Nói đến Ai Cập, ta thường nghĩ đến Cairo, Kim Tự Tháp, vua Pharaoh... nhưng ít người biết đến Sharm el Sheikh, một điểm thu hút du lịch lặn biển không kém phần quan trọng của Ai Cập.
Trở ngại, thất vọng và thử thách
Sharm el Sheikh nằm ở mỏm phía nam của bán đảo Sinai thuộc vùng biển Đỏ. Nước biển ở đây trong suốt như pha lê với 250 bãi san hô và hơn 1.000 loài cá biển. Với khí hậu nắng ấm quanh năm, đây là một thiên đường đối với những người đam mê lặn biển khám phá thế giới đại dương đầy màu sắc.
Cảnh biển Ai Cập. Ảnh: SGTT
Tôi đến đây với gia đình và con nhỏ, nhưng điều đó không ngăn trở việc đi lặn biển, môn thể thao yêu thích của tôi. Tôi học lấy bằng lặn biển quốc tế PADI từ năm 2002, và lần cuối cùng tôi lặn là năm 2004 ở Hikkaduwa, Sri Lanka. Vậy là đã sáu năm rồi, tôi không chắc là mình còn nắm vững những kỹ thuật lặn. Tuy nhiên, tôi vẫn đăng ký đi lặn với câu lạc bộ lặn Sinai ở đây.
Buổi sáng hôm ấy tôi đến câu lạc bộ sớm để nhận đồ lặn. Ấn tượng đầu tiên của tôi là: họ thật có tổ chức, một hòm phụ kiện đề tên tôi đã được đặt sẵn, tôi chỉ phải kiểm tra xem giày, chân nhái, áo lặn có vừa mình không. Hôm đó rất đông, khoảng hơn 20 người trên một chiếc xe buýt đưa chúng tôi ra bến cảng. Tới bến cảng tôi mới nhận ra rằng 20 người chúng tôi chỉ là con số lẻ trong một đám đông hàng trăm người đang xếp hàng ra tàu. Có lẽ không nơi nào như nơi đây các du khách đều là thợ lặn, từ một phụ nữ mập mạp tuổi trung tuần, đến cô gái yểu điệu thướt tha trong chiếc váy mỏng tang. Họ làm tôi thực sự phấn chấn.
Lặn biển đỏ Ai Cập. Ảnh: SGTT
Tàu rời bến chưa đầy năm phút, các hướng dẫn viên (HDV) tập hợp chia chúng tôi làm ba nhóm lặn. Mỗi người chúng tôi có hai bình ôxy cho hai lần lặn. Lúc chuẩn bị đồ lặn, ráp bạch tuộc với bình ôxy, tôi hơi lúng túng vì tôi không nhớ rõ thao tác, phải nhờ HDV giúp. Khi đó, tôi đã cảm nhận rằng tôi chưa sẵn sàng cho chuyến lặn này. Tuy nhiên, tôi không có lý do gì để rút lui, mọi thứ đã sẵn sàng... và tôi đã nhảy xuống nước như một thợ lặn chuyên nghiệp.
HDV ra hiệu cho mọi người chìm dần xuống, tôi vẫn nhớ xả hết không khí trong áo phao, cân bằng áp suất... mọi việc diễn ra suôn sẻ. Xuống tới đáy tôi ra hiệu “OK” và mọi người bắt đầu bơi theo HDV. Chưa đầy một phút, tôi bắt đầu thấy nước tràn vào kính lặn, tôi nhớ lại phương pháp “rửa mặt nạ” – mở hé kính lặn một chút rồi thở mạnh ra từ mũi. Có lẽ tôi đã mở quá nhiều và nước tràn vào càng nhiều hơn, tôi hơi hoảng nhưng vẫn cố thử lại một lần nữa, lần này nước vào ồ ạt và ngập đầy kính lặn, nước bắt đầu tràn vào mũi rồi xuống họng mặn chát, tôi không thể thở được nữa, vì mỗi lần hít vào tôi lại bị sặc nước. Tôi rối rít xua tay báo hiệu “có điều bất ổn” và tôi bơi lên mặt nước khẩn cấp.
HDV ngay lập tức nổi lên sau tôi và hỏi có vấn đề gì. Tôi kể lại sự cố và nói tôi chưa sẵn sàng, tôi không muốn làm ảnh hưởng tới cả nhóm, và tôi sẽ không tham gia buổi lặn ngày hôm nay.
Tôi thấy rõ sự thất vọng của HDV và trong lòng tôi cũng rất thất vọng về mình. Tôi bơi về tàu và quyết định, tôi phải tham gia khoá học khởi động lại (refreshing course), tôi phải vượt qua nỗi sợ hãi này và tôi phải tìm lại được niềm vui lặn biển.
Vượt qua. Khám phá. Và thế đấy, cuộc đời tươi đẹp
Ngày hôm sau, tôi ra biển gặp Kristine, giáo viên hướng dẫn lặn cho buổi học refresh của tôi. Kristine là một cô gái trẻ người Nga rất dễ mến. Cô đưa cho tôi một bài kiểm tra ba trang giấy và nói là để xem tôi còn nhớ được bao nhiêu lý thuyết lặn để cô bổ sung kiến thức cho tôi. Kết quả thật bất ngờ, tôi trả lời đúng 27/30 câu hỏi và cô nói tôi hầu như không quên những điều quan trọng. Sau đó, chúng tôi xuống nước để kiểm tra phần thực hành những thao tác khẩn cấp dưới nước như rửa mặt nạ, tháo bỏ ống thở, dùng ống thở sơcua của bạn lặn (trong trường hợp hết ôxy). Tôi làm theo hướng dẫn và không một lần mắc lỗi. Kristine rất tự hào và tôi cũng rất vui.
