi theo tư thế ngồi hướng mặt về phía thị trấn. Bao quanh chùa là lan can được trang trí những bức tượng đúc màu cam đậm chất Khmer Nam Bộ. Những bức tranh ảnh và tượng, phù điêu được khắc họa hình tượng chim thần, rắn thần Nagar mang đậm chất nghệ thuật vừa thân quen gần gũi nhưng cũng độc đáo không kém.
Kiến trúc chùa Tà Pạ An Giang được đánh giá là công trình uy nghiêm, mọi góc đều được chính tay các nghệ nhân người Khmer trạm trổ và điêu khắc mang nét tinh xảo đến từng chi tiết.
Điểm nhấn là phần mái với tháp nhọn vút lên trời, bao quanh có những đỉnh hình tam giác nổi bật. Đến những chiếc kèo, cột hay cánh cửa của chùa cũng được trang trí với những hình ảnh lấy cảm hứng từ cuộc đời của Đức Phật. Hay hình ảnh sinh hoạt văn hóa của bà con Khmer với đời sống bình dị.
Không chỉ vãn cảnh, người dân còn thường xuyên đến khu vực sân rộng trong chùa để cùng ngồi hóng mát, trò chuyện hay chơi các trò chơi thể thao. Đứng từ trên chùa phóng tầm mắt ra xa xuống dưới để tận hưởng không khí mát mẻ.
Xung quanh có đồi núi, cánh đồng xanh bạt ngàn của Tri Tôn. Xa hơn là những ngọn núi trong vùng Thất sơn như: núi Ngọa Long, núi Cấm, núi Cô Tô… cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa đất trời.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH MIỀN TÂY KHUYẾN MÃI
>> HCM - Sóc Trăng - Côn Đảo 2N2Đ - Tàu Cao Tốc Superdong từ 2.790.000Đ >> HCM - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau 4N3Đ từ 3.680.000Đ |
Chùa Sà Lôn hay còn gọi là chùa Chén Kiểu tọa lạc tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Chùa Sà Lôn nằm bên Quốc lộ 1A, chỉ cách thành phố Sóc Trăng 12km. Chùa Sà Lôn mở cửa đón hàng ngàn khách hành hương mọi ngày trong năm, nơi đây đặc biệt đông đúc vào những dịp lễ Phật.
Chùa Sà Lôn mang nét đẹp đặc trưng của những ngôi chùa Khmer. Cổng chùa Sà Lôn có xây 3 ngôi tháp, tháp chính giữa có màu vàng truyền thống của kiến trúc chùa Khmer, bên trong đặt một pho tượng Phật. Tường bao quanh chùa được tô điểm, trang trí hình tiên nữ Apsara múa, tượng trưng cho thái bình, no ấm. Lối vào chùa đặt hai hàng tượng thần Kâyno: tượng có khuôn mặt tiên Apsara, thân hình là của chim thần Garuda. Sự kết hợp này mang ý nghĩa: sắc đẹp vĩnh hằng và sức mạnh.
Chính điện chùa Sà Lôn có dạng tam cấp, nếp mái nhỏ dần lên đỉnh chóp cao vút. Mái chính điện được trang trí vô cùng tỉ mỉ với nhiều họa tiết, màu sắc sặc sỡ. Đặc biệt, mặt tường sau của ngôi chính điện được trang trí bởi các mảnh chén, đĩa kiểu vỡ công phu và đẹp mắt, gây ấn tượng mạnh với du khách khi chiêm ngưỡng.
Bên trong chính điện đặt một bàn thờ và chỉ thờ Phật Thích Ca. Bên cạnh đó có tới 20 tượng phật lớn nhỏ với nhiều thế đứng ngồi khác nhau. Tất cả các bức tượng Phật ở đây đều quay về hướng đông.
Theo quan niệm tôn giáo của người Khmer Nam Bộ, Phật ngự ở Tây nhìn hướng Đông là để ban phúc cho chúng sinh. Đó là nghệ thuật kiến trúc độc đáo và mang giá trị tâm linh của người Khmer.
Nét đẹp kiến trúc chùa Sà Lôn còn nằm ở 16 hàng cột chống mái, được trang trí sặc sỡ, hai bên tường còn có tranh vẽ cuộc đời của Phật Thích Ca. Giữa sân chùa có cột cờ rắn thần Nagar xòe 5 đầu, được thiết kế theo điển tích rắn xòe đầu che mưa cho Phật Thích Ca.
Người Khmer còn tin rằng tổ tiên của mình là mẹ rắn, bởi vậy biểu tượng rắn thường xuất hiện trong chùa của người Khmer. Khu vườn Phật Thích Ca nằm phía sau chùa. Trong vườn có nhiều tượng Phật mô phỏng cuộc đời Phật Thích Ca: Từ khi ra đời, tìm chân lý, giác ngộ rồi nhập cõi Niết-bàn.
Bên cạnh đó, chùa Sà Lôn còn là nơi lưu giữ những hiện vật, tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo, quý hiếm. Một trong số đó nổi bật có phần gia sản của công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy gồm: tủ cẩn xà cừ, trường kỷ, 2 chiếc giường ngủ…
Khuôn viên rộng nhiều cây xanh cũng là điểm nhấn đắt giá của chùa Sà Lôn. Du khách đến du lịch Sóc Trăng, chiêm bái chùa đều yêu thích không gian yên tĩnh, mát mẻ, trong lành.
Sau khi tham quan, chiêm bái, nếu du khách muốn mua quà về cho bạn bè người thân thì ngay trong khuôn viên chùa Sà Lôn có một khu chợ nhỏ, nằm giữa những cây xanh cao vút. Tại đây, chủ yếu bày bán rau, quả, bánh kẹo, đặc sản tự sản xuất tại địa phương, đảm bảo tươi ngon và an toàn cho du khách chọn mua.
Trên đây là 5 ngôi chùa Khmer nổi bật độc đáo nhất khắp 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Nếu có dịp đến đây, du khách hãy dành thời gian để ghé thăm và chiêm ngưỡng những công trình tôn giáo tuyệt đẹp của đồng bào Khmer, qua đó sẽ hiểu thêm về văn hóa và đời sống của cư dân Nam Bộ.
Hồng Ánh