Lễ hội "Ông Công- Ông Táo" theo nghi thức dân gian là hoạt động nổi bật trong “Hội hoa - Chợ tết tôn vinh làng nghề và hàng nông sản chất lượng cao” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 30/1 đến 5/2.
>Chuẩn bị tổ chức lễ hội Đền Trần năm 2013 ở Thái Bình
>Tổ chức lễ hội đèn lồng mừng xuân Quý Tỵ
Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Hội Nông dân thành phố Hà Nội, Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức nhằm kỷ niệm lần thứ 83 ngày thành lập Đảng, chào đón Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng.
Lễ hội dân gian "Ông Công - Ông Táo" do làng gốm cổ Bát Tràng thực hiện với các nghi thức dân gian, truyền thống. Trước tiên là nghi lễ rước "ông đầu rau" - được làm từ trấu và đất sét. "Ông đầu rau" cao 1,2 mét do Hội nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng chế tác.
Cùng với đó là phần rước cá chép với chiều dài 3,5m do nghệ nhân dân gian Hà Nội thực hiện cùng 12 mâm sản vật, lễ vật của địa phương gồm bánh chưng, bánh dày, bánh đậu xanh, kẹo sìu châu, bánh cu đơ, bánh cáy, bánh phu thê, bưởi ngọt, nhãn muộn, mâm ngũ quả…
Lễ rước bắt đầu từ làng gốm Bát Tràng với 9 xe kiệu, đội tế nam- tế nữ - xênh tiền và bà con, nghệ nhân làng Bát Tràng qua tượng đài Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn… và dừng tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nơi diễn ra hội hoa, chợ Tết.
Các mâm lễ vật sẽ được dâng cúng tại các địa điểm tượng đài Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, tượng đài vua Lê Thái Tổ, Hoàng thành Thăng Long, Tượng đài Liệt sỹ Bắc Sơn, Khu nhà Bác Hồ...
Theo văn hóa dân gian Việt Nam, "Ông Công - Ông Táo" là vị thần gần gũi nhất với mỗi gia đình trong suốt cả năm.
Vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông về chầu trời, mỗi gia đình Việt Nam đều thực hiện nghi lễ tiễn ông về trời cùng những lời gửi gắm về một năm mới tốt lành sắp tới.
Trong khuôn khổ “Hội hoa - Chợ tết tôn vinh làng nghề và hàng nông sản chất lượng cao” còn diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa, mang đậm sắc thái ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam dành cho nhân dân Thủ đô với các hoạt động triển lãm, hội chợ, lễ hội dân gian, văn hóa nghệ thuật truyền thống, giao lưu, hội thi…
Nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao sẽ được lựa chọn, giới thiệu tại Hội hoa, chợ Tết lần này nhằm tôn vinh làng nghề và khẳng định chất lượng, thương hiệu của nông sản Việt Nam. Đồng thời góp phần gắn kết phát triển du lịch với phát triển kinh tế, văn hóa của các sản phẩm làng nghề và hàng nông sản chất lượng cao, đặc sắc của các địa phương; đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trong chương trình sẽ diễn ra triển lãm “Làng quê - làng nghề với phong trào xây dựng nông thôn mới"; giới thiệu các nghề thủ công truyền thống xưa và nay, gương mặt nghệ nhân, sản phẩm thủ công, thao diễn tay nghề.
Bên cạnh đó là phần trưng bày, giới thiệu 100 sản phẩm thủ công gốm sứ, mây tre đan, thêu ren, sơn quang, tơ lụa, đồ thờ, khảm trai, tranh dân gian, hoa lụa, chạm bạc, thúc đồng; 100 tác phẩm thư pháp và câu đối Tết...
Nhân dân sẽ có dịp thăm quan, mua sắm nhiều mặt hàng thiết yếu, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm như nếp cái hoa vàng, cam canh (Hoài Đức), bưởi đường Quế Dương, nhãn muộn (Hoài Đức), chè sen (Hồ Tây), chè sạch Ba Trại (Ba Vì) sữa, rau sạch, rau hữu cơ.
Các gian hàng ẩm thực giới thiệu nhiều món ăn và sản phẩm ẩm thực của Hà Nội như bánh cuốn Thanh Trì, giò chả Ước Lễ, bánh cốm Hàng Than và nhiều món ăn dân dã của các làng quê Việt Nam, các loại bánh, mứt kẹo ngày Tết...
Các nghệ nhân ẩm thực sẽ trình diễn nghệ thuật cắt tỉa hoa quả, trang trí mâm ngũ quả, trình diễn chế biến các món ăn cổ truyền của ba miền; giao lưu "Bếp làng Việt”./.