Nghỉ một chút rồi chúng tôi cùng nhau tiến ra biển và cùng lặn. Khu vực này không có nhiều san hô mà gần như một “hoang mạc”, thỉnh thoảng có những thảm cỏ (sea grass) với loài cá ngũ sắc bơi lượn, có một chiếc xe tăng chìm đã hoen gỉ với những con hàu biển đóng két lại bên thành xe. Ra xa hơn nữa ở độ sâu chừng 15m chúng tôi gặp một bụi san hô rất đẹp xoè ra như một chiếc quạt giấy khổng lồ. Tiến lại gần hơn thì chúng tôi thấy nhiều cá sư tử (lionfish) với những chiếc vây trong suốt đẹp lộng lẫy.
Kristine ra hiệu cho tôi không được chạm vào những con cá sư tử này, vì vây của chúng tuy rất đẹp nhưng có nọc độc.
Trên đường về, Kristine chỉ cho tôi thấy một con cá khổng lồ đang nằm cạnh một mỏm đá, trông nó giống như cá sấu nhưng không sần sùi như cá sấu mà có nhiều vây. Khi về tôi tra “từ điển đại dương” (có hình ảnh và tên khoa học của từng loài cá) thì được biết đó là con cá sấu đầu bẹt (crocodile-fish).
Kết thúc buổi refresh, Kristine rất hài lòng còn tôi thì vô cùng háo hức mong chờ lần lặn tới. Tôi rất muốn đi lặn ở Ras Mohammed nơi nổi tiếng là một rừng san hô với nhiều sinh vật biển quý hiếm. Ras Mohammed cũng là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ai Cập, an ninh chặt chẽ, mỗi du khách lặn biển phải mua vé vào cửa để được lặn trong khu vực này. Tuy nhiên, theo lịch lặn thì thứ ba mới là ngày đi Ras Mohammed mà ngày thứ ba tôi phải lên máy bay rời Sharm. Vậy nên ngày thứ hai tôi đi lặn ở khu the Gardens – phía bắc vịnh Naama.
Giờ đây tôi đã lấy lại sự tự tin và lặn biển thong thả, chiêm ngưỡng đại dương như một du khách thực thụ. Thế giới dưới nước đẹp vô cùng, giống như một giấc mơ mà ta được bay lên để nhìn toàn cảnh hùng vĩ của núi non, của vực sâu, của những khu vườn tiên cảnh mà hoa lá cỏ cây là những cây san hô xoè những tán quạt khổng lồ duyên dáng, những chim muông là những con cá đầy màu sắc sặc sỡ bơi lượn xung quanh. Tôi nghĩ tôi đã lạc vào khu vườn thượng uyển của vua Thuỷ Tề. Dưới chân một bụi san hô tôi thấy một con ngao biển khổng lồ với chiếc miệng xanh biếc tuyệt đẹp, giống như diềm váy của một cô vũ nữ vậy.
Ngẩng đầu lên tôi suýt ngộp thở khi nhìn thấy một con cá đuối chấm xanh đang ung dung lượn trên đầu tôi. Mọi người cùng xúm lại, bơi theo chiêm ngưỡng một sinh vật đẹp chưa từng thấy. Có lẽ cảm thấy không an toàn chú cá đuối sà xuống đáy cát và thận trọng bơi đi.
Có rất nhiều cá bướm (butterflyfish) đủ loại và nhiều màu sắc bơi lượn, thỉnh thoảng có một chú cá Nemo đi lạc trông thật dễ thương như trong phim vậy. Rồi chúng tôi bơi qua một vách núi, bên dưới là vực mà khi nhìn xuống tôi thấy tối hun hút. Vượt qua vách núi lại tới một khu vườn tuyệt đẹp. Những cây san hô nở hoa khoe sắc, mà khi chúng tôi tới gần mọi hoa lá đều rụt vào trong. Một vài con sứa với những chiếc váy trong suốt bơi lập lờ bên những cành hoa biển mảnh mai. Tới gần một bụi san hô, HDV chỉ cho chúng tôi thấy một con cá chình khổng lồ (giant moray) đang nằm trong hốc đá, chiếc đầu ngoi lên thở, thân nó to và dài nằm trong hốc, còn cái đuôi thì thò ra ngoài.
Có rất nhiều loài cá tôi không biết tên, nhưng tôi cố nhớ những con cá ấn tượng để về tra từ điển. Có cá lao (cornetfish) mình rất mỏng và dài, có cá nhồng (barracuda) với những chiếc răng sắc nhọn.
Tôi đã vô cùng ngạc nhiên thích thú khi gặp một đàn cá nhỏ xíu, mỗi con dài chừng 2cm nhưng đàn cá này rất có tổ chức, mỗi con cá thành viên đều nghiêm chỉnh nghe theo lệnh của “trưởng đoàn” – quay phải, quay trái, bơi lên, bơi xuống... đều tắp lự, giống như ta đang được xem duyệt binh vậy. Thế giới sinh vật biển quả là kỳ diệu.
Đã đến lúc chúng tôi phải trở về thuyền và tôi chắc ai cũng luyến tiếc khi phải chia tay với thế giới dưới nước – như phải tỉnh dậy giữa một giấc mơ đẹp. Trời đã ngả về chiều, con tàu của chúng tôi khởi động máy hướng về đất liền, một thuỷ thủ ngồi bên mạn tàu cất tiếng hát một bài hát Ai Cập. Chúng tôi cùng vỗ nhịp theo lời ca trong ánh hoàng hôn hồng đỏ. Mặt trời từ từ lặn vào lòng biển...